Từ chuyện từ chức của Giáo hoàng

Đây là một tuyên bố từ chức đầy bất ngờ, ngay cả với Giáo hội, và tòa thánh Vatican đã gọi đó là một quyết định thể hiện “lòng dũng cảm” của Giáo hoàng. Ông là người thứ hai trong lịch sử Giáo hội Công giáo tự nguyện từ chức khi đang đương nhiệm (lần thứ nhất diễn ra vào thế kỷ XV). Cả thế giới trong và ngoài đạo Thiên Chúa tuy bất ngờ nhưng đã đánh giá cao hành động này của Giáo hoàng Benedict XVI.

Khi người ta nhận lãnh một chức vụ là lãnh nhận một trách nhiệm. Chức vụ càng cao trách nhiệm càng lớn. Bởi vì chức vụ được trao cho người có năng lực và khả năng thực hiện công việc, mang theo sự tín nhiệm và tin tưởng của những người bầu ra người ngồi vào chức vụ đó. Chức vụ gắn với quyền hạn và trách nhiệm để người có chức vụ có thể làm được tốt nhất công việc của mình trong phạm vi quyền hạn được giao và khi thấy không thể làm tròn phận sự thì vì trách nhiệm với cộng đồng mà xin thôi. Giáo hoàng Benedict XVI được bầu năm 2005 khi ông 78 tuổi, đến nay ông đã ở quá nửa độ tuổi tám mươi. Sức khỏe ông giảm sút qua từng năm và ông đã có ý muốn từ chức Giáo hoàng vì lý do này. Ông vẫn có thể tại vị cho đến lúc nào sức khỏe không cho phép nữa thì thôi. Giáo hội không gây sức ép gì với ông. Các bậc chức phẩm và giáo dân Công giáo khắp thế giới vẫn yêu kính ông. Nhưng quyết định dứt khoát đã được ông nhẹ nhàng, thanh thản đưa ra: “Sau khi đã nhiều lần tự vấn lương tâm trước Chúa, tôi đã nhận thấy một cách chắc chắn rằng vì tuổi cao nên sức khỏe của tôi không còn thích hợp để điều hành Giáo hội”. Quyết định của Giáo hoàng Benedict XVI được tòa thánh Vatican tôn trọng. Ngày 28-2-2013 ông đã từ chức trong sự kính trọng yêu mến của mọi người. Ông đã trút bỏ sắc phục và biểu tượng của một đức Giáo hoàng một cách lặng lẽ để trở lại đời sống bình lặng của một Hồng y. Ngày 14-3, mật nghị Hồng y đã bầu được Giáo hoàng mới là Hồng y người Argentina Jorge Mario Bergoglio. Giáo hoàng mới có tông hiệu là Francis 1. Một cuộc chuyển giao tự nguyện và êm thấm.

Chuyện tôn giáo, đức tin là chuyện thần quyền. Nhưng những người thay mặt Chúa chăn dắt các con chiên trên cõi đời vẫn là những người trần. Vì vậy việc từ chức của Giáo hoàng Benedict XVI là một việc gợi được nhiều liên tưởng, so sánh với thế quyền. Ở nhiều nơi người ta khi đã ngồi ở một ngôi cao chức trọng thì rất khó thoái lui, nhường chỗ, dù cho năng lực đã không còn tương xứng với công việc và ý thức trách nhiệm đã buộc phải biết từ chức. Giáo hoàng từ chức sau khi nhiều lần tự vấn lương tâm trước Chúa và ông trung thực nhận thấy sức khỏe mình không còn đủ để gánh vác việc nhà Chúa ở thế gian chăm lo cho 1,2 tỉ tín đồ. Mỗi con người ở một chức vụ nhất định đều có một Chúa của mình để tự vấn xem mình còn đủ khả năng và trách nhiệm để tại vị hay không. Chúa đó là cộng đồng hẹp trực tiếp chịu sự chi phối, điều hành, quản lý của mình. Chúa đó là cộng đồng rộng của một quốc gia, dân tộc. Trách nhiệm đi kèm với lương tâm. Khi lương tâm của người nắm quyền, có chức vụ bị ru ngủ, bị đánh tráo, người đó sẽ không thể biết mình có trách nhiệm gì và trách nhiệm đến đâu. Và vì thế, người đó không dám đối diện mình và không đủ dũng cảm để từ chức.

Ngẫm ra, từ chức là một việc khó và còn để nói đến một văn hóa từ chức thì càng khó hơn gấp bội, nhất là khi chức luôn đi cùng với tước, có chức tước là có địa vị và quyền lợi, trong khi trách nhiệm lại lắm khi tỉ lệ nghịch với thứ bậc chức vụ.

Góc của PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm