Như PLO đã đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Bình về tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Bình khi bị bắt là Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Vụ án đang được tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ.
Từ vụ việc trên, bạn đọc thắc mắc tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước được quy định như thế nào?
Theo luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước được quy định tại Điều 337 BLHS. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của BLHS (tội gián điệp), thì bị phạt tù 2-7 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa thì bị phạt tù 5-10 năm.
Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức, bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật, phạm tội hai lần trở lên, gây tổn hại về chính trị, độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thì bị phạt tù 10 - 15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt 10 -100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Về khách thể của tội phạm bị xâm phạm là sự an toàn của những tin tức, về vụ, việc, tài liệu, địa điểm, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh… mà Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố.
Mặt khách quan của tội phạm là hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước được biểu hiện ra bên ngoài bằng lời nói, chữ viết hoặc cho người khác xem, nghe, đọc, sao chụp bí mật nhà nước…
Chủ thể của tội này người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên..
Về mặt chủ quan thì người phạm tội thực hiện hành vi làm lộ bí mật nhà nước với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ ràng hậu quả nghiêm trọng khi bí mật nhà nước bị tiết lộ và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc dù không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Ngoài ra, theo LS Tuấn, căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước thì bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
Theo Điều 5 Luật bảo vệ bí mật nhà nước thì các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước bao gồm:
Làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
Thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật.
Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật.
Lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu.
Truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu.
Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước.
Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép.
Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.