Việc khai thông luồng tàu biển lớn nhất vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đánh dấu TP.HCM vươn ra biển Đông.
Rút ngắn đường ra biển
Từ trăm năm nay, tàu thuyền muốn vào ra khu vực cảng Sài Gòn để ra biển phải đi theo luồng sông Lòng Tàu dài hơn 95 km và đầy quanh cua. Nay với việc lưu thông qua luồng sông Soài Rạp, khoảng cách chỉ còn khoảng 60 km. Trong tương lai, khi cụm cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè đi vào hoạt động, con đường ra biển của TP.HCM chỉ còn khoảng 40 km.
Tại buổi lễ thông luồng Soài Rạp hôm qua, ông Phan Hoàng Quân, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), cho biết tuyến luồng sông Lòng Tàu có độ sâu tối đa không quá 8,5 mét và không thể nạo vét sâu hơn nữa nên rất khó giữ cho TP.HCM là thành phố cảng lớn nhất nước trong tương lai. Do đó, luồng sông Soài Rạp được nạo vét sâu bảy mét trong 10 năm qua và sẽ được nạo vét tiếp sâu đến 11-14 mét sẽ giúp cho TP.HCM tiếp tục giữ vị trí cảng biển trong vài trăm năm nữa.
Cụm cảng Hiệp Phước được hình thành, đưa vào hoạt động với chiều dài mặt sông hơn 10 km và rộng gấp ba lần sông Lòng Tàu sẽ trở thành hệ thống cảng thay thế cảng Sài Gòn hiện nay.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Trần Doãn Thọ, qua các giai đoạn nạo vét, cảng Hiệp Phước sẽ có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn trên 50.000 tấn, tốt hơn hệ thống cảng Sài Gòn hiện hữu. Ngoài ra, do sông Soài Rạp kết nối trực tiếp với hệ thống sông, rạch của toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên sẽ góp phần rất lớn đến phát triển vận tải sông, biển cho toàn khu vực. “Cùng với cụm cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), cụm cảng trên sông Soài Rạp nằm trên địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Long An, TP.HCM sẽ tạo điều kiện cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển nhanh và vươn ra biển Đông” - Thứ trưởng Trần Doãn Thọ khẳng định.
Từ tháng 6-2006, tập đoàn cảng nước sâu lớn thứ hai trên thế giới là DP World đã liên doanh với IPC khởi công xây dựng cảng biển đầu tiên tại Hiệp Phước với tổng mức đầu tư lên tới 300 triệu USD. Tại buổi thông luồng sông Soài Rạp hôm qua, đại diện DP World cho biết năm 2009, cảng sẽ đi vào hoạt động với một km cầu tàu và diện tích kho bãi là 40 ha.
Cảng có khả năng tiếp nhận tàu 50.000 tấn và tổng công suất hàng hóa thông qua khoảng 1,5 triệu TEU/năm (tương đương 15-20 triệu tấn/năm, bằng công suất cảng Sài Gòn hiện nay). Theo đại diện DP World , thuận lợi lớn nhất của cảng này là thời gian chạy tàu từ biển vào TP.HCM trên luồng Soài Rạp chỉ còn một nửa so với chạy trên luồng Lòng Tàu.
"Cụm cảng trên sông Soài Rạp sẽ tạo điều kiện cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển nhanh và vươn ra biển Đông”. - (Ông Trần Doãn Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định) |
Theo ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, những năm qua, lượng hàng hóa thông qua cụm cảng Sài Gòn rất lớn, thậm chí quá tải, trong khi cụm cảng này sẽ phải di dời trước năm 2020. “Việc thông luồng sông Soài Rạp và đẩy nhanh xây dựng cảng Hiệp Phước sẽ giúp cho TP.HCM tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư, nhà xuất nhập khẩu...” - ông Tín nói.
Biến vùng phèn, lầy thành khu đô thị công nghiệp
Theo quy hoạch, vùng đất lầy, chua phèn của xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè sẽ thành khu đô thị công nghiệp cảng với cụm cảng hàng hải nêu trên và các ngành công nghiệp nặng như cơ khí, công nghiệp hóa dầu và năng lượng, các khu vực dịch vụ cảng, dịch vụ hàng hải và các cụm dân cư.
Khu đô thị cảng Hiệp Phước sẽ có tổng diện tích 3.600 ha bao gồm toàn bộ xã Hiệp Phước (Nhà Bè), trong đó 2.000 ha đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/5.000 là khu công nghiệp và 1.600 ha còn lại sẽ được quy hoạch là khu đô thị.
Giáp ranh với khu đô thị cảng Hiệp Phước cũng sẽ hình thành khu đô thị mới Nhơn Đức (gồm xã Nhơn Đức và Phước Kiển, Nhà Bè) với diện tích 350 ha, dân số dự kiến là 68.000 người. Mới đây, UBND TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn GSE&G Corp. (Hàn Quốc) xây dựng Khu đô thị mới Nhơn Đức - Nhà Bè. Tổng vốn đăng ký cho dự án là 190 triệu USD nhưng giá trị công trình xây dựng trên khu đất này đến 1,6 tỷ USD.
“Nhiều quý vị hỏi chúng tôi vì sao DP World và IPC đã quyết định thiết kế cảng SPCT có khả năng khai thác tàu 50.000 tấn trước khi quyết định nạo vét luồng sông Soài Rạp được công bố. Đây là sự tin tưởng của chúng tôi vào tầm nhìn của chính quyền thành phố, vào kế hoạch phát triển khu vực phía Nam Sài Gòn và Hiệp Phước.” Đại diện DP World |
Hiệp Phước không xa Hiệp Phước, Nhà Bè nằm ở phía Nam TP, cách trung tâm khoảng 15 km. Hiện nơi đây đã hình thành đường trục Bắc-Nam (đường Nguyễn Hữu Thọ) rộng hai làn xe. Năm 2009, tuyến đường này sẽ được nâng lên thành bốn làn xe và năm 2010 sẽ là tám làn xe. Về nguồn nước, hiện đang kéo đường ống cấp nước đường kính 1.200 mm và trong năm 2008 sẽ cấp 10.000 m3 ngày/đêm, đến năm 2009 sẽ nâng lên 30.000 m3 ngày/đêm. Về điện, hiện tại chỗ đã có nhà máy nhiệt điện Hiệp Phước và hệ thống điện lưới quốc gia. Tất cả các điều kiện trên sẽ biến Hiệp Phước thành khu công nghiệp, cảng biển, đô thị phía Nam Sài Gòn trong một ngày không xa. |
LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN