'Tư lệnh' nông nghiệp xoay mòng vì các chất vấn của ĐBQH

Đi sâu vào phần thay đổi nhận thức ngành nông nghiệp, bộ trưởng Cao Đức Phát, cho hay: cách nhìn nhận của các lãnh đạo ở các địa phương đang từng bước thay đổi khi nhìn thấy sự cần thiết của việc tái cơ cấu ngành.

“Tái cơ cấu ở đây là nói tới cách thay đổi tiếp cận về nông nghiệp, thay đổi khuôn khổ của nền nông nghiệp để phát triển bền vững… Nếu chỉ thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mà không thay đổi thị trường, hạ tầng, nguồn nhân lực… thì chúng ta không thể tái cơ cấu để phát triển một nền nông nghiệp chất lượng cao, bền vững được”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn.

Để làm được điều này, theo Bộ trưởng Phát thì cần thay đổi cả nhận thức và hiện nay nhiều địa phương chưa xác định đúng giải pháp để tái cơ cấu.
Về nguồn nhân lực và giải pháp cho vấn đề này, ông cho hay, đây là vấn đề lớn. "Nếu nông dân chúng ta không được đào tạo thì không thể có nền nông nghiệp chất lượng cao, phát triển bền vững được. Chúng tôi đã xác định đây cũng là vấn đề trọng tâm của ngành cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới", ông nói.
Ông cũng thông tin là sẽ đào tạo cho 1 triệu nông dân/năm. "Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH để làm điều này. Tuy nhiên, việc đào tạo này cũng cần phải có thời gian chứ trong một thời gian ngắn không thể đào tạo hết cho 25 triệu nông dân được. Ngoài ra, mỗi năm có thêm 700.000 người tham gia vào lực lượng nông nghiệp nữa. Chúng tôi đã xác định đào tạo sẽ bằng thực tiễn, bằng chất lượng, không chạy theo số lượng”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Phát, hiện doanh nghiệp chế biến nông sản cũng phải làm việc với hàng vạn nông dân để có nguyên liệu. Chất lượng đầu vào là một vấn đề quan trọng nên cần hỗ trợ cho các nhà máy để thu mua nông sản chế biến nông sản chất lượng cao. "Chúng tôi rất mong QH, Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho nông dân”, Bộ trưởng Phát kiến nghị.

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) “truy” : “Riêng vấn đề trồng rừng thay thế, xin Bộ trưởng xác định thêm và gửi bằng văn bản cho chúng tôi biết. Đề nghị làm rõ vì sao qua hai năm mà chỉ trồng được 3.400 ha là thế nào”.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng chất vấn sau khi ông đã gọi điện vào Lâm Đồng để xác nhận về việc Cục bảo vệ thực vật đối thoại với doanh nghiệp về giống hoa nhưng chưa thấy có phản hồi.
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) thì lo lắng trước tình trạng sản phẩm của nông dân thua ngay trên sân nhà.
“Theo Bộ trưởng thì ngành chăn nuôi không có lợi thế so sánh. Như vậy, sản phẩm chăn nuôi và người chăn nuôi trong nước sẽ như thế nào khi cạnh tranh với các nước khác. Liệu gạo của chúng ta rồi đây có đứng vững tại thị trường trong nước không khi chúng ta gia nhập cộng đồng chung thì gạo của Thái Lan sẽ ồ ạt xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi lo lắng quá”, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) nói.
Trong khi đó ĐB Phạm Văn Tấn (Nghệ An) chất vấn Bộ trưởng Phát quá chậm chạp trong việc triển khai thành lập ban chỉ đạo liên ngành về nông nghiệp khiến các địa phương lúng túng.
Có quá nhiều chất vấn của các ĐB gửi tới Bộ trưởng Cao Đức Phát nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho Quốc hội nghỉ trước mấy phút để chiều tiếp tục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm