Mới đây, lực lượng chức năng tại sân bay Tân Sơn Nhất đã phát hiện hành lý của bốn tiếp viên trên chuyến bay VN10 từ Paris về TP.HCM chứa hơn 8 kg thuốc lắc và hơn 3 kg ketamin được ngụy trang trong các tuýp kem đánh răng.
Bốn tiếp viên khai có một người nhờ xách tay một số hàng hóa về nước và trả công 10 triệu đồng.
Qua vụ việc này, anh Nguyễn Nam, khách thường xuyên trên các chuyến bay quốc tế sang châu Âu chia sẻ có nhiều chuyện ra nước mắt khi có người năn nỉ nhờ xách giùm hành lý chuyển hàng về Việt Nam mà vướng vào lao lý, do khi nhập cảnh bị cơ quan chức năng phát hiện mang chất cấm. Từ đây, anh Nam nói: "Tôi thẳng thắn từ chối người lời đề nghị mang dùm hành lý tại sân bay".
Anh Nam chỉ ra có muôn vàn lý do để người không quen hoặc thân quen xã giao viện đủ lý do nhờ xách giùm hành lý như hành lý quá ký, mang về sân bay có người nhận..."Không nên mang hộ cho bất kỳ ai chưa quen biết tại sân bay vì một chút mang ơn mà mắc họa, vì hoàn toàn không biết bên trong hành lý đó là chất cấm mang lên máy bay, hay văn hóa không lành mạnh", anh Nam nói.
Chị Phương Thảo cũng thường đi lại trên đường bay Frankfurt (Đức) - Nội Bài (Việt Nam) kể: Không ít lần về Việt Nam chị nhận lời năn nỉ xách giùm hành lý với lý quá vài ký, tốn thêm chi phí không đáng. "Với người xa lạ có dù năn nỉ cỡ nào tôi đều nói không", chị Thảo chia sẻ.
|
Thuốc lắc và ma túy được đóng trong những tuýp kem đánh răng. Ảnh: Hải quan TP.HCM |
Thành viên kỳ cựu thuộc đoàn tiếp viên một hãng hàng không Việt Nam, chia sẻ quản lý hành lý, tư trang cá nhân là bài học nằm lòng của tiếp viên trên các chuyến bay. Với các vụ việc như trên đoàn tiếp viên đều có bài bình giảng để nhắc nhở đội ngũ tiếp viên "thuộc bài" hơn.
Vậy công tác phòng, chống buôn lậu qua đường hàng không được kiểm soát như thế nào?
Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Kế hoạch phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không năm 2023.
Đối với các hãng hàng không, nhà chức trách hàng không yêu cầu có trách nhiệm chỉ đạo đoàn bay, đoàn tiếp viên rà soát nội bộ, thường xuyên kiểm soát tổ bay khi làm nhiệm vụ.
Đồng thời, quán triệt và yêu cầu tổ bay chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động hàng không.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các hãng bay chỉ đạo bộ phận An ninh hàng không của hãng tập trung phân tích, đánh giá tình hình, xác định trọng điểm thời gian, chuyến bay, chặng bay, đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động để phối hợp với lực lượng hải quan, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không.
Ngoài ra, phải có biện pháp kiểm tra chặt chẽ với các chuyến bay, đối tượng cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh.
Nhà chức trách hàng không lưu ý các hãng bay cần tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng của Bộ Công an để nắm thông tin về đối tượng, thủ đoạn buôn lậu nhằm kịp thời bổ sung các biện pháp cụ thể trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng để tổ chức tập huấn cho lực lượng an ninh hàng không nhận biết hàng giả, kiến thức, kỹ năng chống buôn lậu.
Đồng thời, trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn làm cơ sở cho việc phối hợp kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn và xử lý vi phạm và kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện, đồ vật ra, vào và hoạt động tại các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.