Từ bí ẩn Qatar đến phòng VAR và sự nghiệt ngã ở Doha

(PLO)- Nhật Bản sau địa chấn hạ gục Đức là chiến thắng Tây Ban Nha với kịch bản khó tin, khiến Đức lần thứ hai liên tiếp dừng chân sau vòng loại. Tương tự, Morocco chễm chệ ngồi trên cả đội á quân và hạng ba World Cup 2018.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Qatar vốn bị xem là điểm đến thật kỳ bí từ 12 năm trước khi Sepp Blatter sung sướng reo tên quốc gia này là chủ nhà World Cup 2022.

Bí ẩn Qatar và cách giải quyết của FIFA

Ngôi nhà FIFA sau đó cũng nóng như nhiệt độ có lúc lên đến 45 độ C ở Qatar vào mùa hè. Cái nóng của những cuộc bắt bớ, thanh trừng về tham nhũng, hối lộ trong ngôi nhà FIFA mà các quan chức từng tố nhau lẫn đưa bằng chứng về những xấp đô la để vận động và mua phiếu. Thậm chí, người có quyền lực bóng đá nhất ở Qatar và cả làng bóng đá châu Á giai đoạn bầu bán cho Qatar đăng cai phải nhận án cấm hoạt động vĩnh viễn với bóng đá.

Những cơn địa chấn ở Qatar, trong đó có đến hai chấn động là Nhật Bản lần lượt hạ Đức rồi đến Tây Ban Nha. Ảnh: GETTY IMAGES

Những cơn địa chấn ở Qatar, trong đó có đến hai chấn động là Nhật Bản lần lượt hạ Đức rồi đến Tây Ban Nha. Ảnh: GETTY IMAGES

Đã có lúc giới chuyên môn đề nghị tước quyền đăng cai của Qatar vì những lùm xùm quanh lá phiếu và vì điều kiện ở một quốc gia Trung Đông không ủng hộ cho việc cầu thủ phải chiến đấu với cái nóng sa mạc vào mùa hè.

Và lần đầu tiên một World Cup diễn ra vào mùa đông, tức tháng 12, trên những cụm sân có hệ thống điều hòa chống chọi với cái nóng.

Những cơn địa chấn mà chỉ Qatar mới có

Ở Nga bốn năm trước, Đức từng bị Hàn Quốc loại ở lượt đấu cuối vòng bảng. Lần này ở Qatar, đội bóng bốn lần vô địch thế giới tiếp tục bị loại nhưng bằng một kịch bản khó tin. Họ chịu cơn địa chấn đầu khi để Nhật Bản lội ngược dòng với chiến thắng 2-1. Người Đức vẫn chỉ xem đó là tai nạn ở lần ra quân mà may mắn không đến với mình. Đến lượt đấu cuối, người Đức vẫn tự tin sẽ thắng Costa Rica và Tây Ban Nha thì không thể thua Nhật Bản. Ấy thế mà Tây Ban Nha đã thua và có vẻ như chấp nhận thua dù cũng đứng ra tranh cãi bàn thua thứ hai không hợp lệ.

Lần thứ hai liên tiếp, Đức - nhà vô địch World Cup bốn lần, bị loại từ vòng bảng và cũng là lần đầu một đội châu Á xếp trên hai nhà cựu vô địch thế giới và châu Âu. Ảnh: GETTY IMAGES

Lần thứ hai liên tiếp, Đức - nhà vô địch World Cup bốn lần, bị loại từ vòng bảng và cũng là lần đầu một đội châu Á xếp trên hai nhà cựu vô địch thế giới và châu Âu. Ảnh: GETTY IMAGES

Châu Á hạnh phúc chung với chiến thắng của Nhật Bản trước Tây Ban Nha y hệt với cái cách họ đã thắng Đức. Chưa bao giờ bóng đá châu Á sung sướng với hai chiến thắng chung một kịch bản của một đội bóng mà nạn nhân là hai cựu vô địch thế giới lẫn châu Âu và đều là những ứng cử viên vô địch. Nhưng giới chuyên môn thì lại xoáy vào kịch bản Tây Ban Nha vừa đá vừa canh sao để rơi xuống nhì bảng và họ đã thực hiện thật hoàn hảo.

Nói là canh bởi Tây Ban Nha chơi dao trong tính toán chuyên môn nhằm đi đường dễ ở nhánh knock out theo kiểu “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Họ chơi dao trong hoàn cảnh nếu Đức cũng chơi dao và nhả luôn cho Costa Rica thì cả Đức và Tây Ban Nha cùng dắt nhau về nước.

Giờ đây thì Tây Ban Nha thỏa mãn được suất nhì bảng E và vào nhánh đấu mà họ cho là nhẹ hơn, dễ hơn cho hành trình đến trận chung kết. Họ thích gặp Morocco hơn phải căng sức chơi với á quân Croatia càng đá càng lên chân. Cách tính nếu qua Morocco thì sẽ gặp Bồ Đào Nha và tiếp theo là Pháp hoặc Anh là “người tính”. Nếu họ hơn… “trời tính” thì cửa chung kết thật sáng. Nếu qua nhánh nhất bảng có Brazil, Argentina đều là những ứng cử viên nặng ký.

Thú vị là những đại diện của châu Á (theo phân bổ của FIFA) như Úc hay Nhật Bản cứ căng mình ra đá, tạo nên địa chấn ở vòng bảng thì những ông lớn luôn toan tính đường dài.

Mới qua vòng bảng nhưng nhiều hãng tin, nhiều cây viết nổi tiếng đã đưa những dẫn chứng hoài nghi về VAR.

Khi VAR và công nghệ việt vị bán tự động bắt đầu bị nghi ngờ

VAR từ khi đưa vào World Cup và phủ sóng lên nhiều giải đấu trên toàn thế giới theo “phom” của FIFA được quy vào mục đích là để bóng đá công bằng hơn và để các đội không còn chết oan như Ý, Tây Ban Nha từng bị Hàn Quốc đánh bại ở World Cup 2002 nhờ nhận định của trọng tài hay Anh bị loại vì “bàn tay của Chúa”.

VAR tạo thêm việc làm cho đội ngũ trọng tài, cho các thành viên của FIFA và VAR cũng mở ra những đối tác làm ăn lớn với FIFA bằng quy định đầu ra của các thiết bị chỉ được công nhận qua các công ty có giấy phép và thẩm định từ FIFA.

Ở World Cup 2022, sự can thiệp của VAR rất dày và cũng gây nhiều tranh cãi. Mới qua vòng bảng nhưng nhiều hãng tin, nhiều cây viết bóng đá nổi tiếng đã đưa những dẫn chứng hoài nghi về VAR bởi phần cơ bản được đưa ra là “muốn hay không muốn” can thiệp vào trận đấu của các trọng tài phòng VAR.

Nhiều hãng tin đưa ra cả sự nghi ngờ bắt việt vị bán tự động nghe rất khoa học nhưng phần hình ảnh 3D đưa ra lại là những đồ họa cắt cúp rất lâu sau đó. Thậm chí đã có những nghi vấn “công nghệ làm mới hình ảnh” được trình chiếu có thể khác với hình ảnh thực mà những đội như Argentina, Đức, Croatia, Ecuador… từng than phiền.

World Cup 2022 bắt đầu vào giai đoạn knock out và sự kỳ bí phương Đông vẫn chưa dừng lại. Có những kỳ bí thú vị bất ngờ kiểu địa chấn mà Nhật Bản hay Saudi Arabia mang lại cũng có những kỳ bí được ghép vào dạng kỳ bí từ tờ giấy ghi tên Qatar đăng cai World Cup 2022 được Sepp Blatter (người phải ra tòa và bị cấm hoạt động bóng đá) dõng dạc công bố từ năm 2010.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm