Sáng ngày 7-5, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao, (PC 50 - Công an TP Hà Nội) cho biết, trong thời gian gần đây trên địa bàn TP Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ mạo danh cán bộ công an, VKS, tòa án để chiếm đoạt tài sản.
Theo PC50 thủ đoạn của bọn chúng rất tinh vi, chúng sử dụng điện thoại qua Internet vào các thuê bao của các bị hại ở trong nước để thông báo với bị hại với nội dung đang nợ cước điện thoại, hoặc số tài khoản ngân hàng của bị hại bị kẻ xấu chiếm đoạt để dùng vào mục đích xấu. Sau khi người bị hại nhận được thông báo trên, các đối tượng yêu cầu người bị hại lập tức chuyển tiền đến một tài khoản của chúng để chiếm đoạt tài sản. Theo PC50 cho biết, khoảng từ đầu tháng 4-2015 đến nay đã có 13 người đến Cơ quan Công an TP Hà Nội trình báo với tổng số tiền gần 3 tỉ đồng.
Cụ thể trường hợp của chị Q.T.T. (SN 1963), ngụ ở Hà Đông, Hà Nội, sau khi nhận được cuộc gọi của kẻ gian tới số bàn, đồng thời thông báo nợ cước hơn 8 triệu đồng, khi chị T. thắc mắc thì kẻ gian hướng dẫn chị đến số nhánh để được tư vấn. Sau đó, chị T. làm theo và thắc mắc với số tiền trên thì được thông báo chị T. có đăng ký số điện thoại ở Tây Ninh và chưa thanh toán cước. Sau đó kẻ gian nói vì số máy đăng ký ở Tây Ninh nên chuyển cho Công an Tây Ninh thụ lý giải quyết.
Biết chị T. đã tin và làm theo nên một đối tượng khác tự xưng là Công an Tây Ninh trao đổi với chị T. rằng, gần đây nhiều đối tượng trộm cắp thông tin cá nhân để sử dụng mục đích phạm pháp. Ngay sau đó đối tượng thông báo cho chị biết số tài khoản ngân hàng của chị bị kẻ gian đánh cắp nên yêu cầu chị T. chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản khác.
Sau khoảng 1 đến hai ngày sẽ chuyển lại cho chị T. Tin lời kẻ xấu, chị T. đã đến ngân hàng rút 400 triệu chuyển vào số tài khoản của đối tượng. Nhưng sau đó nhiều ngày không thấy được tra số tiền trở lại, chị T. đã cầu cứu đến Công an TP Hà Nội nhờ giúp đỡ. Với thủ đoạn như trên kẻ xấu cũng đã lừa đảo chiếm đoạt 240 triệu đồng của nạn nhân L., ngụ ở Đống Đa, Hà Nội.
Trả lời Báo Pháp luật TP HCM, Thượng tá Ngô Minh An, Phó trưởng Phòng PC50 cho biết, hầu hết các đối tượng đều dùng thủ đoạn gọi điện đến số cố định của người dân sau đó thông báo nợ cước điện thoại, và từ việc này bọn chúng thông báo với bị hại nếu mở tài khoản ngân hàng có thể đã bị các đối tượng xấu chiếm đoạt, lấy tài khoản đó để chuyển số tiền bất hợp pháp, tiền đen.
Sau đó các đối tượng yêu cầu chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản và kể cả số tiền trong sổ tiết kiệm vào tài khoản của các đối tượng do chúng lập ra và sau đó chiếm đoạt. Thượng tá Ngô Minh An, khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu nghi ngờ cần phải báo ngay với cơ quan công an, không nên tự mình xử lý vì sẽ dễ sập bẫy kịch bản lừa đảo của tội phạm.