Như PLO đã đưa tin, Công an TP.HCM và VKSND TP.HCM đã nhận đơn từ con riêng của bà Nguyễn Phương Hằng là ông Nguyễn Quang Tuấn (33 tuổi, ngụ TP.HCM) về việc đề nghị không giám định tâm thần cho mẹ mình.
Ông Tuấn đưa ra bốn lý do cho đề nghị này, trong đó có việc lo sợ bị thâu tóm tài sản.
Cũng theo ông Tuấn, trước đó, ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng “lò vôi”) đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu CQĐT, VKS trưng cầu giám định tâm thần đối với mẹ mình.
Về thẩm quyền trưng cầu giám định, PLO đã phân tích trên bản tin trước.
Nhiều bạn đọc thắc mắc điều gì sẽ xảy ra nếu kết quả giám định cho thấy sức khỏe tâm thần của bị can Nguyễn Phương Hằng không bình thường?
|
Con riêng của bà Nguyễn Phương Hằng là ông Nguyễn Quang Tuấn đã đề nghị không giám định tâm thần đối với mẹ mình. Ảnh: Cắt từ clip/PLO |
Trao đổi với PV, một kiểm sát viên (KSV) thuộc VKSND Cấp cao tại TP.HCM nhận định nhiều khả năng Cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) sẽ tiến hành trưng cầu giám định tâm thần đối với bà Hằng.
Tuỳ từng giai đoạn tố tụng mà cơ quan điều tra, VKS, tòa án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Vào đầu tháng 2-2023, VKSND TP.HCM đã trả hồ sơ cho Cơ quan CSĐT để tiếp tục điều tra, làm rõ các nội dung liên quan đến phát ngôn của TS luật Đặng Anh Quân. Do đó, vụ án của bà Phương Hằng vẫn còn đang trong giai đoạn điều tra và CQĐT sẽ có quyền trưng cầu giám định nếu thấy cần thiết.
Theo Điều 449 BLTTHS, khi CQĐT trưng cầu giám định pháp y tâm thần mà kết quả giám định xác định bị can mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì CQĐT gửi văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cùng kết luận giám định cho VKS cùng cấp để xem xét, quyết định.
Trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của CQĐT cùng kết luận giám định, VKS quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh đối với bị can hoặc yêu cầu CQĐT trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại nếu thấy chưa đủ căn cứ để quyết định.
Trường hợp VKS ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì CQĐT phải ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra đối với bị can.
“Tất nhiên, nếu giám định không ra bệnh tâm thần, bị can vẫn bình thường thì hoạt động điều tra vẫn tiếp tục” - vị KSV nói.
Nhận định thêm, vị KSV cho biết căn cứ vào Điều 450 BLTTHS: Nếu ở giai đoạn truy tố thì VKS có thể trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bị can và ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, đồng thời, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án (nếu xác định bị can tâm thần)… Và tất nhiên việc truy tố ra trước tòa án để xét xử sẽ diễn ra bình thường nếu xác định bị can không bị tâm thần.
Nói rõ hơn về việc khi nào tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, Thạc sĩ Võ Văn Tài, Phó khoa Kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM, cho biết: Nếu cơ quan trưng cầu giám định xác định bị can bị tâm thần trước, trong và sau khi phạm tội thì sẽ đình chỉ vụ án.
“Trường hợp lúc phạm tội không bị tâm thần, hoàn toàn bình thường trong việc điều khiển hành vi nhưng lúc bị điều tra, truy tố, nhất là lúc bị tạm giam gây rối loạn, tâm thần thì khi này VKS sẽ tạm đình chỉ vụ án, ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, khi nào hết bệnh sẽ phục hồi vụ án để tiếp tục các hoạt động tố tụng” - ThS Văn Tài cho biết.