Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: Hợp tác giữa TP.HCM và ĐBSCL mang tầm chiến lược

(PLO)- Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, sự hợp tác toàn diện giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL được xem là sự hợp tác mang tầm chiến lược.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-3, tại tỉnh Bến Tre đã diễn ra hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2022 và phương hướng đến 2025.

Tham dự có Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch UBND TP.HCM ông Phan Văn Mãi, Phó chủ tịch UBND TP.HCM ông Võ Văn Hoan cùng lãnh đạo các tỉnh thành vùng ĐBSCL.

hợp tác TP.HCM
Chủ tịch UBND TP.HCM, Phan Văn Mãi (bía phải) tham dự hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Ngọc Tam – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khẳng định vấn đề liên kết, hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL giữ vai trò hết sức quan trọng và là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Liên kết sẽ giúp cho việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh và sử dụng các nguồn lực sẵn có của toàn Vùng hiệu quả hơn; ngoài ra liên kết sẽ tạo ra quy mô kinh tế và năng lực cạnh tranh cao hơn, mạnh hơn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương.

Hội nghị hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho các địa phương trong Vùng.

Đồng thời, Hội nghị hôm nay cũng là điều kiện, cơ hội trong việc liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong Vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

hợp tác TP.HCM
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre phát biểu

Theo ông Tam, TP.HCM có vị trí quan trọng, là động lực, đầu tàu dẫn dắt với vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo,... của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thị trường tiêu thụ lớn và là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.

Thành quả phát triển TP.HCM thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước và các tỉnh, thành khác trong cả nước. Với những đặc điểm và vị trí quan trọng đó, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong những năm qua đã phát huy được những hiệu quả tích cực, đã tạo thêm cơ hội đầu tư, tăng mãi lực thị trường và nâng cao trình độ nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm qua, TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, đây là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp của các địa phương; nhiều giải pháp đã được triển khai, đặc biệt trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản, khai khoáng…, đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Kết quả hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông và các hoạt động an sinh xã hội;...

Có thể khẳng định, sự hợp tác toàn diện giữa TP.HCM và các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL được xem là sự hợp tác mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Với tinh thần hợp tác tự nguyện, đoàn kết, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau, TP.HCM và các địa phương đã triển khai xúc tiến các nội dung hợp tác cụ thể, nhằm đảm bảo tính hiệu quả của chương trình hợp tác, từ đó đã tạo nên cơ hội mới, sức mạnh mới, nguồn lực mới, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương theo hướng phát triển nhanh và bền vững.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm