Cấp giấy tờ tùy thân, tạo điều kiện vui chơi cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn

(PLO)- Ngày 26-10, nhiều cơ quan, đơn vị của TP.HCM đã phối hợp tổ chức "Chương trình gặp gỡ, kết hợp chăm lo cho các nhóm trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt" tại Thảo Cầm viên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-10, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM và Công đoàn Viên chức thành phố phối hợp cùng Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, Sở Tư pháp TP.HCM, Công an TP.HCM và Tổ chức Save the Children International đã thực hiện "Chương trình gặp gỡ, kết hợp chăm lo cho các nhóm trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt" tại Thảo Cầm viên.

tre-em-co-hoan-canh-kho-khan6.jpeg
150 trẻ em, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt được tặng quà tại chương trình.

Chương trình nhằm hỗ trợ các thủ tục pháp lý như cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú và căn cước công dân cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 16-18 tuổi thuộc nhóm có hoàn cảnh đặc biệt.

Chương trình có sự tham gia của 150 trẻ em và thanh thiếu niên cùng đại diện từ 10 cơ sở trợ giúp trẻ em.

Công an làm luôn cả ngày nghỉ để cấp giấy tờ cho các em

Phát biểu tại chương trình, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm lo hỗ trợ pháp lý và tạo điều kiện học tập, vui chơi lành mạnh cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

tre-em-co-hoan-canh-kho-khan1.jpeg
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM phát biểu.

"Đây là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn xã hội và mỗi cá nhân cần chung tay chăm sóc, hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện. Các em có quyền được học tập, vui chơi giải trí lành mạnh và phát triển.

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát, chỉ đạo từng trường hợp cụ thể để đảm bảo rằng không có trẻ em nào không được cấp giấy tờ cần thiết. Điều quan trọng không phải là tổ chức các sự kiện, mà là giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn" - ông Bình khẳng định.

Theo ông Cao Thanh Bình, qua rà soát thực tế, toàn Thành phố có tổng cộng 445/575 trường hợp trẻ em, thanh thiếu niên không có các loại giấy tờ tùy thân. Đáng nói, trong số này có cả những em đang học trung học cơ sở, trung học phổ thông có nhu cầu cấp thiết về giấy tờ định danh cá nhân để chuẩn bị lên bậc đại học, các trường nghề và tham gia thị trường lao động.

Từ thực tiễn, các cơ quan chức năng thành phố đã tiến hành rà soát, đối chiếu, tìm rõ nguồn gốc nhân thân để tiến hành cấp giấy khai sinh cho 376/445 trường hợp (đạt tỷ lệ 84,5 %).

Cụ thể, 376 trường hợp đã được cấp giấy khai sinh, đạt 84,5%, 368 em đã được cấp mã số định danh cá nhân (98%) cùng đăng ký cư trú (100%). Tuy nhiên, chỉ 54,9% các em được đăng ký thường trú và 43,7% được cấp căn cước công dân.

Hiện còn 69 trường hợp chưa có giấy khai sinh đang được các cơ quan đơn vị, chính quyền địa phương phối hợp, xúc tiến giải quyết nhằm xác định nguồn gốc, mã số định danh, đăng ký cư trú và căn cước công dân.

Ông Cao Thanh Bình đã ghi nhận những cố gắng nỗ lực của các các nhân, tập thể liên quan, nhất là lực lượng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TP Hồ Chí Minh đã làm việc luôn cả những ngày nghỉ ngày cuối để đến tận các trường lớp, trung tâm rà soát để xem xét cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú, căn cước công dân cho các em thanh thiếu niên.

Tại Thảo Cầm Viên, chương trình cũng đã dành những phần quà thiết thực trao tặng trực tiếp cho các em.

tre-em-co-hoan-canh-kho-khan_1.jpeg
Thượng tá Đậu Ngọc Thuận, Phó Trưởng Phòng PC06, Công an TP.HCM trao quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: THANH VŨ
tre-em-co-hoan-canh-kho-khan3.jpeg
Nhiều trẻ thích thú khi được tham quan tại Thảo Cầm viên.

Em Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc (13 tuổi), một trong những học sinh được nhận quà tặng từ chương trình cho biết cha mẹ của Ngọc đã bệnh và qua đời từ năm Ngọc 2 tuổi. Hiện tại, Ngọc đang sống cùng bà ngoại đã ngoài 70 tuổi.

"Hồi xưa, con còn nhỏ quá nên con không nhớ nhiều. Con chỉ nghe bà ngoại kể lại ba mẹ con bệnh nặng rồi qua đời nên con ở với bà ngoại đến giờ.

Con đi học, bà ngoại ở nhà bán quầy nước ngọt nuôi con. Mỗi khi nhận được quà, con đưa hết cho bà để đóng học phí và mua đồ ăn. Có bữa, bà ngoại nói con cầm tiền để mua đồ ăn mà con thích. Rồi con với bà ngoại bỏ tiền vào ống heo để dành cho đi chơi Tết, nay con được đi chơi Thảo Cầm Viên là con vui quá vui rồi!" - Ngọc nghẹn ngào nói.

Với Ngọc, bà ngoại là chỗ dựa duy nhất giúp em có động lực đến trường. Ngọc kể: “Có lần, thấy bà bệnh và đi lại khó khăn, con định nghỉ học một buổi để phụ giúp nhưng bà ngoại không cho mà bắt con đi học”.

Tương tự, em Long (13 tuổi, Trường THCS Hai Bà Trưng), cho biết Long vừa chuyển vào mái ấm Ánh Sáng ở được 3 tháng. Ba mẹ Long đã bỏ đi từ khi Long còn học lớp 2, lúc đó Long ở với bà ngoại, một chị gái và hai em.

"Bà ngoại cũng lớn tuổi, ngoại nuôi anh em con không nổi nữa mà bà ngoại không muốn tụi con nghỉ học nên bà ngoại gửi con với em con vào mái ấm ở để được đi học tiếp. Nếu không, giờ này con đã nghỉ học rồi.

Khi con biết mình được các cô chú đưa đi chơi, tặng quà, làm giấy tờ cho thì con mừng lắm. Nhờ đó, con với em sẽ tiếp tục được đi học" - Long bộc bạch.

tre-em-co-hoan-canh-kho-khan5.jpeg
Ông Cao Thanh Bình tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại chương trình.

Được đi học nhờ cấp lại giấy tờ

Vừa được cấp căn cước công dân, Trần Nhựt Anh (16 tuổi, ngụ quận 3) cho biết em đang học lớp 6, ba mẹ đã bỏ đi từ lúc sinh ra nên không có giấy tờ. Hiện tại, Nhựt Anh ở cùng bà ngoại.

"Con mới vừa được học lớp 6 gần đây. Hàng ngày con cùng bà ngoại đi bán vé số để kiếm tiền.

Trước đó, con được đi học lớp 1 ở lớp học tình thương, sau đó có một cô ở phường giới thiệu cho con học bổ túc, con làm giấy tờ rồi được trở lại trường học, nếu không con không biết khi nào mới được đi học lại.

Con ước mơ được làm bác sĩ để chữa bệnh lại cho người khó khăn. Bà ngoại con cũng đang bị bệnh nhưng vì muốn để tiền cho con đi học nên bà không dám đi khám bệnh" - Nhựt Anh nói.

Em Trần Minh Tâm (18 tuổi, ngụ tại phường An Phú, TP Thủ Đức), cho biết Tâm đã nghỉ học hồi lớp 7, ba mẹ Tâm ly dị nên hai anh em Tâm ở với bà ngoại. Trước đó, vì gia đình quá khó khăn, không có giấy tờ nên Tâm phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền.

"Lần này, con được nhận căn cước công dân để hỗ trợ con đi làm lại. Con cũng muốn đi học lại nhưng con còn em và bà ngoại đã có tuổi, nên vài bữa nữa nhận căn cước công dân xong con sẽ đi làm.

Trước đó, có một anh sinh viên gần nhà giới thiệu cho con làm sân tennis nhưng cũng không đòi hỏi giấy tờ, nếu không con cũng không biết như thế nào" - Tâm kể.

tre-em-co-hoan-canh-kho-khan.jpeg
Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tặng quà cho các em có hoàn cảnh đặc biệt.

Tại chương trình, Ban tổ chức cũng đã trao các gói hỗ trợ trị giá 600 triệu đồng cho 10 cơ sở trợ giúp trẻ em, bao gồm tivi, bàn học, máy lọc nước, loa di động, và quạt máy nhằm phục vụ công tác chăm sóc trẻ.

Bên cạnh đó, 445 trẻ em, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt được nhận quà trị giá hơn 750.000 đồng/phần, gồm dụng cụ học tập và sữa, trong đó 150 phần được trao trực tiếp tại Thảo Cầm Viên và số phần quà còn lại gửi về các cơ sở khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm