Từ quán cơm Nụ Cười 2.000 đồng đến xe cứu thương 0 đồng

Từ quán cơm Nụ Cười 2.000 đồng đến xe cứu thương 0 đồng

(PLO)- Tính đến nay, quán cơm Nụ Cười Phan Rang đã có hơn 2.500 ngày mở cửa, mỗi ngày phục vụ từ 100-200 suất ăn; đã chi trên 7 tỉ đồng để phục vụ trên 200.000 suất ăn giá 2.000 đồng cho người nghèo.

Bước sang năm thứ 10, đều đặn từ thứ Hai đến thứ Sáu, trừ những ngày nghỉ lễ, Tết, quán cơm Nụ Cười Phan Rang đã có hơn 2.500 ngày mở cửa, mỗi ngày phục vụ từ 100-200 suất ăn; đã chi trên 8 tỷ đồng để phục vụ trên 200.000 suất ăn giá 2.000 đồng cho người nghèo.

quán cơm nụ cười
Ngoài ra vào mỗi dịp lễ, Tết, quán Nụ Cười còn khuyến mãi cho khách tới quán ăn hàng ngàn phần quà, hàng chục tấn gạo…

Từ mô hình quán cơm 2.000 của nhà báo Nam Đồng

Năm 2015 khi đi công tác tại TP.HCM, luật sư Lê Vi được nhà báo Nguyễn Đức Hiển, hiện là Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM giới thiệu về mô hình quán cơm từ thiện cho người nghèo với cái tên Nụ Cười do nhà báo Nam Đồng (bút danh của nhà báo Nguyễn Minh Lộc, nguyên Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM) mở ra tại TP.HCM.

Anh Lê Vi liền trở về TP Phan Rang – Tháp Chàm, bàn với gia đình và quyết định mở quán cơm từ thiện. Việc đầu tiên là từ chối hợp đồng 05 năm trị giá 6 tỉ đồng với một ngân hàng và lấy diện tích 400m tại căn nhà 36A Ngô Gia Tự, TP Phan Rang – Tháp Chàm để làm quán cơm.

1. quan com nu cuoi.jpg
Quán cơm Nụ Cười trong những ngày đầu tiên. Ảnh: NÚI XANH

Quán lấy tên Nụ Cười và làm theo mô hình quán cơm của nhà báo Nam Đồng. Đến bây giờ LS Lê Vi vẫn nhớ khi quán chưa khai trương, ông Nam Đồng đã gửi ra hỗ trợ một tủ hấp cơm 70kg, 100 đĩa ăn inox và một tấn gạo; ông Nguyễn Xuân Hòa – nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng và một tấn gạo…

4. quan com nu cuoi..jpg
Ông Phạm Văn Hậu – Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy tới thăm và hỗ trợ kinh phí từ nguồn cá nhân cho quán cơm Nụ Cười. Ảnh: NÚI XANH

Theo LS Lê Vi thì đấy chính là động lực đầu tiên để quán cơm Nụ Cười được duy trì cho tới ngày nay.

Quán cơm để bán chứ không phải xin cho miễn phí

Quán cơm Nụ Cười Phan Rang khai trương đúng ngày Quốc tế lao động 1-5-2015. Quán phục vụ cơm trưa, thu tiền 2.000 đồng/suất ăn, mỗi suất cơm bốn món kèm thêm món tráng miệng trị giá tương đương 20.000 đồng, quán hỗ trợ 18.000 đồng.

LS Lê Vi chia sẻ: “Quán thu giá 2.000 đồng tượng trưng, để thể hiện quán cơm có mua và có bán, chứ không phải xin và cho. Như vậy, người đến ăn không có cảm giác mặc cảm ăn cơm từ thiện miễn phí, khách được phục vụ không mặc cảm nợ nần ân tình...

Suốt nhiều năm qua, suất ăn 2.000 đồng vẫn giữ nguyên giá như vậy. Trong mùa dịch Covid - 19, giá cơm giảm còn 1.000 đồng, khách không ngồi tại quán mà mang phần ăn về còn được kèm theo ký gạo, chai mắm, cân đường".

6. quan com nu cuoi..jpg
Khách tới quán Nụ Cười Phan Rang được học sinh trường liên cấp Hoa Sen phục vụ tại bàn. Đây cũng là cách giúp các em có thêm trải nghiệm thực tế cần thiết.

Kể từ ngày khai trương đến nay, nếu không đi công tác xa, LS Lê Vi và vợ là nhà giáo Lý Thị Thu Sương hầu như không ngày nào vắng mặt. Điều mà vợ chồng LS Lê Vi quan tâm không phải là doanh thu, bởi giá mỗi suất ăn chỉ 2.000 đồng, mà nếu khách ăn đưa 1.000 đồng, thậm chí nói không có tiền thì cô nhân viên quán vẫn cho “nợ” và phục vụ như mọi người khác.

Luật sư Lê Vi chia sẻ: “Vợ tôi chỉ đạo cho nhân viên nấu các suất ăn và phân công giáo viên, học sinh mang tới bàn phục vụ cho khách; còn tôi thì đi thăm hỏi hoàn cảnh, động viên từng người. Khách của quán là những người đạp xích lô, bán vé số lượm ve chai, người nghèo, người khiếm thị...

Đến bây giờ tôi hầu như quen mặt và biết hoàn cảnh gia đình các khách hàng của mình. Bữa cơm hôm nay ai vắng, ai mới tới tôi đều biết, có vài trường hợp họ qua đời, tôi cũng tìm đến viếng vĩnh biệt như một người quen thâm tình. Ai khó khăn thì tìm cách giúp đỡ”.

10. quan com nu cuoi..jpg
Người khuyết tật được phục vụ cơm tại xe lăn. Ảnh: NÚI XANH

Cũng từ quán cơm này đã có hơn 20 gia đình được hỗ trợ từ 40 - 100 triệu đồng để xây mới, sửa sang nhà ở, 03 gia đình được nhận sổ tiết kiệm giá trị trên 100 triệu đồng...

Sắp đưa vào hoạt động xe cứu thương 0 đồng

LS Lê Vi còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT Công ty phát triển giáo dục Hoa Sen Việt Nam. Năm 2021, khi Covid-19 bùng phát tại Ninh Thuận, Trường liên cấp Hoa Sen cũng gặp nhiều khó khăn, việc dạy và học phải dừng lại, tuy nhiên công tác thiện nguyện hỗ trợ người nghèo thì vẫn duy trì và được chuyển đổi.

Quán cơm Nụ Cười Phan Rang xuất hiện thêm cây ATM gạo. Các phương tiện vận tải của trường Hoa Sen được huy động hỗ trợ chính quyền chống dịch, một chiếc xe tải nhỏ được gắn bảng Nụ Cười suốt ngày rong ruổi ngoài đường chở lương thực, thực phẩm, rau xanh hỗ trợ cho các chốt kiểm soát dịch, những địa phương bị phong tỏa, các khu cách ly phòng chống dịch.

2. quan com nu cuoi..jpg
Cây ATM gạo đầu tiên ở Ninh Thuận trong mùa dịch Covid-19 năm 2020

Chuyến xe Nụ Cười đi đến đâu là mang tới mọi người niềm tin lạc quan về công cuộc chống dịch nhất định thắng lợi.

Nhân dịp quán cơm Nụ Cười bước sang tuổi thứ 10 và chuyển về địa điểm mới rộng rãi, thoáng mát hơn tại số 08, đường Hoàng Diệu, phường Thanh Sơn, trùng với dịp lễ 30-4 và 1-5, cũng là một trong ít lần ngoại lệ trong năm, quán cơm Nụ Cười Phan Rang, sẽ "bán" một suất cơm gà 2.000 đồng. Ngoài ra, sẽ có 200 phần quà khuyến mãi kèm theo, mỗi món quà trị giá 500 ngàn đồng bao gồm dầu ăn, mì tôm, đường, trứng, bánh mắm...

7. quan com nu cuoi..jpg
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh và các doanh nghiệp tới hỗ trợ quà cho người nghèo nhân dịp quán Nụ Cười Phan Rang bước sang năm thứ 10. Ảnh: NÚI XANH

Cũng nhân dịp này, quán cơm Nụ Cười Phan Rang sẽ nhận xây một căn nhà cho một cựu chiến binh nghèo ở huyện Thuận Nam. Trước ngày phát quà hôm nay, đã có nhiều bạn bè anh em gửi quà để chung tay với quán.

Đứng cạnh hai chiếc xe cứu thương mới mua, có chiếc chưa gắn biển số, LS Lê Vi chia sẻ: "Đây là chiếc xe cứu thương chuẩn bị đưa vào hoạt động, nó sẽ dành chở bệnh nhân là hộ nghèo khi cần cấp cứu, chuyển viện, hỗ trợ cứu trợ tai nạn giao thông... Tất cả đều miễn phí!"

Ngay lúc đó, một người từng được LS Lê Vi tư vấn luật miễn phí giấu tên, xin góp vào quỹ duy trì xe cứu thương 30 triệu đồng.

5. quan com nu cuoi..jpg
Xe cứu thương 0 đồng chuẩn bị đi vào hoạt động

Sợ khách hàng mặc cảm, tủi thân

Trong buổi phát quà ngày hôm qua tại quán cơm Nụ Cười, còn có mặt của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, các doanh nghiệp, bạn bè, gia đình cùng các thầy cô giáo và học sinh nhà trường.

Đúng 11 giờ, những người khuyết tật, trẻ em mồ côi được ưu tiên phát quà trước, những người nghèo tay cầm phiếu xếp hàng lên nhận quà rồi ngồi vào bàn ăn cơm, ai đi lại khó khăn được dìu ra tận cửa.

9.jpg
200 suất quà mỗi suất 500 ngàn đồng được trao tới tay người khuyết tật, trẻ em mồ côi cha mẹ và người nghèo.

Khi phần cơm gà cuối cùng được bán hết thì cũng là lúc các món quà xếp chật một góc quán cũng hết sạch.

Nén niềm vui, luật sư Lê Vi chia sẻ: “Gần chục năm quán được duy trì, trong suốt thời gian ấy tôi không sợ, bởi mình còn làm được, mình còn được mọi người hỗ trợ, chỉ sợ khách đến quán không được phục vụ tốt rồi mặc cảm, tủi thân..."

Trong số những thực khách thường xuyên của quán cơm Nụ Cười, có 33 người khiếm thị, họ làm làm nghề massage tại 4 cơ sở trên địa bàn thành phố Phan Rang Tháp Chàm.

Anh V.T.N có vợ cũng là người khiếm thị, mấy năm trước đã được trường Hoa Sen nhận con vào học mẫu giáo ăn ở miễn phí. Hôm nay được ăn cơm, cùng với những người khiếm thị được ưu tiên nhận quà trước, anh chia sẻ: “Thời gian qua, cơ sở massage người mù tụi em được anh Lê Vi thường xuyên quan tâm giúp đỡ rất nhiều. Gia đình xin cám ơn anh và các nhà hảo tâm cùng quán cơm Nụ Cười Phan Rang!”.


Em Nguyễn Thị Thanh Châu, học sinh lớp 7 của trường Liên cấp Hoa Sen, có bốn chị em mồ cả cha mẹ trong đợt dịch Covid-19 năm 2021. Nhà trường đã đón hai chị em Thanh Châu vào học miễn phí 2 năm nay, ngoài ra còn vận động hỗ trợ cho bốn chị em hơn 100 triệu đồng gửi tiết kiệm. Hôm nay hai chị em cũng được nhận quà. "Cả nhà con vui và cảm động lắm bác ạ!", Châu nói khi mang quà ra về.

Với hơn 2.500 ngày mở cửa, mỗi ngày quán cơm phục vụ từ 100-200 suất ăn; đã chi trên 7 tỉ đồng để phục vụ trên 200.000 suất ăn giá 2.000 đồng cho người nghèo.

Theo luật sư Lê Vi thì những con số trên thực sự đã nói hết những cố gắng trong 9 năm qua mà quán cơm Nụ Cười đã làm. Sở dĩ có được khoảng thời gian duy trì hoạt động liên tục đó là nhờ sự động viên, chung tay thường xuyên của lãnh đạo chính quyền, các tổ chức, của anh em bạn bè cùng người thân và gia đình…

Hạnh phúc vì được quan tâm tới những người chưa may mắn

Khi hỏi LS Lê Vi vì sao anh luôn nói là mình thật hạnh phúc khi được phục vụ mọi người hàng ngày ở quán cơm Nụ Cười, anh nhắc lại lời nhà báo Nam Đồng, người đã hướng cho anh mở quán cơm này: “Khi mình làm một điều nhân ái, mình sẽ nở một nụ cười và lúc đó lòng mình hạnh phúc. Hãy quan tâm tới những người không may mắn, điều đó sẽ làm cho mình sống hạnh phúc hơn".

LS Lê Vi bày tỏ: “Thực sự tôi cũng chỉ là gạch nối, để nối những tấm lòng hảo tâm lại với những người cần sự hỗ trợ, giúp đỡ. Nối Nụ Cười từ quán cơm tới Nụ Cười hạnh phúc trong ngôi nhà mới, thêm Nụ Cười của người không may bị bệnh tật được chuyển viện nhanh chóng kịp thời".

Ông BẠCH VĂN NGUYÊNPhó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận:

Tôi rất cảm động!


"Tôi vẫn thường theo dõi các hoạt động chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội mà hệ thống trường liên cấp Hoa Sen, quán cơm Nụ Cười Phan Rang làm trong những năm qua. Rất cảm động khi nhà trường hiện đang nuôi dưỡng miễn phí ăn học cho hơn 30 cháu là con liệt sĩ, mồ côi cả cha lẫn mẹ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Thật trân quý khi mới tháng trước Trường Hoa Sen nhận 3 trẻ mồ côi từ Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh và vừa mới nghe sang năm học tới sẽ nhận đưa đón 2 cháu mồ côi cha mẹ tại thị trấn Phước Dân vào học tiểu học, tất cả đều miễn phí.

Hôm nay được "ăn ké" niềm vui của quán cơm Nụ Cười. Một chút thôi đã thấy cười nụ rồi, cho nên dễ dàng nhận ra nụ cười của những tấm lòng, gieo nhân ái kết hoa trái yêu thương hàng ngày, để rồi đong đầy hạnh phúc tương lai. Cảm ơn và khâm phục vợ chồng luật sư Lê Vi…”

Đọc thêm