Trường hợp nào toà án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

(PLO)- Trường hợp đương sự không yêu cầu thì toà án hoàn toàn có quyền tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng phải đáp ứng ba điều kiện.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) hiện nay thì trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời. Việc này nhằm tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Như vậy, BLDS đã trao cho các đương sự trong vụ án quyền được yêu cầu Toà áp dụng một trong 16 biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 114 BLDS để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Vấn đề đặt ra là trường hợp đương sự trong vụ án không yêu cầu Toà áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Toà án có thể tự mình ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không?

khẩn cấp tạm thời
Toà án có thể tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Ảnh minh hoạ

Trao đổi với PLO về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Trần Phương, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết Toà án hoàn toàn có quyền tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Cụ thể, căn cứ vào Điều 5 Nghị quyết 02/2020 của TAND Tối cao, Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi có đầy đủ ba điều kiện sau:

(1) Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có liên quan đến vụ án đang giải quyết.

(2) Đương sự không làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì có lý do chính đáng hoặc trở ngại khách quan.

(3) Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là thực sự cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách và được áp dụng với các biện pháp khẩn cấp tạm thời như:

- Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

- Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.

- Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.

- Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

- Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động.

Ví dụ: Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng" khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: Việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu cấp dưỡng; xét thấy việc cấp dưỡng đó là có căn cứ; nếu không thực hiện trước ngay một phần nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người được cấp dưỡng và đương sự chưa có điều kiện thực hiện được quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Ngoài ra, khi tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể, ngoài việc phải thực hiện đúng quy định tại điều luật tương ứng của Bộ luật TTDS, Tòa án cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan để ra quyết định.

Ví dụ: Trong vụ án xác định cha cho con, nguyên đơn yêu cầu Tòa án xác định ông A là cha cháu C (12 tuổi), mẹ cháu C mất năng lực hành vi dân sự, cháu C không có ai nuôi dưỡng, chăm sóc, không có người thân thích. Bà D có đầy đủ điều kiện quy định tại Điều 49 Bộ luật Dân sự tự nguyện đảm nhận việc giám hộ thì Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giao cháu C cho bà D nuôi dưỡng, chăm sóc trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm