Từ vụ nghi ngộ độc sữa: Chuyên gia chỉ cách nhận diện, xử trí ban đầu

(PLO)- Từ vụ nghi ngộ độc sau khi uống sữa bột xảy ra mới đây làm hai người tử vong, các chuyên gia đã có khuyến cáo về việc nhận biết triệu chứng, cách xử trí ban đầu đối với những trường hợp ngộ độc cấp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-10, BV Chợ Rẫy thông tin về quá trình điều trị cho bệnh nhân nam PMT (55 tuổi, ngụ Tiền Giang) nghi ngộ độc sau khi uống sữa bột. Ông T là thành viên trong gia đình có mẹ và em trai đã tử vong trước đó sau khi uống cùng loại sữa.

P13_ngo-doc.jpg
Bệnh nhân nghi ngộ độc sau khi uống sữa bột được điều trị tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC

Tình trạng chuyển biến rất nhanh

Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, vào ngày 15-10, sau khi uống 50 ml sữa bột, bệnh nhân thấy choáng váng, khó thở. 5 phút sau rơi vào tình trạng không thở và nhận thức được.

Khi nhập vào khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, bệnh nhân hôn mê sâu mức độ III, suy hô hấp phải thở máy, mạch nhanh, huyết động không ổn định. Các bác sĩ (BS) thống nhất bệnh nhân sau khi tiếp xúc với sữa bột (chưa rõ nhãn hiệu) chuyển biến rất nhanh trong vòng 15 phút, dẫn tới ngộ độc cấp.

Nhận định đây là trường hợp ngộ độc cấp trầm trọng trên bệnh nhân xơ gan, tăng huyết áp, tiên lượng tử vong cao, BS điều trị thở máy, truyền dịch, ổn định huyết áp, lọc máu kết hợp hai màng lọc cho bệnh nhân. “Với các biện pháp này, trong vài giờ đầu bệnh nhân có đáp ứng và cải thiện, cho thấy đây là hướng điều trị đúng” - BS Hùng nói.

Chỉ cần một nguyên nhân nằm ngoài suy luận ban đầu, điều trị không đúng hướng, bệnh nhân có thể tử vong.

Theo BS CKII Nguyễn Ngọc Sang, áp lực lớn nhất với các BS là thời gian và nhận định tình trạng người bệnh. BS phải chọn biện pháp vừa cấp cứu giữ được tính mạng bệnh nhân, vừa phủ được các nguyên nhân gây ngộ độc.

“Chỉ cần một nguyên nhân nằm ngoài suy luận ban đầu, điều trị không đúng hướng, bệnh nhân có thể tử vong” - BS Sang nói, đồng thời cho hay sau năm ngày điều trị, hiện bệnh nhân T đã qua cơn nguy kịch, dấu hiệu sinh tồn ổn định và được ra viện vào ngày 20-10.

Tiền viện phí hơn 100 triệu đồng của bệnh nhân T đã được các nhà hảo tâm hỗ trợ. Phần tiền hỗ trợ còn dư và số tiền gia đình bệnh nhân tạm ứng trước đó sẽ được hoàn lại cho gia đình.

Phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy

Nhiều khả năng tiếp xúc với chất kịch độc

Theo BS Hùng, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân T, câu hỏi đặt ra cho các BS: Đây là độc chất gì mà xảy ra ngộ độc rất nhanh, chỉ trong vòng 30 phút trở lại sau khi những người bệnh tiếp xúc?

“Chúng tôi nhận định chất này có mức độ độc cực cao. Đây phải là chất không mùi, không vị nên khi lẫn trong sữa người dùng không thấy bất thường. Độc chất phải tìm thấy trên thị trường hay do một vi sinh vật nào đó trong sữa tạo ra” - BS Hùng nhấn mạnh.

Từ đó, BS liệt kê năm độc chất theo thứ tự nghi ngờ là cyanua, nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat, asen, strychnin (bột mã tiền) và botulinum. Tất cả đều kịch độc, gây tử vong rất nhanh sau khi tiếp xúc, ở nhiều dạng khác nhau song đều là chất màu trắng, không mùi, không vị.

BV đã lấy các mẫu bệnh phẩm như dịch dạ dày, phân, nước tiểu, máu… để làm xét nghiệm tìm độc chất nhưng đều cho kết quả âm tính. “Có những chất không thể xét nghiệm được, tùy thuộc vào số lượng mẫu và thời điểm lấy mẫu” - BS Hùng cho hay.

Lưu ý khi mua sữa bột cho trẻ em

Khi mua sữa bột cho trẻ em, cần mua sữa chính hãng của các thương hiệu đảm bảo, không nên mua sữa bán theo ký.

Khi khui hộp sữa, thấy tình trạng đổi màu hay khi pha sữa cho trẻ em, nếm thử thấy có vị ngọt, khả năng sữa không đảm bảo chất lượng. Sữa bột của trẻ em sẽ nhạt như sữa mẹ.

Nếu uống phải sữa kém chất lượng, trẻ em có thể bị suy dinh dưỡng phù (mập nhưng thiếu vi chất), nguy cơ gây ra nhiều bệnh. Khi trẻ em uống sữa hay bị đầy bụng nên đưa đi khám. Nếu trẻ em uống chậm nên mua loại hộp nhỏ, không nên mua hộp lớn sử dụng trong thời gian quá lâu sẽ không đảm bảo trong khâu bảo quản.

BS TRƯƠNG HỮU KHANH, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh
BV Nhi đồng 1

Khó xác định triệu chứng ngộ độc cấp

Cũng theo BS Hùng, triệu chứng của ngộ độc cấp gần như khó xác định vì còn tùy vào nồng độ chất độc. Nếu nồng độ thấp, triệu chứng xuất hiện tuần tự. Nếu chất độc ở nồng độ cao có thể gây tử vong trong tích tắc.

“Triệu chứng chung của những người nghi ngộ độc sau khi uống sữa bột là khó thở, rối loạn nhịp mạch, sau đó tử vong. Theo kết quả giải phẫu bệnh của mẹ và em trai bệnh nhân T, các nạn nhân đều phù phổi, viêm cơ tim, tổn thương não. Triệu chứng hoàn toàn khác ngộ độc thuốc trừ sâu thông thường” - BS Hùng nói.

BS Hùng lưu ý: Khi bệnh nhân đang sinh hoạt bình thường, sau khi tiếp xúc với một chất gì đó trong bữa ăn hay một hóa chất, sự chuyển biến bất thường rất nhanh, phải nghĩ tới ngộ độc cấp.

“Lúc này không thể xử lý, sơ cứu theo cách thông thường. Bằng mọi cách phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, sớm nhất có thể. Đến BV càng sớm, khả năng giữ được tính mạng càng cao” - BS Hùng khuyến cáo.

Ngoài ra, mỗi chất độc sẽ có một tiêu điểm tấn công, tùy vào nồng độ độc. Trong tất cả bệnh lý ngộ độc, đặc biệt ngộ độc các độc chất nồng độ cao đều gây tổn thương đa tạng. Nếu can thiệp sớm, đúng cách, đầy đủ phương tiện có thể ngăn chặn các biến chứng, phục hồi gần như hoàn toàn. Nếu can thiệp trễ, biến chứng nặng sẽ dễ dẫn đến tử vong.

Hiện nay, vụ việc nghi ngộ độc sữa đang được công an điều tra. Có thông tin ban đầu là đã bắt được nghi phạm là thiếu niên 14 tuổi bỏ chất độc vào sữa làm cha và bà nội chết. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật nhật thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm