Đây là cơ hội để các học sinh và phụ huynh quan tâm giao lưu với các chuyên gia, quản trị nhân sự cấp cao đến từ ngân hàng, doanh nghiệp, dự báo nguồn nhân lực có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thị trường lao động. Các chuyên gia sẽ giải đáp, tư vấn nghề nghiệp cùng độc giả.
Các chuyên gia lĩnh vực nhân sự tham gia chương trình:
1. Tiến sĩ LÊ THỊ THÚY LOAN, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Loan Lê.
2. Ông LÊ HUỲNH HOA, Phó Giám đốc tuyển dụng Ngân hàng Techcombank (phía Nam).
3. Bà TRẦN THÙY TRÂM, Giám đốc Dịch vụ tìm kiếm và tuyển dụng quản trị viên, Công ty cổ phần Le&Associates (L&A).
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong ba năm qua tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi và trúng tuyển các ngành ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng luôn ở con số trên 41%. Theo dự báo, bốn năm nữa, “lứa” cử nhân kinh tế, tài chính sẽ dư thừa.
Vậy nhu cầu thực tế nguồn nhân nhân lực trong các ngành nghề này như thế nào? Điều gì khiến các ngành này thu hút sinh viên mạnh mẽ đến như vậy?Cơ hội cạnh tranh việc làm trong những ngành này như thế nào? Những người theo học các ngành này cần phải trang bị những kiến thức gì để tiếp cận nghề nghiệp?
Để có cái nhìn rõ hơn về định hướng nghề nghiệp mà các học sinh và phụ huynh quan tâm, sáng thứ bảy tuần này (14-4-2012), trang thông tin điện tử www.plo.vn cùng báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tập trung thông tin đến độc giả những thông tin bổ ích về định hướng nghề nghiệp trong ngành tài chính, ngân hàng.
Chương trình đồng thời sẽ được tường thuật trực tuyến tại các trang web: www.phapluattp.vn và www.huongnghiep.plo.vn.
Ngay từ bây giờ, các bạn học sinh, các bậc phụ huynh có nhu cầu tư vấn về hướng nghiệp, chọn ngành nghề phù hợp, phương pháp học tập và ôn thi có hiệu quả, vui lòng đặt câu hỏi tại đây.
Ảnh DH
**Em là sinh viên năm cuối của khoa Tài chính Ngân hàng, năm nay em tốt nghiệp nhưng em nghe nói các ngân hàng thường tuyển nhân viên có kinh nghiệm làm việc từ 3,4 năm trở lên. Vậy những sinh viên mới ra trường như em sẽ làm việc ở những nơi nào? Và làm sao để có kinh nghiệm ạ? Em cảm ơn. (Minh Trung - Email: mid_mid…@yahoo.com.)
Ông Lê Huỳnh Hoa trả lời:
Chào Bạn!
Hàng năm các ngân hàng thường xuyên tuyển dụng sinh viên thực tập như Techcombank, Sacombank, ACB..., vậy bước vào năm cuối đại học, bạn lên trang web các ngân hàng hoặc Phòng Đào tạo trường để biết thông tin tuyển sinh thực tập của Ngân hàng vào tháng 09 hàng năm. Trong quá trình thực tập nếu bạn thể hiện năng lực phù hợp thì bạn có cơ hội lớn trở thành nhân viên chính của Ngân hàng nơi bạn thực tập.
Chúc bạn thành công và thể hiện đúng năng lực để trở thành nhân viên chính thức của ngân hàng sau khi thực tập.
** Chào Hội đồng tư vấn, em rất thích tư vấn cho mọi người. Hiện nay em chỉ biết công việc của ngành Bảo hiểm là sẽ tư vấn cho người khác thôi, em muốn biết ngoài ngành Bảo hiểm ra thì còn ngành nào thuộc lĩnh vực tư vấn nữa không ạ? Cơ hội việc làm ra sao? Em xin cảm ơn. (Nguyễn Kiên - Email: kiennguyen...@gmail.com.)
Bà Trần Thùy Trâm ( Ảnh PĐ)
Bà Trần Thùy Trâm trả lời:
Chào bạn!
Tư vấn cũng là một nghề thịnh hành trong thị trường lao động liện nay. Có hai dạng tư vấn về chuyên môn - nghiệp vụ (bạn có thể trở thành một tư vấn về Tài chính, Ngân hàng, Thuế , Luật, Nhân sự...) hoặc sản phẩm (Bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe,... ). Tùy thuộc vào ngành học của bạn mà bạn sẽ chọn ngành tư vấn phù hợp.
**Cho em hỏi, làm việc ở lĩnh vực Ngân hàng, ngoài việc tính toán giỏi có cần tính sáng tạo không ạ? (Hồng Loan - Email: sixteengirl…@yahoo.com.vn.)
Ông Lê Huỳnh Hoa trả lời:
Chào bạn!
Trong tổ chức ngân hàng có nhiều mảng công việc khác nhau nên đòi hỏi tiêu chuẩn công việc cũng khác nhau, dù ở mảng công việc nào cũng cần tính sáng thực tiễn tạo giá trị cho tổ chức. Ngoài tính sáng tạo, bạn cần trau dồi thêm những kỹ năng mền như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng hoạch định công việc... thì cơ hội thành công và phát triển nghề nghiệp sẽ tốt hơn.
Chúc Bạn luôn thành công!
Ông Lê Huỳnh Hoa đang trao đổi trực tuyến ( Ảnh PĐ)
**Thưa cô, em muốn sau này làm việc trong bộ phận tổ chức sự kiện cho các công ty thì em phải học ngành gì và học ở các trường nào (em ở phía Nam)? Nếu em học Marketing thì sau này có thể làm công việc này không ạ? (Ngọc Anh - Email: hoangtu_thienha...@yahoo.com.vn)
Bà Trần Thùy Trâm trả lời:
Chào bạn!
Tổ chức sự kiện là một trong những bộ phận thuộc phòng Marketing. Nếu bạn học Marketing thì sẽ có cơ hội làm nhiều công việc như: tổ chức sự kiện (event), quan hệ công chúng (PR), truyền thông... Nó tùy thuộc vào thế mạnh của bạn để quyết định sự thành công. Bạn có thể chọn học ở các trường có đào tạo chuyên sâu về marketing ( ĐH Kinh tế, ĐH Hoa sen,...).
**Em có ý định thi vào khoa Tài chính ngân hàng, Tuy nhiên, em thấy trong khoa này gồm có các chuyên ngành: Ngân hàng thương mại, Thanh toán quốc tế, Kinh doanh Chứng khoán và Tài chính doanh nghiệp. Vậy nếu em đủ điểm đỗ vào khoa Tài chính - Ngân hàng thì sẽ được lựa chọn bất cứ chuyên ngành nào trong khoa Tài chính - Ngân hàng mà em thích để học. Em đang phân vân không biết nên chọn chuyên ngành nào để khi ra trường dễ xin việc và có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc? Xin cảm ơn. (Mai Hoa - Email: lotus…@yahoo.com.vn.)
TS. Lê Thị Thúy Loan trả lời:
Để dễ xin việc, cần nhiều yếu tố như năng lực của bạn, số lượng công ty có nhu cầu cần những người có khả năng chuyên môn như bạn.
Xét về số lượng công ty có nhu cầu:
- Ngân hàng thương mại: Thường các ngân hàng có xu hướng chọn những người tốt nghiệp chuyên ngành này hơn các công ty khác. Và số lượng các ngân hàng không nhiều như các công ty khác.
- Thanh toán quốc tế: Ngân hàng, công ty thương mại xuất nhập khẩu sẽ quan tâm đến bạn. Nhưng những công ty có nhu cầu thanh toán quốc tế không nhiều bằng các công ty khác.
- Kinh doanh chứng khoán: Các công ty chứng khoán, một số công ty niêm yết sẽ quan tâm đến bạn. Nhưng cũng vậy, các công ty này không nhiều
- Tài chính doanh nghiệp: Các công ty lớn ở hầu hết các ngành nghề sẽ quan tâm đến bạn, nhưng những công ty nhỏ sẽ không có nhiều nhu cầu. Nếu bạn muốn mở một công ty riêng, kiến thức về tài chính doanh nghiệp sẽ giúp bạn rất nhiều.
Nên nếu xét về cơ hội lựa chọn, học ngành tài chính doanh nghiệp bạn có thể tiếp cận với nhiều công ty hơn.
Tuy nhiên nhiều cơ hội lựa chọn không có nghĩa bạn dễ dàng xin việc, và ít cơ hội lựa chọn không có nghĩa bạn khó xin việc. Mọi việc còn tùy thuộc vào năng lực của bạn. Nếu bạn là một trong những người giỏi nhất, bạn sẽ dễ dàng xin việc và thăng tiến dù có nhiều hay ít cơ hội lựa chọn.
TS. Lê Thị Thúy Loan trả lời
Trong ngành tài chính ngân hàng còn có rất nhiều chuyên môn sâu. Mỗi chuyên môn sâu lại phù hợp với những tính cách, phẩm chất khác nhau. Nhưng có một điểm chung: bạn cần là người có tư duy logic, khả năng phân tích. Đây là một nghề cần phải động não, suy nghĩ liên tục, và thường ngồi một chỗ.
Một số chuyên môn sâu của ngành này chỉ phù hợp với người có tính cách hướng nội. Nếu bạn là người có tính cách hướng ngoại, thích giao tiếp thì sẽ không phù hợp với các chuyên môn sâu đó.
Nếu bạn thích sáng tạo bay bổng hơn phân tích thực tế, bạn cũng không nên theo ngành này.
Vì vậy, bạn nên vào Google, tìm kiếm các bài kiểm tra tính cách để xác định mình có phù hợp không.
Trước khi chọn ngành tài chính ngân hàng, bạn cần tìm hiểu thêm về những gì bạn sẽ gặp và được mong đợi khi vào ngành này. Vì nội dung này tương đối dài, bạn có thể tìm trên mạng, hiệu sách, hoặc vào các Application Stores để đọc thêm thông tin.
**Chào Ban tư vấn tuyển sinh. Em rất thích những nghành liên quan đến khách sạn, du lịch vậy đối với học lực trung bình khá em nên theo ngành nào thì phù hợp và dễ kiếm việc làm? Qua các phương tiện truyền thông em thấy ngành Tài chính - ngân hàng hiện nay đang hot, em không biết với học lực của em có thể học ngành này được không? Em cảm ơn. (Lê Thị Thanh Tâm - Email: sorana_893@yahoo.com)
TS. Lê Thị Thúy Loan trả lời
Học lực của bạn là trung bình khá. Nhưng bạn có thể rất giỏi ở một môn nào đó và không giỏi ở một môn khác. Do vậy, học lực trung bình không giúp bạn xác định được bạn có thể học được ngành nào hay không. Ngành tài chính ngân hàng cần người có tư duy logic. Nên nếu các môn liên quan đến tư duy logic của bạn tốt thì bạn vẫn có thể theo ngành này, dù các môn khác bạn chưa phải là giỏi.
Chọn ngành nghề là một việc rất quan trọng, vì nó quyết định tương lai, hạnh phúc của bạn. Vì vậy, điều đầu tiên cần quan tâm là ngành nghề đó có phù hợp với bạn không. Trong ngành tài chính - ngân hàng, có rất nhiều bộ phận lĩnh vực khác nhau, với các vị trí khác nhau. Bạn cần xác định mình muốn đi sâu vào lĩnh vực gì, và vươn tới vị trí gì. Bạn cần thực hiện các kiểm tra về tính cách để xem có phù hợp với ngành nghề và lĩnh vực chuyên môn sâu cụ thể trong của ngành nghề bạn định chọn. Bạn có thể vào Google, search các bài kiểm tra về tính cách (personality tests, v.v.).
Có những ngành bạn thích nhưng lại có thể không phù hợp với bạn. Và ý thích của bạn thay đổi theo thời gian. Tương tự, có những ngành hôm nay nóng, ngày mai lạnh. Nhưng có một điều không bao giờ thay đổi: luôn có một ngành nghề phù hợp với bạn nhất, mà dù gặp bao nhiêu khó khăn, bạn cũng vẫn vượt qua.
Tuổi trẻ và thời gian rất quý giá, đừng phí hoài 4 năm học hành để rồi bỏ nghề vì phát hiện ra mình không thích. Hoặc cố gắng theo nghề nhưng không bao giờ có thể vươn lên vị trí cao nhất vì thiếu đam mê.
**Em có khả năng sáng tạo, một chút tỷ mỹ, thích làm đẹp những vật xung quanh mình. Vậy em nên học ngành gì ạ? Mong Hội đồng tư vấn sớm cho em câu trả lời. (Nguyễn Thị Cẩm Tú - Email: girlxinhak...@yahoo.com.vn)
Bà Trần Thùy Trâm trả lời
Chào bạn!
Một số ngành nghề đòi hỏi khả năng sáng tạo, tỉ mỉ: Thiết kế mỹ thuật (nhà tạo mẫu thời trang, hội họa,...), Kiến trúc sư (nội hoặc ngoại thất...)... Để chọn được nghề phù hợp bạn phải xác định được niềm đam mê, sáng tạo của mình vượt trội trong lĩnh vực nào.
**Em là sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế, em muốn xin thực tập vào ngân hàng, bộ phận nào của ngân hàng thì phù hợp với em ạ? (Trần Đông Âu - Email: bird111…@yahoo.com.vn.)
Ông Lê Huỳnh Hoa trả lời:
Chào Bạn!
Tôi không biết những môn học cụ thể trong ngành học của bạn, nên tôi chưa thể chia sẽ với bạn vào bộ phận nào của Ngân hàng là phù hợp, nhưng trong quá trình phỏng vấn, người làm tuyển dụng sẽ phát hiện những tố chất, tư duy,...của bạn và sẽ tư vấn cho bạn nên ứng tuyển vào bộ phận nào là phù hợp. Ngoài những kiến thức là phần cứng, bạn cần trau dồi thêm về những kỹ năng mềm như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian... thì cơ hội được làm việc trong Ngân hàng của bạn sẽ cao hơn.
Chúc Bạn thành công!
**Theo kinh nghiệm của những người lãnh đạo thì họ có quan niệm rằng: Quản lí là nữ thường xây dựng văn hóa giỏi chứ không quản lí giỏi bằng Quản lí nam. Chị nghĩ sao về quan niệm này? Em cảm ơn. (Misa - Email: Misa – misa…@yahoo.com.vn.)
Bà Trần Thùy Trâm trả lời:
Chào Misa,
Theo chị: Là một nhà quản lý giỏi cần hội tụ đủ các tố chất: năng lực, kiến thức, kinh nghiệm, khả năng lãnh đạo... tùy thuộc vào một số ngành nghề đặc trưng mà doanh nghiệp quyết định chọn nhà quản lý là nam hay nữ. (những ngành tư vấn dịch vụ đa phần chọn quản lý là nữ, những ngành kinh doanh công nghiệp nặng chọn quản lý nam vì tính chất công việc,...). Tuy nhiên cũng có không ít những trường hợp ngoại lệ.
** Em vừa tốt nghiệp đại học Kinh tế và muốn thi tuyển vào Ngân hàng nhưng em thấy trên các trang tuyển dụng thì Ngân hàng chỉ tuyển bên đại học Kinh tế ở 1 số khoa như Tài chính - Ngân hàng, Kinh tế quốc tế, Quản trị kinh doanh, Quản lí Kinh tế, Kinh tế phát triển. Vậy những sinh viên mới ra trường như em mà không thuộc những khoa trên có thể đủ điều kiện để thi vào Ngân hàng không? (Thúy Hạnh - Email: cobenho…@gmail.com.)
TS. Lê Thị Thúy Loan trả lời:
Bạn chưa ghi rõ bạn tốt nghiệp ngành gì của trường Đại Học Kinh Tế.
Mỗi ngân hàng có rất nhiều vị trí. Các trang tuyển dụng chỉ đăng những vị trí cần tuyển vào thời điểm đó thôi.
Vì vậy, bạn cần theo dõi các thông tin đăng tuyển, vì ngành ngân hàng không chỉ tuyển những nhân viên tốt nghiệp những chuyên ngành đó mà còn các chuyên ngành khác như nhân sự, tin học, v.v...
**Khoa tài chính ngân hàng của ĐH Hà Nội và ĐH Kinh tế quốc dân, học trường nào tốt hơn?.( ĐH Hà Nội thì được học bằng tiếng anh nhưng học kinh tế thì … Kinh tế quốc dân có lẽ tốt hơn). vậy em nên chọn trường nào? (Nhân Phúc - Email: nhanphuc…@yahoo.com.vn.)
Ông Lê Huỳnh Hoa trả lời:
Chào Bạn,
Việc chọn trường nào phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: học lực, tài chính gia đình, ước mơ hoài bão của cá nhân bạn, vậy việc chọn trường nào thì bạn nên tìm hiểu kỹ thông qua bạn bè, mạng... có phù hợp những mong đợi của bạn hiện nay hay không rồi nhờ những Anh/Chị thế hệ trước tư vấn cho bạn thêm, sau đó hãy quyết định trường nào phù hợp với bạn.
Tôi có thể tư vấn cho bạn như sau:
Ước mơ của bạn sau này muốn làm gì? Nghề bạn yêu thích là gì?
Trong 03 năm đầu sau khi ra trường bạn muốn làm ở vị trí gì? Thu nhập bao nhiêu?
Bạn nên tìm hiểu kỹ thông qua các yếu tố trên để có quyết định phù hợp với bạn.
Chúc Bạn thành công!
Ảnh Phong Điền
**Theo em được biết có một số ngân hàng chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp ĐH chính quy (chỉ giới hạn 1 vài trường có tên tuổi). Nếu sinh viên tốt nghiệp các trường khác thì không tuyển. Em muốn biết vì lí do gì mà thiên vị như vậy? Trong khi đó các chương trình đào tạo của các trường giống nhau. Em cảm ơn. (Hiếu Nghĩa - Email: nghia_hotboy…@yahoo.com.)
TS. Lê Thị Thúy Loan trả lời:
Tôi nghĩ sự "thiên vị" nếu có, không phải là của ngân hàng mà là của một cá nhân phụ trách khâu tuyển dụng. Những "thành kiến" này không phải bao giờ cũng đúng và có thể thay đổi theo thời gian.
Ngay cả các sinh viên học cùng trường danh tiếng, học cùng lớp, nhưng khi ra làm việc có người chỉ mãi là nhân viên cấp dưới, và có người thành Tổng Giám đốc, hoặc là Chủ Tịch Tập đoàn. Vì vậy, bạn là người quyết định tương lại và sự thành công của bạn, chứ không phải là tên của một ngôi trường.
Vì vậy, bạn hãy cứ học thật tốt. Nếu bạn tốt nghiệp loại giỏi, có năng lực tốt, tôi nghĩ bạn sẽ không gặp nhiều khó khăn như bạn nghĩ.
**Em chào cô Trâm! Cô ơi cho em hỏi học ngành Quản trị kinh doanh tổng hợp khi ra trường làm việc gì và làm ở những nơi nào ạ? Ngành này có hỗ trợ gì cho việc Quản lí nhân sự không? (Phan Văn Mạnh 12A3 - Email: city.hunter993@gmail.com.)
Bà Trần Thùy Trâm trả lời:
Chào bạn!
Ngành Quản trị kinh doanh cung cấp cho bạn những kiến thức tổng quan về cách vận hành một doanh nghiệp. Từ ngành Quản trị kinh doanh bạn có thể làm việc ở nhiều bộ phận khác nhau: kinh doanh, tiếp thị, hành chánh, ... cho tất cả các doanh nghiệp từ khối sản xuất đến khối dịch vụ.
Tuy nhiên để làm về Quản lý nhân sự chuyên nghiệp đòi hỏi bạn phải có kiến thức về luật lao động. Bạn có thể tự học trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp hoặc bổ sung thêm những bằng cấp chuyên môn về lĩnh vực này.
** Chào Hội đồng tư vấn, theo nhận định của các chuyên gia nhân sự, xu hướng trẻ hóa đội ngủ nhân sự và cạnh tranh nhân lực đang được các Ngân hàng áp dụng. Vậy việc áp dụng này có mang lại hiệu quả gì cho khách hàng hay không? (Phúc An - Email: an_phuc...@gmail.com)
Ông Lê Huỳnh Hoa trả lời:
Chào bạn, rất cảm ơn câu hỏi rất thú vị của bạn.
Trong sự vận động chung của nền kinh tế thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng, xu hướng trẻ hóa đội ngũ nhân sự là 1 định hướng chiến lược bền vững của 1 tổ chức. Vì vậy việc trẻ hóa đội ngũ nhân sự kèm theo đào tạo và hướng dẫn công việc nhằm mục đích đem lại sự phục vụ khách hàng tốt hơn như: Được tư vấn chu đáo, hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng thực hiện các thủ tục nhanh hơn, rút ngắn thời gian giao dịch... Vây với đội ngũ nhân sự trẻ đầy năng động và nhiệt huyết sẽ đem đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất.
**Năm nay em định thi vào Tài chính ngân hàng, nhưng em nghe nói sau khi học ngành này phải học thêm kế toán nữa mới làm được trong lĩnh vực ngân hàng. Có phải 2 ngành này phải đi đôi với nhau không? Em cảm ơn. (Phú Bắc - Email: bac_loan…@yahoo.com.vn.)
TS. Lê Thị Thúy Loan trả lời:
Tùy thuộc vào việc bạn định đi sâu vào chuyên môn nào trong lĩnh vực ngân hàng mà có cần học kế toán không. Nếu là nhân viên kế toán trong ngân hàng thì bạn cần học kế toán. Nếu bạn làm một số phòng khác thì lại không cần.
Nên không nhất thiết bạn phải học kế toán mới làm trong lĩnh vực ngân hàng được.
**Xin chào các Cô, Chú, nói đến lĩnh vực Ngân hàng thì ai cũng nghĩ đó là môi trường làm việc chuyên nghiệp, vì các nhân viên phải trải qua giai đoạn đào tạo khắt khe... Nói tóm lại là cánh cửa thì rộng mở nhưng không có nghĩa là dễ dàng để đạt được. Nhưng tại sao lại gọi ngành Tài chính ngân hàng là ngành "hot" ạ? (Mỹ Nhung - Email: mynhung...@yahoo.com.vn)
Ông Lê Huỳnh Hoa trả lời:
Chào Bạn,
Đúng như bạn chia sẻ, ngành Ngân Hàng là ngành dịch vụ rất đặc thù vì vậy đòi hỏi CBNV phải có kiến thức về kỹ năng mềm rất cao và chuyên nghiệp. Tính cạnh tranh thị trường rất khắc nghiệt và áp lực công rất cao nên sự đào thải rất lớn. Làm việc trong hệ thống ngân hàng đòi hỏi tính năng động để đem lại dịch vụ khách hàng tốt nhất nên bạn cần phải thích nghi và theo kịp sự phát triển chung của hệ thống
Hiện nay mức lương trung bình của ngành tài chính ngân hàng ở mức trung bình và cao so với thị trường chung. Tính ổn định công việc cũng cao dẫn tới xu hướng các bạn sinh viên mới ra trường thích làm ngành tài chính ngân hàng. Đó là lý do ngành này được gọi là ngành "hot".
**Chào chị Trâm, hiện nay em đang mở cty và làm riêng về lĩnh vực PR truyền thông. Cty đang hoạt động tốt, nhưng có một vấn đề làm em bận tâm nhất hiện nay là đội ngũ nhân viên cứ phải thay thế liên tục. Phải chăng đầu vào em sàn lọc không kỹ? Mong chị chia sẽ kinh nghiệm này giúp em. Chân thành cảm ơn. (Quý Lai - Email: nhocnhim...@yahoo.com.vn)
Bà Trần Thùy Trâm trả lời:
Chào bạn,
Vấn đề của bạn cũng là một vấn đề nhức nhối trong nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Điều đầu tiên là tuyển được lực lượng "đúng người, đúng việc".
Điều kế tiếp phải xây dựng hệ thống quản lý năng lực công bằng bên cạnh các chế độ lương, thưởng, phúc lợi cạnh tranh, môi trường làm việc, cơ sở vật chất, thương hiệu của doanh nghiệp và phong cách của chính nhà lãnh đạo cũng ảnh hưởng một phần đến quyết định ra đi hay ở lại của một nhân viên.
Chúc bạn sớm tìm ra những nguyên nhân sâu xa để có thể ổn định và phát triển được đội ngũ nhân viên của mình!
**Ở Việt Nam hiện có rất nhiều trường đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng nhưng chất lượng tuyển đầu vào thường khá chênh lệch nhau. Vậy Hội đồng tư vấn đánh giá như thế nào về vấn đề này cũng như lời khuyên cho những thí sinh ĐKDT ngành này? (Anh Khai - Email: khai_anh...@yahoo.com.vn)
TS. Lê Thị Thúy Loan trả lời:
Chất lượng tuyển đầu vào không phải là đảm bảo cho chất lượng đầu ra.
Học đại học không giống như học phổ thông. Đại học đòi hỏi người học phải tự học, tự tìm hiểu và nghiên cứu rất nhiều. Vì vậy, chất lượng đầu ra phụ thuộc vào những nỗ lực nghiên cứu, học tập, tìm hiểu của bạn.
Ở nước ngoài, rất nhiều trường không hạn chế đầu vào, nhưng lại siết chặt đầu ra. Chỉ những người đủ tiêu chuẩn mới được tốt nghiệp.
Trong khi tại nước ta, vẫn còn có trường hợp khi tuyển đầu vào đạt điểm rất cao, nhưng khi ra trường làm việc không tốt.
Vì vậy, tương lai của bạn là do những nỗ lực của bản thân bạn.
**Cho em hỏi ngành thẩm định giá sau này tốt nghiệp làm những công việc gì? Có thể trong ngân hàng được không ạ? Em đăng ký thi bên ĐH tài chính marketing, đào tạo tốt ngành này không ạ? Em cảm ơn. (Hoàng Tuấn Anh - Email: seniorcustoms@gmail.com)
TS. Lê Thị Thúy Loan trả lời:
Công việc: Định giá bất động sản, máy móc và giá trị doanh nghiệp. Công việc thẩm định giá được thực hiện với các tài sản hữu hình (như nhà xưởng, đất đai hay máy móc,...) và vô hình (thương hiệu của các Doanh nghiệp).
Các giao dịch cần có thẩm định giá: mua bán, cầm cố, thế chấp, đầu tư, bảo hiểm, tính thuế, cổ phần hóa doanh nghiệp...
Các doanh nghiệp có nhu cầu nhân sự thẩm định giá: DN kinh doanh bất động sản, ngân hàng, Cty chứng khoán, cấp quản lý từ trung ương đến địa phương.
Kết quả đào tạo không chỉ phụ thuộc vào trường, mà còn phụ thuộc vào những nỗ lực của bản thân bạn. Vì vậy, dù bạn có học trường danh tiếng, nhưng bản thân không nỗ lực nghiên cứu thì cũng không thể làm nghề tốt được. Và dù bạn có học một trường chưa danh tiếng lắm, nhưng với nỗ lực và đam mê của mình, tôi tin rằng bạn hoàn toàn có thể bước lên đỉnh cao nghề nghiệp.
Ảnh PĐ
**Có dự báo rằng 4,5 năm tới sinh viên sau khi tốt nghiệp nhóm ngành Kinh tế sẽ khó xin việc vì cung vượt xa cầu. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia thì vần đề này sẽ như thế nào? Em cảm ơn. Hồng Phúc – phuc_loan…@yahoo.com.vn. (Hồng Phúc - Email: phuc_loan…@yahoo.com.vn.)
Ông Lê Huỳnh Hoa trả lời:
Chào Bạn,
Hiện nay sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành kinh tế cung đã vượt xa cầu. 4,5 năm nữa áp lực sẽ càng lớn hơn hiện nay. Vậy làm sao mình vẫn có việc làm tốt, tồn tại và phát triển tại đó? Nếu bạn trả lời được câu này thì bạn sẽ thấy bức tranh sáng và rõ ràng hơn. Trong sự vận động và phát triển của xã hội thì luôn cần những người có Tài, Tâm và tư duy tốt nên bạn cần trau dồi những nhu cầu xã hội 4,5 năm nữa cần có. Lúc đó cơ hội việc làm đối với bạn sẽ không còn khó nữa.
Chúc bạn hiểu và có kế hoạch hành động đúng với nhu cầu xã hội!
**Chào chị Trâm, em được biết chị làm trong lĩnh vực nhân sự đã lâu, mong chị tư vấn giúp em 1 vấn đề sau: Khi tuyển nhân sự ngoài bằng cấp đạt tiêu chuẩn thì cần đòi hỏi gì ở ứng viên nữa ạ? Mong sớm nhận được câu trả lời của chị. (Hoài Thanh - Email: hoai_bebu...@yahoo.com.vn)
Bà Trần Thùy Trâm trả lời:
Chào bạn,
Bằng cấp là một điều kiện "cần" nhưng chưa "đủ"
- Theo thực tế thì các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn ở kinh nghiệm thực tiễn thể hiện năng lực qua quá trình làm việc của ứng viên. Đó là lý do vì sao cùng một loại bằng cấp mà chỉ một ứng viên được chọn. Bên cạnh đó ứng viên cần chứng minh họ có khả năng đảm nhiệm công việc để trở thành ứng viên sáng giá trong mắt nhà tuyển dụng.
**Để học được ngành Tài chính ngân hàng có cần học toán giỏi không? Hiện tại em học toán cũng trung bình thôi nên em rất lo. Gia đình em nói nếu học ngành này thì phải học toán thật giỏi mới học được nên bắt em phải đi học thêm. Em rất phân vân không biết có nên chọn theo học ngành này không? Em mong sớm nhận được câu trả lời. (Tú Trinh - Email: trinh_123…@yahoo.com.vn.)
TS. Lê Thị Thúy Loan trả lời:
Ngành này cần tư duy logic, khả năng phân tích. Vì vậy cần khá về toán.
Chọn ngành nên phù hợp với tính cách, phẩm chất, năng lực của mình. Nếu chọn một ngành không phù hợp với mình, em sẽ lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc. Đừng cố gắng học những gì không phù hợp với mình, vì em sẽ không đạt kết quả cao. Tôi đã gặp nhiều trường hợp bỏ học giữa chừng, nếu có cố gắng tốt nghiệp thì cũng bỏ việc giữa chừng, hoặc có cố gắng làm việc thì rất ngao ngán uể oải, chẳng thể vươn lên vị trí cao được.
Nếu em là người hướng ngoại, thích giao tiếp đi lại, không thích phải suy nghĩ động não nhiều, em không nên chọn ngành này. .
Nếu em là người thích sáng tạo, nghệ thuật, mỹ thuật thì đừng cố gắng học toán để theo ngành tài chính ngân hàng. Vì em sẽ thấy ngồi yên một chỗ với các con số, tính toán, phân tích, quy định pháp luật là sự "tra tấn".
Vì vậy, trước khi quyết định học thêm môn gì, hãy làm các kiểm tra về tính cách, phẩm chất và năng lực của mình trước. Em có thể tìm thấy các bài kiểm tra này trên google và một số website chuyên phân tích về lĩnh vực này.
**Cô ơi, có khi nào sau 5 năm nữa thì ngành tài chính ngân hàng bị bão hòa không ạ? Em sợ giờ vào học sau này không có việc làm không biết thế nào. Em cảm ơn. (Sông Hậu - Email: songhau…@yahoo.com.vn.)
TS. Lê Thị Thúy Loan trả lời:
Có rất nhiều dự báo về nhu cầu ngành tài chính ngân hàng. Riêng tôi, tình hình hiện nay và trong vài năm tới:
- Số lượng: nguồn cung vượt nhu cầu
- Chất lượng: nguồn cung thấp hơn nhu cầu
Vì vậy, nếu ngành tài chính ngân hàng phù hợp với bạn, bạn có năng lực nổi bật, thì bạn sẽ vẫn tìm được việc làm.
**Chào Hội đồng tư vấn, em sắp tốt nghiệp và chuẩn bị đi xin việc, em muốn xin Hội đồng tư vấn giúp em làm thế nào để có 1 bộ hồ sơ hoàn chỉnh và ấn tượng ạ? (Kim Trân - Email: tran_123...@yahoo.com.vn)
Bà Trần Thùy Trâm trả lời:
Chào bạn,
Để có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh và ấn tượng bạn cần phải chú ý đến hai việc:
Việc đầu tiên là bạn cần tìm hiểu nhiểu thông tin liên quan về doanh nghiệp và vị trí tuyển dụng.
Việc tiếp theo:
- CV: sơ yếu lý lịch: liệt kê xúc tích quá trình học cũng như các hoạt động ngoại khóa, quá trình thực tập sinh tại các doanh nghiệp, các công việc làm thêm (nếu có).
-Thư xin việc: Bạn phải nêu bật được khả năng đảm nhiệm công việc, cá tính và tố chất của bạn phù hợp với văn hóa và sự phát triển của công ty.
Chúc bạn thành công trong quá trình tìm việc phù hợp!
**Cô ơi. Cần có những tố chất nào để có thể theo học được ngành Tài chính ngân hàng vậy? Và học sinh cần có những yếu tố nào để có thể thi vào ngành này? (Mai Trinh - Email: trinh_say…@yahoo.com.vn.)
TS. Lê Thị Thúy Loan trả lời:
Trong ngành tài chính ngân hàng còn có rất nhiều chuyên môn sâu. Mỗi chuyên môn sâu lại phù hợp với những tính cách, phẩm chất khác nhau. Nhưng có một điểm chung: bạn cần là người có tư duy logic, khả năng phân tích. Đây là một nghề cần phải động não, suy nghĩ liên tục, và thường ngồi một chỗ.
Một số chuyên môn sâu của ngành này chỉ phù hợp với người có tính cách hướng nội. Nếu bạn là người có tính cách hướng ngoại, thích giao tiếp thì sẽ không phù hợp với các chuyên môn sâu đó.
Nếu bạn thích sáng tạo bay bổng hơn phân tích thực tế, bạn cũng không nên theo ngành này.
Vì vậy, bạn nên vào Google, tìm kiếm các bài kiểm tra tính cách để xác định mình có phù hợp không.
Trước khi chọn ngành tài chính ngân hàng, bạn cần tìm hiểu thêm về những gì bạn sẽ gặp và được mong đợi khi vào ngành này. Vì nội dung này tương đối dài, bạn có thể tìm trên mạng, hiệu sách, hoặc vào các Application Stores để đọc thêm thông tin.
**Chào Hội đồng tư vấn. Ngành tài chính ngân hàng gồm những chuyên ngành gì ạ? Em thích học ngành nào mà không phải ngồi yên một chỗ vì tính em năng động lắm. Vậy em có thể vào chuyên ngành nào trong ngành tài chính ngân hàng ạ? (Bé Linh - Email: linh_be..@yahoo.com.)
TS. Lê Thị Thúy Loan trả lời:
Chuyên ngành Tài chính và chuyên ngành Ngân hàng thì có rất nhiều chuyên ngành chuyên sâu khác, thí dụ như:
- Tài chính nhà nước
- Tài chính doanh nghiệp
- Tài chính quốc tế
- Kinh doanh bảo hiểm
- Ngân hàng
- Chứng khoán
Bạn có thể vào website của các trường đại học để tìm hiểu các ngành chuyên sâu thuộc khoa Tài Chính- Ngân hàng.
Tôi chưa hiểu "năng động" của bạn ở đây là về mặt nào. Nếu năng động trong suy nghĩ thì phù hợp. Còn năng động trong giao tiếp, đi lại thì tùy vị trí bạn định làm trong ngành này. Nhưng hầu hết các vị trí trong ngành tài chính ngân hàng đều ngồi một chỗ, tư duy suy nghĩ phân tích nhiều hơn đi lại.
Để xác định bạn có nên theo một trong các chuyên ngành thuộc lĩnh vực Tài Chính- Ngân Hàng không, bạn nên thực hiện kiểm tra về tính cách, phẩm chất, khả năng của mình. Bạn vào Google, gõ: "kiểm tra tính cách", hoặc "personality test", "free personality test". Các bài test có thể Hoặc bạn cũng có thể vào các website như
www.personalitytest.net/
www.careerassessmentsite.com
BÁO PHÁP LUẬT TP.HCM