Từ vụ 'bạch mã hoàng tử' ở TP.HCM: Có được dẫn ngựa ra đường?

(PLO)- Khi dẫn dắt gia súc tham gia giao thông thì cần chú ý các quy định pháp luật để tránh phạm điều cấm như chuyện "bạch mã hoàng tử" cưỡi ngựa trên đường ở TP.HCM. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 14-2, trên nhiều hội nhóm mạng xã hội xôn xao hình ảnh người đàn ông cưỡi ngựa trắng di chuyển trên đường phố TP.HCM. Tuyến đường người này di chuyển rất đông đúc phương tiện đi lại.

Hình ảnh này đã được chia sẻ trên nhiều hội nhóm với nhiều lời bàn tán sôi nổi: "Dịch vụ cho ngày 14-2 dành cho cô nàng mơ bạch mã hoàng tử".

Trao đổi với PLO, đại diện Be Group cho biết đây không phải một chiến dịch hay một hoạt động của hãng.

Người đàn ông cưỡi ngựa trắng sau đó đã bị lập biên bản về hai lỗi "điều khiển súc vật đi vào phần đường của xe cơ giới" và "không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố" (theo khoản 1, Điều 10 Nghị định 100/2019).

Hình ảnh người đàn ông cưỡi ngựa trên đường phố TP.HCM. Ảnh: Mạng xã hội Facebook.

Hình ảnh người đàn ông cưỡi ngựa trên đường phố TP.HCM. Ảnh: Mạng xã hội Facebook.

Xoay quanh câu chuyện này, PLO nhận được một số thắc mắc của bạn đọc: Việc dẫn dắt gia súc trên đường phố sao cho đúng quy định của pháp luật để không bị phạt? Tại sao người đàn ông bị xử phạt về 2 hành vi nguy hiểm như vậy mà mức mức tiền phạt lại có 160.000 đồng? Mức phạt thấp như vậy thì sau này nhiều đơn vị khác lại tái diễn cảnh dắt trâu, bò hoặc gia súc khác đi dạo phố thì liệu có phù hợp?...

Luật sư Trần Thu Thủy, Đoàn Luật sư TP.HCM, sẽ trả lời các thắc mắc nêu trên.

Theo khoản 6 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018, gia súc là các loài động vật có vú, có bốn chân được con người thuần hóa và chăn nuôi.

Việc dẫn dắt gia súc khi tham gia giao thông cần lưu ý các quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:

- Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn.

- Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.

- Không được thả rông súc vật trên đường bộ;

Tùy vào hành vi vi phạm mà có những mức phạt khác nhau. Theo Điều 10 Nghị định 100/2019 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021), người nào có một trong các hành vi sau đây sẽ bị phạt từ tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng: Không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố; Điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới…

Mức phạt trung bình cho mỗi hành vi nêu trên là 80.000 đồng. Như vậy, người đàn ông cưỡi ngựa vi phạm hai hành vi, nên mức phạt là 160.000 đồng, đúng với quy định hiện hành.

Luật sư Thủy lưu ý, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, nếu chủ gia súc thả gia súc hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông mà vô tình làm chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người, có hình phạt cải tạo không giam giữ lên đến 03 năm hoặc phạt tù lên đến 10 năm theo quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự 2015.

Ngoài ra, nếu chủ gia súc không tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn giao thông, dẫn dắt gia súc đi vào đường giao thông gây tai nạn giao thông, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định điều 603 Bộ Luật dân sự.

Như vậy, khi cần thiết phải dẫn dắt gia súc tham gia giao thông thì cần thiết chú ý các quy định như trên để tránh gây nguy hiểm cho người khác, tránh bị gặp những rắc rối do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra.

Theo luật sư Trần Thu Thủy, mức xử phạt 160.000 đồng dành cho người đàn ông cưỡi ngựa vi phạm hai hành vi nêu trên là chưa đủ tính răn đe. Với mức phạt như quy định hiện hành dễ khiến người/đơn vị khác bắt chước làm theo để gây sự chú ý. Ví dụ sau này có đơn vị chơi nổi muốn quảng bá hình ảnh của đơn vị mình, họ chấp nhận bỏ ra 160.000 đồng đóng phạt để cưỡi trâu quảng bá thương hiệu đi trên đường phố thì sao.

"Trong môi trường đô thị như TP.HCM mật độ xe cộ, phương tiện lưu thông cao, dễ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Có thể khi ban hành quy định, nhà chức trách chưa lường hết những tình huống phát sinh trong cuộc sống, chẳng hạn như tình huống cưỡi ngựa này. Trong tương lai, khi sửa đổi Nghị định 123/2021, cần thiết tăng mức phạt cho hành vi này để phù hợp với cuộc sống hiện đại"- Luật sư Trần Thu Thủy nói.

Xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:

“1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không nhường đường theo quy định, không báo hiệu bằng tay khi chuyển hướng;

b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố;

d) Điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới;

đ) Để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông;

e) Đi dàn hàng ngang từ 02 xe trở lên;

g) Để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển;

h) Điều khiển xe không có báo hiệu theo quy định.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;

b) Dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ;

c) Xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định.

3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc trái quy định”.

Trích Điều 10 Nghị định 100/2019

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm