Chiều 17-7, tại họp báo tình hình kinh tế xã hội do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk phản hồi các nội dung phản ánh trong chuyên đề "Để các khu công nghiệp ở Tây Nguyên có sức sống" đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 17-6.
Việc phản hồi của hai cơ quan trên được thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk sau khi báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh.
Theo ông Bùi Văn Từ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk, tiếp nhận thông tin phản ánh của báo Pháp Luật TP.HCM, ban đã phối hợp các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra tại khu công nghiệp Hòa Phú.
Ông Từ nói những bất cập này tồn tại từ lâu, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã chỉ đạo tiến hành khắc phục dần.
Ông Từ cho hay ngoài việc thực hiện nhiệm bảo vệ môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp tiếp tục vận động các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả chuyển nhượng tài sản hình thành trên đất cho các doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh, thị trường ổn định; đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong tháng 5-2024, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã vận động được ba doanh nghiệp sản xuất than sạch, viên nén, gỗ ván hoạt động kém hiệu quả chuyển nhượng tài sản trên đất cho Công ty TNHH May mặc Hung Fung, với tổng mức đăng ký đầu tư 10 triệu USD. Dự kiến doanh nghiệp này sẽ đi vào hoạt động vào quý 4-2025, tạo việc làm cho 2.500 – 3.000 lao động.
“Chúng tôi sẽ phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng các khu công nghiệp tỉnh ngày càng phát triển hơn. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk mong muốn báo Pháp Luật TP.HCM thời gian tới có sự kết nối, góp phần tuyên truyền chính sách của tỉnh để kêu gọi, xúc tiến đầu tư đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước” – ông Bùi Văn Từ nói.
Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk, thừa nhận báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh đúng thực trạng đang tồn tại các cụm công nghiệp ở các huyện. Theo ông Khôi, thực trạng này không chỉ ở Tây Nguyên, mà khá phổ biến trên phạm vi cả nước.
“Nguyên nhân là quá trình thành lập, cách quản lý ở cụm công nghiệp có khá nhiều bất cập; chưa tạo động lực phát triển cho cụm công nghiệp hoạt động đúng chức năng. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, đường giao thông thời gian qua đầu tư cho cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế. Thời gian tới, chúng tôi tích cực khắc phục dần những mặt hạn chế, tồn tại này” – ông Lưu Văn Khôi nói.
Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, nói cái nhìn của báo chí là chính xác, UBND tỉnh đã nhìn nhận các tồn tại, bất cập này.
“UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương rà soát, báo cáo cụ thể. Đối với những trường hợp xin đất, giữ đất mà không đầu tư thì kiên quyết thu hồi.
Theo quy định mới tới đây của Chính phủ, cần xem những phản ánh của báo chí là bài học để chúng ta lựa chọn những nhà đầu tư đảm bảo đúng định hướng phát triển công nghiệp, hài hòa với môi trường” – ông Nguyễn Tuấn Hà nói.
Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 17-6 đăng chuyên đề "Để các khu công nghiệp ở Tây Nguyên có sức sống", phản ánh các dự án ở khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên hoạt động không hiệu quả, chưa tạo ra giá trị lớn về kinh tế cho địa phương.
Trong đó, tại khu công nghiệp Hòa Phú ở Đắk Lắk có dấu hiệu chuyển nhượng dự án.
Cụm công nghiệp Ea Lê ở huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk được thành lập từ năm 2011, rộng hơn 25 ha, có tổng mức đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật 90 tỉ đồng nhưng hiện chỉ có một dự án hoạt động và không đóng khoản thuế nào cho địa phương. Hiện người dân tận dụng mặt bằng ở cụm công nghiệp này để chăn trâu, bò, phơi lúa.
Còn cụm công nghiệp M’Đrắk ở huyện M’Đrắk thành lập cách đây 10 năm, trên diện tích hơn 70 ha nhưng hạ tầng vẫn ngổn ngang...