Chiều 12-11, trong buổi thảo luận tổ tại Quốc hội về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An) đã đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết ở một số nước có áp dụng biện pháp gắn chip theo dõi. Còn ở nước ta có tha tù trước thời hạn có điều kiện để thể hiện tính nhân đạo và cũng là giải pháp để một số lượng lớn người cố gắng cải tạo tốt thì được ở ngoài. Theo bà Nga, giai đoạn này tiếp tục nghiên cứu tù tại gia cũng là một cách.
“Áp dụng với tội nhẹ để giảm ngân sách”
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 13-11, ông Phớc cho hay đề xuất của ông xuất phát từ thực trạng các cơ sở giam giữ đang quá tải.
Theo ông Phớc, tất cả tội phạm nhẹ hay nặng đều được đưa vào các cơ sở giam giữ và ngân sách nhà nước phải chi một khoản không nhỏ. “Đề xuất tù tại gia để giảm áp lực chi tiêu của ngân sách nhà nước. Tù tại gia áp dụng với những tội phạm ít nghiêm trọng cũng có tác dụng về giáo dục, anh phải xấu hổ với cộng đồng, với làng xóm xung quanh và bản thân gia đình cũng phải có trách nhiệm với anh trong việc giáo dục con cái” - ông Phớc nói.
Theo ông Phớc, nếu đưa biện pháp tù tại gia vào luật thì cần quy định rõ trường hợp nào, mức án nào áp dụng; trường hợp nào, mức án nào thì không… “Tôi nghĩ những tội như cố ý gây thương tích hoặc vi phạm trong đối xử với cha mẹ, anh em…, nói chung là những tội ít nghiêm trọng thì có thể áp dụng. Còn với những tội nghiêm trọng trở lên thì phải đưa vào tù tập trung, cách ly khỏi xã hội. Những tội nhẹ thì làm thế để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, mặt khác nó có tác dụng răn đe, đánh vào tâm lý tự trọng trước xã hội” - ông Phớc nhấn mạnh.
Đại biểu Hồ Đức Phớc phát biểu tại nghị trường. Ảnh: T.PHÚ
Ông Phớc cũng đề xuất nếu áp dụng biện pháp tù tại gia thì có hai cách quản lý như giam giữ trong nhà sắt rồi giao cho gia đình chăm sóc, đến bữa ăn cho ăn, còn giám thị sau này định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, nếu để trốn thì gia đình phải chịu trách nhiệm. Hoặc gắn chip vào người, giới hạn người bị tù chỉ được đi lại trong một phạm vi nhỏ.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết sẽ tiếp nhận đề xuất của ông Phớc để nghiên cứu. Theo ông, đây là vấn đề mới nên phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét.
Không khả thi trong điều kiện hiện nay
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo VKSND tỉnh Đồng Tháp không ủng hộ đề xuất tù tại gia vì “không khả thi, không thể tổ chức thực hiện” do điều kiện về quản lý của Nhà nước ta hiện nay chưa đáp ứng được.
Cạnh đó, BLHS đã có sẵn quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ hay án treo (biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện). Đây cũng có thể xem là hai trong những hình thức tù tại gia bởi người bị kết án được ở nhà, không phải vào trại giam để cải tạo.
“Thực tế nhiều trường hợp địa phương còn quản lý chưa tốt người bị phạt cải tạo không giam giữ, bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo mà. Do đó, bổ sung thêm hình thức tù tại gia trong thời điểm hiện nay là chưa phù hợp vì rất khó tổ chức quản lý cũng như thực hiện” - vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Văn Phước, nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa, cũng cho rằng cần phải có một lộ trình nghiên cứu tổng thể trước khi tính tới việc đưa hình thức tù tại gia vào luật. Đặc biệt, theo luật sư Phước, cần phải làm rõ sự khác biệt giữa tù tại gia với án treo và cải tạo không giam giữ ở chỗ nào. Nếu tù tại gia không có ý nghĩa nào khác, không có gì mới so với án treo và cải tạo không giam giữ thì không cần thiết phải quy định.
Ba yêu cầu trước khi đưa vào luật Theo TS Phan Anh Tuấn, Trường ĐH Luật TP.HCM, một số nước có quy định hình thức tù tại gia. Theo đó, người bị kết án phạt tù chỉ được phép đi lại trong một phạm vi nhất định (tại gia). Họ bị gắn thiết bị điện tử để kiểm soát phạm vi di chuyển, nếu họ vi phạm sẽ phải đi tù tại các cơ sở giam giữ. Hình thức tù tại gia có ưu điểm là chính phủ tiết kiệm chi phí trong việc sinh hoạt cá nhân của người bị kết án, giảm bớt cán bộ quản giáo theo dõi, giảm bớt trại giam, người bị kết án vẫn có thể tìm công việc làm tại nhà… Ở Việt Nam, để có thể đưa hình phạt tù tại gia vào luật thì cần có các yêu cầu sau: Thứ nhất, phải sửa đổi, bổ sung BLHS để thêm hình phạt tù tại gia, lúc đó mới có thể đưa vào Luật Thi hành án hình sự. Thứ hai, tù tại gia là hình thức khoan hồng thay thế việc thi hành hình phạt tù có thời hạn trong các cơ sở giam giữ. Vậy nên việc quy định thêm hình thức này cần tính đến hệ thống các hình thức khoan hồng khác như án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Bởi những hình thức này cũng có chức năng thay thế việc thi hành hình phạt tù tại các cơ sở giam giữ như tù tại gia. Thứ ba, cần phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, tổ chức được phân công quản lý, giám sát… Theo TS Tuấn, việc đưa thêm hình thức tù tại gia làm đa dạng thêm các biện pháp xử lý, giúp tòa quyết định biện pháp xử lý phù hợp đối với người bị kết án nhưng vẫn đảm bảo mục đích của hình phạt là phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng. Tuy nhiên, ông không hài lòng với cách quản lý “giam giữ trong nhà sắt rồi giao cho gia đình chăm sóc, đến bữa cho ăn, còn giám thị định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra…” bởi hạ thấp nhân phẩm của con người, không phù hợp với nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật. |