Trường Sa, nơi ấy chân trời

Hồi nào ở rừng nhà văn Nguyễn Tuân đã kêu lên vì bệnh “thiếu chân giời”. Giữa biển thì thấy là thừa chân giời, thừa thãi. Nhưng chúng tôi trên con tàu hải quân HQ 571 không phải đi theo, đi tìm những đường chân trời hư ảo, vô tận. Chúng tôi ra Trường Sa, nơi đó mỗi hòn đảo là một đường chân trời đến được.

Lời Bác Hồ được các cán bộ, chiến sĩ hải quân ghi nhớ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Sau hai ngày một đêm lênh đênh trên biển, tất cả mọi người trên boong tàu đều dồn mắt về một dải đất hẹp có ngọn hải đăng nhô cao. Song Tử Tây đấy. Trường Sa thực đây rồi. Một cảm xúc bồi hồi dâng lên khi ý thức mình đang đi trên biển Việt Nam, sắp được đặt chân lên đảo Việt Nam. Cảm giác này sẽ bám theo mỗi người trong suốt chuyến đi. Đến Trường Sa chúng tôi nghe được một bài hát mang tên Khúc quân hành Trường Sa vang lên từ các trẻ thơ đến những người lính trên đảo trên tàu: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm. Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta. Đảo này là của ta...”. Có đi ra biển, có bước lên đảo mới cảm nhận sâu sắc và thấm thía lời ca không phải là hô khẩu hiệu. Đó là tình cảm thiêng liêng, là trách nhiệm nặng nề, để mãi mãi “biển này là của ta, đảo này là của ta”. Máu đã đổ cho chủ quyền Việt Nam trên biển đảo.

Đường chân trời dừng lại sâu thẳm trước mỗi chúng tôi tại vùng biển đảo Cô Lin - Gạc Ma. Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở quần đảo Trường Sa sáng 9-5. Chính tại nơi tàu đang buông neo lúc này, ngày 14-3-1988, 64 người lính hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển, đảo. Kẻ thù đã tàn bạo, ngang ngược nổ súng vào các anh, vào đất nước ta. Chúng xông vào giật cờ ta cắm trên đảo. Lập tức, Thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội anh dũng giành lại cờ. Binh lính kẻ thù đã dùng lưỡi lê đâm và bắn Nguyễn Văn Lanh bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương xông vào cứu, bị kẻ thù bắn đã anh dũng hy sinh. Trước lúc hy sinh, Trần Văn Phương đã hô: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. Sự hy sinh anh dũng của Trần Văn Phương đã nêu tấm gương sáng cho các đơn vị noi theo, quyết tâm chiến đấu, bảo vệ hải đảo của Tổ quốc. Gạc Ma từ ấy bị chiếm đóng. Đứng trên đài quan sát của đảo Cô Lin, nhìn qua kính viễn vọng về phía Gạc Ma, thấy biển như động hơn giữa trùng khơi và trong lòng người. Con tàu buông neo lắc lư trên sóng, cả khối người đứng im tưởng nhớ những người con đã quên mình vì Tổ quốc, nước mắt chảy tràn trên từng khuôn mặt, khói hương bốc cao lên trời và cuộn sâu xuống biển. Vòng hoa thả xuống, rượu bia đổ xuống, vàng mã đồ cúng buông xuống, biển nhận về tất cả cho các anh.

Nhà giàn tên gọi DK ra đời từ 1989, khi Chính phủ quyết định xây dựng cụm kinh tế - khoa học - kỹ thuật thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để xác định chủ quyền của Việt Nam ở vùng thềm lục địa này. Biển gầm réo dưới chân cột, mỗi khi biển động cả nhà giàn lắc lư, rung chuyển. Và trong những ngày đầu gian khổ, khó khăn, một cơn bão đã quật đổ nhà giàn, những người chỉ huy đã lo cho anh em thoát được theo tàu về bờ, còn mình ở lại sau cùng, rút sau cùng, vật lộn cùng sóng gió và đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi. Chúng tôi có cho mình một đường chân trời ở đó, nơi nhà giàn DK1-15 trên bãi đá ngầm Tư Chính.       

Và tôi, chúng tôi, đã mang về từ Trường Sa những đường chân trời cho cuộc sống thanh bình, phẳng lặng của mình ở đất liền. Rồi từ đó chúng tôi và chúng ta lại khát khao những đường chân trời có thực, để đi và để đến.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm