Người có lỗi đã bị pháp luật nghiêm trị, người đã ra tù, thế nhưng nỗi đau và bài học từ vụ cháy ấy vẫn chưa đủ để cảnh báo về điều kiện đảm bảo an toàn trong hàn cắt kim loại. Mới đây (7-2) lại tiếp tục xảy ra
Trung tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó Trưởng phòng Tham mưu cảnh sát PCCC TP.HCM, chia sẻ với bạn đọc những kỹ năng phải nằm lòng khi hàn cắt kim loại nếu không muốn chết cháy.
Nỗi đau ITC
Vụ cháy quán nhậu hải sản trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) trưa 7-2 được xác định là do bất cẩn trong hàn xì. Ảnh: NGUYỄN TÂN
14 năm trước, vào ngày 29-10-2002, buổi trưa, một cuộn khói ngùn ngụt bốc lên ngay giữa trung tâm TP.HCM. Vụ cháy làm 60 người chết, 70 người bị thương. Nguyên nhân của vụ cháy tòa nhà ITC ngày ấy được xác định là do thợ hàn vũ trường Blue (nằm trong tòa nhà ITC) để mối hàn rớt vào mút xốp gây cháy.
“Những vụ cháy nổ do hàn xì vẫn tiếp tục xảy ra. Năm 2012 vụ nổ tại Công ty dầu ăn Golden Hope Nhà Bè ở đường Gò Ô Môi (phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM) khiến một công nhân tử nạn, nguyên nhân là người công nhân này bất cẩn trong lúc hàn xì kim loại. Đầu năm 2015, vụ nổ tàu lai dắt tại cảng hoa quả dưới chân cầu Phú Mỹ (quận 7, TP.HCM) khiến một người chết, một người bị thương, thùng nhiên liệu nằm cạnh đó phát cháy và lửa bùng lên dữ dội. Nguyên nhân cũng do hàn xì…” - Trung tá Huỳnh Quang Tuyến trầm ngâm nhớ lại.
Vụ cháy xảy ra tại quán karaoke 68 trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người chết cháy, nguyên nhân ban đầu được xác định do thiếu cẩn trọng khi hàn biển quảng cáo tại tầng hai.
Và ngày 7-2, nhân viên quán nhậu hải sản trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) bất cẩn trong lúc hàn xì khiến tia lửa bắn vào nệm mút rồi bùng cháy dữ dội.
Hàn cắt kim loại phải nhớ ba điều này
Trung tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó Trưởng phòng Tham mưu cảnh sát PCCC TP.HCM . Ảnh: NGUYỄN TRÀ
"Trừ khi tia lửa văng vào xăng dầu, còn đâu phải tia lửa do hàn xì cứ văng ra là cháy liền đâu. Chỉ cần người dân trấn tĩnh, biết cách sử dụng phương tiện và phương pháp chữa cháy để khi vừa phát hiện có ngọn lửa, có thể dễ dàng tự dập tắt được.
Trường hợp, khi lửa đã bùng lên cao, không thể dập tắt, phải nhanh chóng chạy ra ngoài. Nên nhớ còn người là còn tài sản. Con người có thể làm ra tài sản nhưng bao nhiêu tài sản cũng không thể lấy lại mạng sống con người” - Trung tá Huỳnh Quang Tuyến chia sẻ.
Để tránh cháy do hàn, ông Tuyến chỉ dẫn:
Thứ nhất, thợ hàn phải che chắn khu vực hàn bằng vật liệu không cháy trước khi hàn cắt kim loại, tránh để các vảy, xỉ bắn ra môi trường xung quanh gây nguy hiểm cháy nổ. Những vật liệu không cháy như tôn, kim loại, tấm thạch cao…
Thứ hai cần di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10 m). Quá trình hàn cắt sẽ làm phát sinh các hạt kim loại nóng chảy (nhiệt độ đạt trên 1.000 độ C) bắn tung tóe ra xung quanh rất dễ gây hỏa hoạn khi tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy như vải, giấy, nệm mút xốp, xăng, dầu…
Thứ ba cần chuẩn bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy, thùng nước, vòi nước chữa cháy… khi không may có sự cố xảy ra. Đặc biệt lưu ý, khi hàn luôn phải người theo dõi, canh gác và trang bị những phương tiện chữa cháy tại chỗ để kịp thời chữa cháy ban đầu nếu xảy ra cháy nổ.
“Chỉ sử dụng những người có chứng chỉ về công việc hàn, được huấn luyện về an toàn lao động, an toàn phòng cháy, chữa cháy để thực hiện công việc hàn, cắt kim loại… Lý thuyết là như vậy nhưng thực tế rất nhiều cơ sở sử dụng thợ thiếu kỹ năng, không được đào tạo bài bản nên mới dẫn tới những vụ hỏa hoạn thương tâm” - Trung tá Huỳnh Quang Tuyến nói.