Dự thảo luật dự kiến sửa đổi 92/182 điều, bổ sung 52 điều và thay đổi cơ bản về kết cấu của luật. Do sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, trong đó có nhiều chính sách lớn, cơ bản nên Chính phủ đề nghị Quốc hội (QH) cho thay đổi phạm vi sửa đổi và tên gọi thành Luật Thi hành án hình sự sửa đổi.
Khi thẩm tra, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Tư pháp đề nghị Ủy ban Thường vụ QH báo cáo QH cho phép xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp. Theo đó, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2018), QH sẽ cho ý kiến về những vấn đề lớn của dự luật.
Phạm nhân được lao động ngoài nơi giam giữ?
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo là quy định về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam và phối hợp giữa trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ với doanh nghiệp (DN), cá nhân, tổ chức trên địa bàn để tổ chức lao động cho phạm nhân.
Cụ thể, căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do bộ trưởng Bộ Công an, bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Ngoài ra, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ có thể phối hợp với DN, cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn để tổ chức lao động cho phạm nhân với sự đồng ý của phạm nhân. Chế độ lao động của phạm nhân trong trường hợp này ngoài việc phải tuân thủ các quy định tại luật này còn phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật lao động có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay nhiều ý kiến của Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định trên. Những ý kiến này cho rằng hoạt động lao động của phạm nhân phải được tổ chức trong trại giam hoặc tại khu sản xuất, điểm lao động thuộc khu vực quản lý của trại giam và phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ.
“Dự thảo luật cho phép trại giam được tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ được phối hợp với DN, cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn để tổ chức lao động cho phạm nhân là không phù hợp với mục đích, yêu cầu của công tác thi hành án phạt tù” - báo cáo thẩm tra nhận định. Theo báo cáo, quy định này sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự; tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ phạm nhân trốn trại rất cao, không bảo đảm an ninh, an toàn trong việc quản lý phạm nhân...
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu, bổ sung quy định: “Trại giam có thể phối hợp với các DN, cá nhân, tổ chức trên địa bàn tổ chức lao động cho phạm nhân nhưng phải bảo đảm các quy định về giam giữ, các chế độ chính sách đối với phạm nhân theo quy định và tuân thủ các quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 của điều này”.
“Tôi cho rằng các quy định đó cũng rất chặt chẽ. Các đồng chí lo ngại có trốn không, có bảo đảm an ninh trật tự không... thì phải tuân thủ quy định về giam giữ. Nếu phạm nhân lợi dụng để bỏ trốn sẽ có người phải chịu trách nhiệm về việc bỏ trốn, theo quy định về giam giữ” - ông Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (từ trái sang) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Phạm nhân có 10 nhóm quyền?
Theo tờ trình của Chính phủ, một trong những quan điểm chỉ đạo khi xây dựng dự án luật này là cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân, các quy định mới của BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), BLTTHS 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Vì vậy, dự thảo quy định cụ thể chín nhóm quyền của phạm nhân được bảo đảm và một nhóm quyền mang tính nguyên tắc: “Phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ”.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp cho rằng về nguyên tắc, quyền cơ bản của con người, quyền công dân đã được hiến định, do đó các luật chuyên ngành cần phải cụ thể hóa các quyền này. Tuy nhiên, đối với người chấp hành án phạt tù, do họ bị hạn chế quyền tự do đi lại, bị cách ly khỏi xã hội nên có một số quyền công dân khác sẽ khó bảo đảm thực hiện được đầy đủ như đối với công dân bình thường đang ở ngoài xã hội.
Báo cáo thẩm tra cho rằng ngoài những quyền cơ bản, thiết yếu nhất (quyền bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể; quyền bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở, thăm gặp gia đình; quyền lao động, học tập, học nghề...) thì cần phải bảo đảm thực hiện tốt một số quyền khác (quyền kết hôn, quyền sinh con, quyền được gửi, lưu giữ trứng, tinh trùng...) đối với người chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào điều kiện kinh tế-xã hội, khả năng đáp ứng của Nhà nước.
“Ủy ban Tư pháp cho rằng quy định về quyền của phạm nhân phải có điểm mới để cụ thể hóa hiến pháp nhưng cũng phải có bước đi phù hợp để bảo đảm tính khả thi, bảo đảm khả năng đáp ứng của Nhà nước, tránh hình thức” - bà Lê Thị Nga nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, phạm vi dự án luật này rất rộng, có những điều chưa thực hiện bao giờ. “Hay đặt vấn đề tù tại nhà, tự quản, tự đeo vòng vào để quản lý, thế giới nhiều nước làm rồi nhưng chúng ta có làm hay không? Hay vấn đề xã hội hóa nhà tù, nhà tù tư nhân... Rất nhiều việc nhưng đối với chúng ta đã phù hợp với thực tế chưa?” - bộ trưởng Công an nêu hàng loạt vấn đề.
Kết luận sau đó, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan ngồi lại với nhau rà thật kỹ và cụ thể, nếu không luật ban hành rồi các trại giam sẽ “không biết thế nào mà lần”. “Quyền sinh con, quyền kết hôn, quyền hiến mô, tạng... đề nghị cái gì chúng ta thấy có thực tiễn, có sự thống nhất, có điều kiện khả thi thì đưa vào, còn viết chung chung như vậy rất khó thực hiện” - ông Lưu nói.
Cần nghiên cứu kỹ Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, cũng có một số ý kiến của Ủy ban Tư pháp tán thành việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam và phối hợp giữa trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn để tổ chức lao động cho phạm nhân. Theo các ý kiến này, quy định trên sẽ tạo ra cơ chế cho các cơ sở giam giữ được tổ chức cho phạm nhân tham gia lao động tại các DN ngoài trại giam trên cơ sở có sự đồng ý của phạm nhân. Tuy nhiên, quy định trên cần được nghiên cứu, xem xét thận trọng, cần đánh giá đầy đủ về tác động, làm rõ những tiêu chí, điều kiện cụ thể, tính khả thi để trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, nhất là tổ chức cho phạm nhân ra khỏi trại giam đi lao động... |