Theo Công ước Vienna, lộ trình của việc cấp GPLX quốc tế này đến tháng 8 mới có hiệu lực. Thông tư hướng dẫn sẽ được Bộ GTVT ban hành vào tháng 6, để đến đầu tháng 8 có hiệu lực.
Trước đây, công dân Việt Nam khi sang nước ngoài, muốn lái xe sẽ phải thi đổi sang GPLX của nước sở tại. Nhưng giờ đây, khi Việt Nam cấp GPLX quốc tế, thì GPLX này sẽ được sử dụng ở 73 nước tham gia Công nước Vienna, trong đó có 4 nước khu vực Đông Nam Á (Myanmar, Philippines, Thái Lan và Indonesia) mà không cần xin cấp GPLX ở nước sở tại nữa.
Người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp bằng vật liệu PET còn giá trị sử dụng trên 1 năm kể từ ngày được cấp, có nhu cầu lái xe khi cư trú, công tác, học tập và du lịch tại những nước tham gia Công ước Viên là đối tượng được cấp giấy phép lái xe quốc tế.
Ai đã được cấp GPLX ở Việt Nam được điều khiển loại xe nào sẽ được cấp GPLX quốc tế để điều khiển loại xe tương ứng.
Về hình thức, GPLX quốc tế tuân theo mẫu mã mà Công ước Vienna quy định: Giấy phép hình dáng như quyển hộ chiếu với khoảng 4-5 trang; thông tin ghi trên đó bằng 5 thứ tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc.
Quy định về thời gian cấp GPLX quốc tế sẽ được quy định rõ trong Thông tư hướng dẫn ban hành trong thời gian tới, bao gồm: Quy trình cấp, thời gian cấp, hồ sơ…
Dự kiến, việc cấp đổi giai đoạn đầu sẽ thực hiện ở Tổng cục Đường bộ, các Sở GTVT: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng.
Các địa phương còn lại sẽ thực hiện khai báo qua mạng tại Sở GTVT địa phương đó và truyền dữ liệu về các sở có thẩm quyền cấp đổi.
Lê Huy TH