Mở rộng Tân Sơn Nhất: Giải pháp nào tối ưu? - Bài cuối

‘Từ năm 1980 đã có ý tưởng mở rộng về phía Bắc’

Pháp Luật TP.HCM tiếp tục ghi nhận các ý kiến góp ý cho phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) (xem từ số báo ngày 20-6).

TS BÙI VĂN VÕ, nguyên Trưởng phòng Quản lý hoạt động bay, Cục Hàng không Việt Nam:

Giới hạn công suất TSN chỉ 50 triệu khách/năm

Theo quy hoạch của Bộ GTVT, công suất của TSN năm 2025 sẽ là 25 triệu khách/năm. Tuy nhiên, sân bay này đã đạt 32,5 triệu khách vào năm 2016 và dự đoán năm 2017 sẽ đạt mức 36 triệu khách.

Với tốc độ phát triển như hiện nay, sân bay nội đô này sẽ chạm mốc 50 triệu khách vào khoảng năm 2019-2020. Công suất này, theo tôi, cũng chính là khả năng khai thác tối đa của hai đường cất hạ cánh hiện hữu với điều kiện tất cả giải pháp mới về nâng cao năng lực sân bay được áp dụng hết (xây thêm đường lăn, sân đỗ, nhà ga…).

Sau năm 2020, chúng ta phải hạn chế khai thác tại TSN hoặc nên mở ra hướng mới là khai thác tại sân bay Biên Hòa để giảm bớt áp lực. Song song, quá trình xây dựng sân bay Long Thành phải được khẩn trương tiến hành.

Nếu làm đường băng thứ ba tại TSN đúng cách thì tốt nhưng tôi cho rằng sẽ chậm hơn việc tập trung đầu tư xây dựng sân bay Long Thành. Bởi vì việc xây đường băng mới rất phức tạp và tốn nhiều thời gian, kinh phí. Đó là chưa kể còn một khoản chi phí đầu tư rất lớn để kết nối hạ tầng giao thông sau khi nâng công suất TSN. Trong khi đó, việc tập trung đầu tư cho Long Thành sẽ đơn giản hơn.

Với tốc độ phát triển như hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chạm mốc 50 triệu khách vào khoảng năm 2019-2020. Ảnh: HTD

Đại tá PHAN TƯƠNG, nguyên Giám đốc sân bay TSN:

Tôi đã đề xuất từ 1980

Trung đoàn tôi tiếp quản sân bay TSN từ năm 1975. Với vai trò là tham mưu trưởng, tôi là một trong những người đầu tiên nghiên cứu địa hình, địa thế từng vị trí, khu đất trong sân bay. Năm 1980, tôi đã có đề xuất phát triển sân bay TSN về phía Bắc. Theo đó, tại vị trí sân golf hiện hữu sẽ xây nhà ga quốc tế, sân đỗ máy bay và mở thêm đường ra vào sân bay. Tuy nhiên, do lúc đó đất nước còn nghèo và nhu cầu mở rộng chưa cấp thiết lắm nên dự án không được thực hiện.

Tôi cho rằng việc sử dụng 21 ha đất quốc phòng ở phía Tây vừa được bàn giao để làm sân đỗ, đường lăn… là không phù hợp vì có thể tạo ra nút thắt cổ chai gần đài chỉ huy. Tới nay, tôi vẫn bảo lưu quan điểm phải phát triển sân bay về phía Bắc. Cụ thể, dẹp sân golf đi và thu hồi đất phục vụ sân bay thì mới giải quyết được ùn tắc bên trong, kết nối ra ngoài được thuận tiện và thậm chí giải quyết được cả chuyện ngập úng bên trong sân bay.

TS PHẠM SANH, chuyên gia giao thông:

Khẩn trương thuê tư vấn nước ngoài

Cho dù phương án mở rộng nào được đưa ra thì vấn đề thu hồi đất sân golf mở rộng sân bay này là điều tất yếu, không phải bàn cãi. Còn góp ý cụ thể phương án nào tối ưu, tôi cho rằng các chuyên gia trong nước nói chung và TP.HCM nói riêng không thể xây dựng phương án chuẩn xác nhất khi không có đầy đủ các số liệu để tính toán.

Vì vậy, cách tốt nhất là Bộ GTVT phải khẩn trương thuê đơn vị tư vấn nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng và cung cấp đầy đủ, trung thực tất cả số liệu liên quan. Thời hạn sáu tháng của Thủ tướng đưa ra không nhiều, nếu không khẩn trương sẽ không kịp. Khi đã có phương án của tư vấn nước ngoài, Bộ GTVT cần tổ chức để các chuyên gia góp ý nhằm hoàn thiện trước khi trình Thủ tướng quyết định.

* * *

Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM đã lần lượt giới thiệu ý kiến của các chuyên gia hàng không, quy hoạch kiến trúc có uy tín trong nước về vấn đề giảm tải cho TSN. Tựu trung lại có ba phương án được đưa ra là xây thêm đường băng thứ ba, mở rộng về phía Bắc và Nam (bằng cách xây nhà ga, đường lăn, sân đỗ…). Các ý kiến của bạn đọc cũng chia ra ba hướng này. Nhưng dù sao tất cả đều thống nhất quan điểm phải thu hồi đất sân golf mới có thể giảm tải được cho sân bay TSN.

Bằng ba ý kiến nêu trên, Pháp Luật TP.HCM xin khép lại diễn đàn Mở rộng Tân Sơn Nhất: Giải pháp nào tối ưu? trên báo giấy tại đây. Chúng tôi cùng bạn đọc sẽ chờ phương án đề xuất của đơn vị tư vấn nước ngoài do Bộ GTVT lựa chọn. Khi đó chúng ta sẽ tiếp tục cùng các chuyên gia góp ý nhằm giúp Bộ hoàn thiện đề án trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. Trong thời gian này, báo điện tử plo.vn luôn chào đón các ý kiến đóng góp của bạn đọc cả nước.

Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ đề nghị giao Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) triển khai thuê tư vấn nước ngoài để rà soát, đề xuất phương án mở rộng sân bay TSN như chỉ đạo của Thủ tướng. Nguyên nhân Bộ đề xuất giao cho ACV là vì hiện nay không có nguồn ngân sách để chi cho thuê tư vấn.

Trước đó, Bộ GTVT cho biết để nâng công suất sân bay TSN lên khoảng 45 triệu hành khách/năm thì có bảy phương án được đề xuất. Trong đó có tới bốn phương án tính tới việc sử dụng đất sân golf để làm đường băng thứ ba và các công trình phụ trợ. Nhưng các phương án trên đều có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, số hộ dân phải giải tỏa nhiều nên kinh phí sẽ rất cao.

Phương án đang được Bộ GTVT ưu tiên là xây dựng đường lăn song song và nối giữa đường cất hạ cánh với sân đỗ; cải tạo đường cất hạ cánh phía Bắc hiện nay; xây dựng hai nhà ga T3, T4 (công suất 10 triệu hành khách/nhà ga/năm) ở phía Nam sân bay hiện nay. Vốn cho phương án này khoảng 19.700 tỉ đồng và thời gian xây dựng không quá ba năm. Phương án này không động vào đất của dân mà sử dụng đất của phòng không không quân.

NAM VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm