Ngày 10-9, tin từ VKSND huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) cho biết đã hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ sang tòa án truy tố Huỳnh Thúc Mẫn, nguyên chủ tịch UBND xã La Dạ và Dương Ngọc Như Hiền, nguyên kế toán xã La Dạ, trong vụ “Tráo máy Nhật bằng máy Trung Quốc phát cho dân nghèo” mà Pháp Luật TP.HCM có loạt bài điều tra.
Cả hai bị cáo này đều bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo cáo trạng, thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và các hộ nghèo ở các xã/thôn/bản đặc biệt khó khăn, có 306 hộ ở xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ. UBND xã La Dạ được cấp hơn 1,5 tỉ đồng kinh phí.
Sau khi UBND huyện Hàm Thuận Bắc ra quyết định bổ sung kinh phí cho các địa phương hỗ trợ mua sắm máy móc nông cụ cho các hộ nghèo, ông Mẫn chọn nhà thầu là cơ sở Minh Thắng của ông Hồ Minh Thắng ở Tánh Linh cung cấp máy. Sau đó giữa ông Hồ Minh Thắng và UBND xã La Dạ ký kết hợp đồng cung cấp 438 máy nông cụ cùng phụ kiện xuất xứ Việt Nam và liên doanh hợp tác trị giá hơn 1,5 tỉ đồng. Sau khi ký hợp đồng, ông Thắng đã liên hệ với cơ sở nông cơ Tôn Sơn (Đức Linh) đặt mua máy móc nông cụ là hàng không rõ xuất xứ, trôi nổi, không hóa đơn chứng từ.
Ông Huỳnh Thúc Mẫn.
Ngày 20-12-2016, ông Mẫn có giấy mời đại diện lãnh đạo các phòng của huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức nghiệm thu máy móc nông cụ theo hợp đồng đã ký. Thời gian nghiệm thu vào ngày 25-12-2016 (Chủ nhật) nhưng biên bản nghiệm thu ghi ngày 23-12-2016 (thứ Sáu); địa điểm tại cơ sở Minh Thắng, huyện Tánh Linh nhưng biên bản ghi tại trụ sở xã La Dạ. Hội đồng nghiệm thu nói trên không có quyết định thành lập, không phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên có chuyên môn và cũng không có kế hoạch thực hiện.
Hội đồng nghiệm thu không kiểm tra cụ thể từng chủng loại, số lượng nông cụ máy móc theo nội dung hợp đồng nhưng lại thống nhất kết luận: Hàng còn nguyên đai, nguyên kiện, mới 100% đúng theo hợp đồng.
Sau đó ông Hồ Minh Thắng cho vận chuyển máy móc đến La Dạ phát cho người dân và UBND xã đã chuyển cho ông Thắng hơn 1,5 tỉ đồng.
Ngày 5-1-2017 sau khi nhận máy móc về, nhiều hộ dân phản ánh máy móc bị đánh tráo và giá trị không đủ 5 triệu đồng mà họ được nhận. Ông Mẫn và ông Thắng xuống các hộ dân kiểm tra một số máy bơm nước nhãn hiệu HONDA nhưng bóc nhãn hiệu này ra thì phía bên trong có thêm một nhãn hiệu khác ghi chữ GX200. Ngoài ra rất nhiều máy cắt cỏ dán hai tem chồng lên nhau, tem bên ngoài là HONDA GX35 nhưng bên trong lại là nhãn hiệu TOYO màu đỏ.
Rất nhiều máy móc nông cụ nhãn HONDA nhưng ruột lại là hàng Trung Quốc.
Theo VKSND huyện Hàm Thuận Bắc, ông Mẫn không tổ chức giám sát, cấp vốn hỗ trợ cho dân nghèo theo quy định mà hợp đồng cung cấp máy móc nhưng không thẩm tra năng lực vốn, năng lực thực hiện; hợp đồng không chặt chẽ gây thất thoát, lãng phí hơn 780 triệu đồng.
Bà Hiền là kế toán, biết rõ việc cấp vốn hỗ trợ cho các hộ dân bằng tiền không phải bằng máy móc nông cụ nhưng vẫn tham mưu, giúp sức cho ông Mẫn. Do đó bà Hiền là đồng phạm và phải liên đới chịu trách nhiệm số tiền hơn 280 triệu đồng do không tổ chức thẩm tra giá trị máy móc. Hiện chủ tịch UBND xã La Dạ đã yêu cầu ông Mẫn và bà Hiền phải liên đới bồi thường số tiền trên cho Nhà nước.
Đối với các thành viên khác của UBND xã La Dạ và các thành viên trong hội đồng nghiệm thu của huyện Hàm Thuận Bắc không phải là những người có trách nhiệm quản lý số tiền hỗ trợ của Nhà nước, tham gia theo chỉ đạo và yêu cầu của Huỳnh Thúc Mẫn; không trực tiếp gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước nên không đồng phạm trong vụ án.
Riêng ông Hồ Minh Thắng, thực hiện không đúng nội dung hợp đồng đã ký kết, hưởng lợi bất chính. Tuy nhiên, nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hậu quả trên do ông Mẫn là người có trách nhiệm chính quản lý tiền của Nhà nước thiếu kiểm tra, giám sát không chặt chẽ, do đó ông Thắng không phạm tội lừa dối khách hàng.