Truyền thông góp phần làm…lệch chuẩn tiếng Việt

Theo GS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, các nhà báo có ảnh hưởng rất lớn trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, vì vậy việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng cần được đặt ra nghiêm túc hơn. Rất tiếc, theo khảo sát việc dùng tiếng Việt trên báo chí những năm trước đây của PGS-TS Đào Thanh Lan, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, thì có đến 50% bài viết trên báo chí mắc lỗi ngôn ngữ. Còn PGS-TS Nguyễn Trường Lịch cho rằng tiếng Việt đang bị ô nhiễm nặng, một phần do nhiều người mắc bệnh sùng ngoại nên hay pha tiếng Anh vào, đã làm “nhem nhuốc”tiếng Việt…

Thật ra những băn khoăn mà các nhà chuyên môn nêu ở trên hầu như những ai quan tâm tới sự trong sáng của tiếng Việt đều nhận thấy. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để đẩy lùi sự lệch lạc trong cách dùng tiếng Việt ngày càng có chiều hướng tăng nhanh theo gia tốc, khi các phương tiện nghe nhìn, nhất là những chương trình truyền hình thực tế, những game show tràn ngập màn ảnh nhỏ với nhiều người dẫn chương trình chưa kịp trang bị kiến thức căn bản tiếng mẹ đẻ. Một số ca sĩ, diễn viên, thậm chí cả những người mẫu cũng làm MC nói những điều mà có lẽ họ cũng không hiểu hết. Đặc biệt, nhiều diễn viên hài làm MC đắt sô xuất hiện liên tục, nhiều chỗ phải cương thì không cách gì nói chuẩn được. Chưa nói tới chuẩn mực ngữ pháp, chỉ những câu nói thông thường nhưng do phải ứng đáp ngẫu hứng nên đôi khi nói sai mà họ cũng không biết, không hay. Đáng buồn là đông đảo khán thính giả trẻ bị ảnh hưởng nặng nề. Họ nhắm mắt bắt chước, từ quần áo, tóc tai tới cử chỉ, điệu bộ và những câu phải nói là quá tào lao của những thần tượng lệch pha.

Ngay cả những người cầm bút thường được cho là khá chuẩn mực nhưng đôi khi cũng mắc phải những lỗi sơ đẳng. Một phần do kiến thức lỗ chỗ nhưng cũng có khi do cẩu thả. Hầu như lật bất cứ một tờ báo hay tạp chí nào cũng gặp vài câu cú thiếu chuẩn xác. Đặc biệt là cách dùng các từ Hán Việt thường có sự nhầm lẫn mà hầu như tiếng Việt, cả ngôn ngữ viết lẫn ngôn ngữ nói, hằng ngày ít nhiều đều dùng từ Hán Việt. Có thể nêu vài ví dụ. Cụm từ “người ngoài hành tinh”thường được dùng để tán dương một trường hợp ngoại lệ hiếm có nào đó trên thế giới, như mười mấy năm trước báo chí thường gọi cầu thủ Ronaldo (người Brazil, tức Ro béo) là “người ngoài hành tinh”. Hành tinh là hành tinh nào? Bởi riêng hệ mặt trời đã có chín hành tinh, trong đó có Trái đất. Tiếng Anh viết “the planet” có mạo từ chỉ định “the” - được hiểu ngầm là Trái đất. Tiếng Việt không có cách dùng như thế nên đúng ra phải viết là “người ngoài Trái đất”. Hoặc các chương trình dự báo thời tiết trên tivi, nhiều người vẫn đọc “từnay tới chiều” là chưa chuẩn. Đúng ra phải nói “từ giờ tới chiều” hoặc “từ nay tới mai, mốt…”.

Chuyện dài tiếng Việt lệch chuẩn kể sao cho xiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới