Khởi đầu chỉ là ngôn ngữ nói, sau này khi con người sáng tạo ra chữ viết thì ngôn ngữ viết chuyển tải ý tưởng cho con người khi không có điều kiện nói hay không cần nói. Ngôn ngữ ngày càng phát triển theo tiến bộ của nhân loại.
Có điều đáng nói là thay vì phát triển theo chiều hướng hay hơn, súc tích hơn thì hiện nay với sự tiến bộ chóng mặt của khoa học công nghệ, những người trẻ lại có khuynh hướng nói và viết trên các trang mạng, email nhiều thứ tiếng lóng, tưởng là giản lược, dễ viết nhưng thật ra lại làm cho tiếng Việt méo mó lệch lạc, nếu không nói làm nghèo tiếng Việt đi. Một người bạn giáo viên dạy văn có lần cho tôi xem bài làm văn tự luận của một học sinh lớp 10 và một bài tả cảnh của một học sinh lớp 11 do anh phụ trách. Tôi không thể tin vào mắt mình. Các bài viết đều ngắn ngủn, dài hơn nửa trang viết nhưng có đến năm, bảy lỗi chính tả. Quan trọng hơn là sau khi đọc, tôi không hiểu các em viết gì, trong đó nhiều chỗ các em viết thứ tiếng lóng mà các em thường chat hay viết email hoặc “còm” trên trang mạng!
PGS-TS Đoàn Lê Giang (ĐH KHXH&NV thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) phát biểu muốn dùng tiếng Việt trong sáng (đúng, chính xác - NV) thì học sinh phải học chữ Hán. Bởi Việt Nam là một trong các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc (các nước kia là Nhật Bản và Hàn Quốc - và quốc gia đồng chủng Triều Tiên). Hiện nay tại Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn bắt buộc học chữ Hán trong nhà trường. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng đề nghị đưa môn Hán Nôm dạy lại trong trường học. Học từ lớp nào và như thế nào sẽ do Bộ GD&ĐT quyết định và có thể chỉ cần học từ Hán Việt (phiên âm). Rất nhiều từ Hán Việt vẫn được sử dụng cả trong văn nói và văn viết hằng ngày. Từ những câu, chữ đơn giản nhất mà ai cũng hiểu như hành trình, giao thông, giải khát, lao động, giải trí... nhưng tất cả đều là những từ Hán Việt. Cũng vì không nắm được từ Hán Việt nên không ít người dùng sai khi ráp các từ thuần Việt vào từ Hán Việt. Không chỉ giới bình dân hay “sính nói chữ” như các quán ăn, quán nhậu đặt nhiều tên nửa nạc nửa mỡ nghe rất tức cười như “Cây Tre quán” thay vì viết đúng và thuần Việt là “quán Cây Tre”, còn viết theo Hán Việt là Trúc quán. Trong khi đó nhiều người học hàm, học vị đầy mình cũng viết sai từ Hán Việt, cũng nửa nạc nửa mỡ, kiểu như “nữ nhà văn”, “nữ nhà báo”. Đúng ra phải viết theo Hán Việt “nữ văn sĩ”, “nữ ký giả”. Còn muốn viết theo tiếng Việt phải là “nhà văn nữ”, “nhà báo nữ”. Chắc sẽ có người phản đối chuyện học tiếng Hán trong nhà trường, bởi cái tâm lý học chữ Hán là “cổ lỗ sĩ”rồi. Ngay cả hiện nay nhiều đền chùa cũng đã thay các chữ Hán trên các cổng, các câu đối bằng chữ quốc ngữ. Tôi nghĩ đó là điều đúng đắn, nên làm để cho nhân dân hầu hết không đọc được chữ Hán có thể hiểu ý nghĩa những câu đối tuyệt hay ở các đền chùa, miếu mạo. Nhưng chuyện học chữ Hán Việt lại khác. Nó cần thiết để bổ sung cho việc hiểu thông viết thạo tiếng Việt.