Hạn chế xây dựng luật kiểu ‘nửa đường đổi ý’

Ngày 18-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) dành một ngày tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018.

Là người đầu tiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho hay khối lượng xây dựng luật, pháp lệnh còn lại của năm 2018, 2019 và 2020 là 43 luật. Ông Hiển nói đây là con số quá lớn, “bất khả thi” bởi nó vượt quá khả năng về quỹ thời gian và con người để bảo đảm chất lượng.

“Mỗi năm chỉ làm được 10-12 luật là cùng” - ông Hiển nói và cho rằng có một số luật ông thấy không cần thiết.

Cũng theo Phó Chủ tịch QH, tình trạng chưa tuân thủ chặt chẽ quy định về trình tự thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. “Một số hồ sơ dự án luật chuẩn bị còn sơ sài, không đầy đủ, thiếu chiều sâu, thiếu toàn diện. Thời gian chuyển sang để các cơ quan thẩm tra thì hầu như không đúng quy định nên có tình trạng cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chạy song song với nhau” - ông Hiển nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đang nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: ĐỨC MINH

“10 năm nay, những hạn chế (nêu trong báo cáo) chúng ta nghe quen như mới nói từ hôm qua. Nếu không kiên quyết, 10 năm nữa vẫn tiếp tục như thế” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tiếp lời.

“Có tình trạng Chính phủ nửa đường đổi ý” - bà Nga nói và dẫn chứng về hai dự án Luật Đặc xá và Luật Thi hành án hình sự, ban đầu đề nghị sửa đổi một số điều, tới khi chuẩn bị trình ra QH lại đề nghị sửa đổi toàn bộ. “Chính phủ thông qua dễ nhưng sang QH, chúng tôi phải chạy theo rất mệt mỏi” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bày tỏ.

Cũng theo bà Nga, chuyện “lùi và rút” khỏi chương trình xảy ra tương đối nhiều. Dẫn chứng được nêu là Luật Phòng, chống tham nhũng, được đưa vào chương trình kỳ họp thứ 3 QH khóa XIV, sau lùi sang kỳ 4. Kế đó, do chất lượng chưa bảo đảm, dự án luật này tiếp tục thay đổi quy trình, từ cho ý kiến và thông qua tại hai kỳ họp sang ba kỳ họp. Đến nay, một số vấn đề lớn của dự án luật này vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án đã đề nghị Ủy ban Thường vụ QH báo cáo cấp có thẩm quyền và xin ý kiến đại biểu QH bằng phiếu...

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sau đó lý giải, dù rất quan tâm đến câu chuyện xây dựng pháp luật nhưng “thời gian vật chất rất khó”. “Chính phủ đổi mới nên các phiên họp đều có mời tòa án, VKSND... Chúng tôi thấy trong một buổi mà thảo luận sáu luật thì chắc chắn chất lượng không thể cao được” - ông Bình nói và cho rằng cái gốc của vấn đề là tính chuyên nghiệp trong việc xây dựng luật.

“Chính phủ bận rất nhiều việc nên họp rất ngắn. Quy trình cho ý kiến dự án luật cũng tương tự như bên QH nhưng Chính phủ bố trí thời gian ngắn quá. Chúng tôi đề nghị bố trí thời gian dài hơn được không? Với thời gian trong một buổi, các đồng chí cho ý kiến 5-6 luật, thậm chí là ba luật, với cách làm như vậy chất lượng không bao giờ tốt được” - bà Lê Thị Nga nói.

Cũng theo bà Nga, còn một hình thức khác là xin ý kiến bằng phiếu. Ví dụ giữa hai kỳ họp, Chính phủ xin ý kiến về phương án xử lý tài sản trong Luật Phòng, chống tham nhũng bằng phiếu. “Chúng tôi cho rằng những vấn đề lớn mà không bàn kỹ nên bây giờ chúng ta mới sa lầy vào đó” - bà Nga bình luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm