TS Trần Du Lịch: Kinh tế TP.HCM sẽ không 'rơi tự do' như quý I-2023

(PLO)- TS Trần Du Lịch khẳng định quý I-2024 do mất nửa tháng nghỉ Tết Nguyên đán nên kinh tế TP.HCM không thể đạt tốc độ tăng trưởng như cuối năm 2023, nhưng 'rơi tự do' như đầu năm 2023 thì không xảy ra.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 6-1, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Cảnh giác nhưng không lo lắng việc ‘rơi tự do’

Tại hội nghị, TS Trần Du Lịch nhìn nhận năm 2023, kinh tế TP.HCM đã “lội ngược dòng” từ việc “rơi tự do” ở quý I và “lên đỉnh” vào quý IV.

TS Trần Du Lịch: Kinh tế TP.HCM sẽ không rơi tự do như quý I-2023-kinh-te-tphcm
Toàn cảnh hội nghị tổng kết năm 2023 sáng 6-1. Ảnh: NGUYỆT NHI

TS Trần Du Lịch cho rằng bên cạnh sự nỗ lực chung của TP còn có tiềm lực nội sinh của kinh tế TP, đã đủ sức để vươn lên trong thời gian qua. Đồng thời, Nghị quyết 98/2023 đã bước đầu hình thành khung pháp lý minh bạch, rõ ràng.

“Đặc biệt, dù đặt mục tiêu giải quyết vấn đề tăng trưởng kinh tế nhưng TP đã tập trung vấn đề quan trọng nhất là xây dựng thể chế, đầu tư hạ tầng, tạo nền tảng phát triển bền vững tương lai, không chạy cái trước mắt mà nghĩ cơ bản, lâu dài” – ông Lịch đánh giá và cho biết TP đã tập trung giải quyết căn cơ vấn đề thể chế, hạ tầng, hướng tới pháp lý bền vững.

Liên quan đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 7,5-8%, TS Trần Du Lịch nhìn nhận đây là thách thức rất lớn, “khó nhưng không có nghĩa là không thể làm được”.

“Vừa rồi, Chủ tịch TP.HCM có nêu vấn đề là coi chừng nguy cơ dự báo kinh tế quý I năm nay rơi vào kịch bản như quý I năm ngoái. Tôi cho rằng để đánh giá câu chuyện này phải xem xét kỹ các vấn đề làm cho kịch bản năm ngoái rơi tự do thì năm nay có còn tồn tại không.

Cuối năm 2022, TP dồn dập nhiều vấn đề như khủng hoảng kinh tế quốc tế. Trong nước thì thị trường bất động sản, tài chính kém, đầu tư công không giải ngân được, dự án tắc nghẽn, chỉ tiêu bất động sản và xây dựng đạt âm"- TS Trần Du Lịch

Tuy nhiên, những vấn đề này đã khá hơn nhiều và không diễn ra nữa. “Do đó, tôi cho rằng quý I năm nay, mất nửa tháng Tết, chắc chắn không thể có tốc độ tăng trưởng bình thường như cuối năm 2023, nhưng "rơi tự do" như đầu năm 2023 thì không xảy ra” – TS Lịch khẳng định.

Theo TS Lịch, làm sao ngay từ đầu năm 2024, một số dự án bất động sản được tháo gỡ, khởi công, sẽ tạo được sức bật. “Bất động sản chỉ đóng băng ở phân khúc thị trường đầu cơ chứ thị trường người tiêu dùng không đóng băng, đang thiếu nghiêm trọng. Cần phải gỡ chỗ này” – ông nói cần tập trung điểm này, cảnh giác nhưng không lo lắng về việc “rơi tự do”.

TS Trần Du Lịch: Kinh tế TP.HCM sẽ không rơi tự do như quý I-2023-kinh-te-tphcm
TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Từ đó, năm 2024, TS Trần Du Lịch kiến nghị TP.HCM tập trung triển khai Nghị quyết 98. Trong đó, nhanh chóng hoàn thiện dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 93, mở rộng phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực. Ông cho rằng nếu tháo gỡ được nội dung này sẽ gỡ được tất cả nội dung khác, kể cả đầu tư công.

“Cái khó nhất của TP là những việc mới chưa làm hết nhưng cái cũ còn tồn tại quá nhiều, các công trình bị vướng. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ từng cái một, chứ bây giờ chỉ lo cái cũ không thì sao làm cái mới được” – TS Lịch đề nghị.

Ông cũng gợi ý TP có nguồn lực lớn là doanh nghiệp nhà nước. Do đó, phải tổ chức lại, kể cả cổ phần hoá, xử lý vấn đề liên quan, mở đường cho phát triển hạ tầng đô thị, tạo sức dẫn dắt đầu tư, thu hút vốn.

TS Trần Du lịch tin tưởng năm 2023, TP.HCM sẽ tạo được sức bật, thực hiện được mục tiêu đề ra.

Vụ án kinh tế tác động đến tăng trưởng TP

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 2023, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận kinh tế TP.HCM đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, có khó khăn đã tồn tại từ nhiều năm trước, hiện còn tác động mạnh đến kinh tế TP.

Ông dẫn chứng, thị trường thế giới sau dịch COVID-19 vẫn bị chia cắt, chưa hồi phục, lạm phát ở một số quốc gia tăng cao. Thu nhập thực tế của người dân giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng cũng giảm, dẫn đến sản xuất, nhập khẩu cũng giảm.

TS Trần Du Lịch: Kinh tế TP.HCM sẽ không rơi tự do như quý I-2023-kinh-te-tphcm
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023. Ảnh: NGUYỆT NHI

Mặc dù Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các nước. Tuy nhiên, để hưởng lợi ích mà các hiệp định mang lại là không đơn giản do rào cản về mặt kỹ thuật của các nước đặt ra là phát triển xanh, chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo... đã ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Theo ông Hoan, một bộ phận doanh nghiệp nhà nước của thành phố đang hoạt động cầm chừng, ngày càng thu hẹp, tài sản và vốn chưa được sử dụng hiệu quả.

“Ngay trong năm 2023, kinh tế TPHCM còn đối diện với một số khó khăn mới. Nhất là sau khi phát hiện một số vụ án kinh tế, đã tác động trực tiếp đến thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản và tác động mạnh đến tăng trưởng, phát triển ngành sản xuất, tiêu dùng, dịch vụ và du lịch” - ông Võ Văn Hoan nói thêm.

5 nhóm giải pháp để đạt 95% giải ngân đầu tư công

Tại hội nghị, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai đã đề xuất năm nhóm giải pháp để đạt được mục tiêu tỉ lệ giải ngân ít nhất từ 95% trở lên.

Trong đó, TP.HCM phải tổ chức nâng cao năng lực, trách nhiệm của các chủ đầu tư, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch địa phương trong triển khai thực hiện dự án.

TS Trần Du Lịch: Kinh tế TP.HCM sẽ không rơi tự do như quý I-2023-kinh-te-tphcm
Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai. Ảnh: NGUYỆT NHI

“Gắn kết quả giải ngân đầu tư với công tác đánh giá thực hiện nhiệm vụ, thi đua và công tác cán bộ” – bà Mai nói. Giám đốc Sở KH&ĐT đề nghị các tổ công tác về đầu tư công của TP không chỉ nhận diện các vướng mắc, mà phải chủ động trực tiếp hơn nữa trong việc tổ chức giải quyết nếu thuộc thẩm quyền.

Cũng theo bà Mai, TP.HCM phải rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trong toàn bộ quy trình thủ tục đầu tư từ lúc bắt đầu đến kết thúc xong dự án.

Các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động hướng dẫn cụ thể cho chủ đầu tư ngay từ giai đoạn lập các hồ sơ, để tránh sửa đổi bổ sung nhiều lần, tiết kiệm nguồn lực thời gian, chi phí.

Ngoài ra, phải linh động trong bố trí, điều chỉnh kế hoạch vốn, kiên quyết cắt giảm vốn các dự án chậm. Đồng thời bổ sung vốn kịp thời cho các dự án triển khai tốt và ưu tiên bố trí vốn các dự án có tác động lan tỏa để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm