Từ đầu thế kỷ XX, báo chí nghỉ lễ, nghỉ tết ra sao?

(PLO)- Cũng như mọi ngành nghề khác, các báo vào dịp lễ tết quan trọng cũng dừng xuất bản, nghỉ ngơi. Xem báo chí trước 1945, có thể thấy rõ điều đó.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhân dịp nghỉ tết Nguyên đán, PLO xin trích đăng bài viết"Từ đầu thế kỷ XX, báo chí nghỉ lễ, nghỉ tết ra sao?" của nhà báo Trần Đình Ba. Bài viết trích trong cuốn Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt thuở ban đầu đến 1945, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2022.

Báo Bắc Kỳ thể thao số đặc biệt 1933 thông báo nghỉ Tết. Ảnh: ĐÌNH BA

Báo Bắc Kỳ thể thao số đặc biệt 1933 thông báo nghỉ Tết. Ảnh: ĐÌNH BA

Vào ngày 14 tháng 7 hàng năm, các báo sẽ nghỉ ngày này vì đây là ngày Quốc khánh của Pháp quốc. Việc đó được chứng thực qua tin “Báo nghĩ [nghỉ] một kỳ” của báo Đàn bà mới số 28, ra ngày 8-7-1935 ở Sài Gòn với nội dung thông tin “Nhân ngày lể [lễ] 14 Juillet, bổn báo cũng như các bạn đồng nghiệp khác, nghỉ một kỳ. Vậy số báo 29 sẻ [sẽ] ra ngày 23 Juillet”.

Tuy nhiên, cái lệ này không rõ được áp dụng từ khi nào, vì cuối thế kỷ XIX, vẫn có báo ra đúng ngày 14 tháng 7. Có thể lấy tờ tuần báo Nam Kỳ ở Sài Gòn để dẫn làm minh chứng. Nam Kỳ số 38, ra ngày 14-7-1898, thậm chí không có bất cứ một thông tin gì về lễ Quốc khánh Pháp.

Báo Điễn tín số 967, ra ngày 16-4-1938 thông báo nghỉ lễ Phục sinh. Ảnh: ĐÌNH BA

Báo Điễn tín số 967, ra ngày 16-4-1938 thông báo nghỉ lễ Phục sinh. Ảnh: ĐÌNH BA

Ngoài ngày 14-7 báo nghỉ, còn có những ngày lễ khác nữa, thậm chí là ngày lễ tôn giáo. Báo Điễn tín số 967, ra ngày 16-4-1938 ở Sài Gòn thông tin đến độc giả ngay trang nhất với nội dung: “Nhơn dịp lể [lễ] Phục Sinh, bỗn [bổn] báo nghỉ một số nhằm ngày thứ hai 18 Avril 1938. Số tới sẻ [sẽ] xuất bản sớm mơi [mai] thứ ba 19 Avril theo thường lệ”.

Do sự hiện diện của người Pháp cùng một số lễ tết theo kiểu phương Tây, nên báo chí cũng có sự ảnh hưởng. Dịp Noel, có báo cũng nghỉ in theo lễ Giáng sinh vào dịp cuối tháng 12 dương lịch hàng năm. Xem trên tạp chí Trong khuê phòng số 99 - 100, ra tháng 12-1938, báo có mẩu tin “Cùng độc giả yêu quí” để thông tin việc nhân dịp lễ Noel và Nouvel An (Tết dương lịch), báo nghỉ ra một số.

Vào dịp Tết Nguyên đán, đa phần các báo cũng nghỉ để đón Tết. Nhiều báo thông báo cho độc giả biết ngày nghỉ và ngày ra báo lại sau Tết để độc giả biết mà đón đọc, không phải trông ngóng.

Mẩu tin nghỉ lễ Phục sinh trên trang nhất báo Điễn tín số 967. Ảnh: ĐÌNH BA

Mẩu tin nghỉ lễ Phục sinh trên trang nhất báo Điễn tín số 967. Ảnh: ĐÌNH BA

Trung hòa nhật báo số 42, ra ngày 2-2-1924 ở Hà Nội, sau bài “Trung hòa nhật báo Chúc mừng năm mới các bạn Độc giả và Quốc dân”, báo thông tin về việc đình bản hai kỳ “Nhân dịp tết Nguyên đán, nhà in nghỉ làm việc nhiều ngày, nên bất đắc dĩ Bản báo phải đình bản hai kỳ, vậy số báo 43 đến ngày thứ tư 13 février, (tức mồng 9 tháng giêng ta) mới xuất bản”.

Bắc Kỳ thể thao số đặc biệt 1933 có tòa soạn ở Hà Nội thông báo nghỉ một kỳ, số 113 sẽ ra vào ngày 7-2-1933, tức nhằm ngày 13 tháng Giêng. Đồng thời, báo cũng cáo lỗi cùng bạn đọc về việc tăng giá bán số báo Tết do tăng trang, cũng như không thể đăng hết bài cộng tác báo Tết…

Lệ nghỉ Tết của các báo gần như xuyên suốt các năm và ở khắp ba kỳ. Xem báo Điễn tín số 904, ra ngày 29-1-1938 thấy thông báo nghỉ Tết từ sau số này đến ngày 4-2 (mùng Năm Tết).

Mẩu tin thông báo nghỉ lễ Noel và nghỉ Tết dương lịch của Trong khuê phòng số 99 - 100. Ảnh: ĐÌNH BA

Mẩu tin thông báo nghỉ lễ Noel và nghỉ Tết dương lịch của Trong khuê phòng số 99 - 100. Ảnh: ĐÌNH BA

Tờ nhật báo này chỉ nghỉ 4 số với lý do độc giả ngày càng đông nên báo phải có phận sự thông tin để độc giả không thiệt thòi; quảng cáo ngày càng nhiều nên phải làm cho khách hàng vui lòng; và nghỉ Tết ít nhưng sẽ cho nhân viên thay phiên nhau nghỉ ngơi 10 ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm