Nguyên nhân
Khi đang ngủ ban đêm, cơ thể có thể có những chuyển động không thể kiểm soát hoặc rối loạn chuyển động nhịp điệu khiến bạn tự cắn lưỡi. Một số người có thể bị tổn thương, chảy máu và co cứng vùng răng lưỡi. Các rối loạn này thường được chẩn đoán bằng cách đo điện não đồ. Bệnh nhân cần kiểm tra với bác sĩ để xác định nguyên nhân chính xác.
Nghiến răng và niềng răng cũng có thể xảy ra tình trạng tự cắn lưỡi. Nhai và nghiến răng vào nhau phát ra âm thanh như mài răng vào ban đêm là một rối loạn gặp khá phổ biến, nhất là ở độ tuổi thanh thiếu niên. Còn niềng răng làm thay đổi cấu trúc hàm, một số người đeo niềng cần phải sử dụng các vật liệu dẻo chèn vào các vùng hàm răng để hạn chế cắn lưỡi và giảm tổn thương do cắn lưỡi gây ra.
Ngoài ra, chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra hiện tượng này. Tình trạng thư giãn của lưỡi khi ngủ làm lưỡi không chỉ chặn phía sau cổ họng gây ngưng thở, mà còn có thể trượt vào giữa các răng và có thể tự cắn lưỡi trong thời điểm khó thở. Cắn lưỡi có thể xảy ra nhiều lần trong một đêm.
Stress cũng là một nguyên nhân gây nghiến răng và cắn lưỡi khi ngủ. Tình trạng này thường gặp ở những phụ nữ có thai bị căng thẳng và thay đổi nội tiết tố.
Khắc phục cách nào?
Đến bác sĩ chuyên khoa chăm sóc răng miệng định kỳ ít nhất mỗi năm 2 lần, thậm chí đến thường xuyên hơn nếu cần chăm sóc thêm do liên quan đến vấn đề cắn lưỡi gây ra. Một số người có răng sắc hoặc có nhiều lỗ hổng trong răng, dẫn đến răng dễ bị nứt gãy và để lại các cạnh sắc dễ bị thương trong miệng do tật cắn răng khi ngủ. Bạn nên đến bác sĩ để điều chỉnh độ khít của hàm răng để hạn chế tình trạng này. Đặc biệt, khi có vết thương do cắn lưỡi lâu lành hoặc đã can thiệp xử lý mà bạn không bớt đau, vết thương xấu đi, có mùi lạ và cơ thể bị sốt, bạn cũng nên gặp ngay bác sĩ chuyên khoa.
Sử dụng các dụng cụ bảo vệ răng miệng cũng là một phương pháp hiệu quả hạn chế tình trạng cắn lưỡi. Tuy nhiên, bạn cần điều chỉnh chúng vừa khít trong miệng mà không chuyển động quá nhiều.
Khi chơi các môn thể thao có nguy cơ rủi ro cho răng miệng như boxing, đấu võ đối kháng,... bạn cần đeo dụng cụ bảo vệ miệng, phòng trường hợp bị va chạm, giảm khả năng cắn vào lưỡi hoặc các chấn thương khác.
Luôn duy trì thói quen ăn uống lành mạnh và vệ sinh răng miệng như nhai thức ăn chậm rãi, giữ vệ sinh răng miệng, hạn chế uống rượu, hút thuốc lá, ăn thức ăn quá cay và đồ uống có tính axit có thể gây kích ứng và làm chậm quá trình chữa lành vết thương do cắn lưỡi gây ra. Stress có thể ảnh hưởng xấu lên nhiềsu khía cạnh của sức khoẻ, trong đó có gây ra tật cắn lưỡi trong khi ngủ. Một lối sống lành mạnh, kiểm soát stress tốt và chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng sẽ giúp bạn có cuộc sống tốt hơn. Cần phát hiện sớm chứng ngưng thở khi ngủ để can thiệp kịp thời tránh các ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe. |
Theo BS Nguyễn Hải Lê (Suckhoedoisong)