Từ vụ tử vong khi đi theo sư Minh Tuệ: Hết sức cân nhắc khi bộ hành, khổ hạnh!

(PLO)- Vụ việc một người đàn ông đi theo sư Minh Tuệ bị kiệt sức do sốc nhiệt, đột quỵ dẫn đến tử vong đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sức khỏe khi đi bộ hành.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, thông tin “1 người đi theo sư Minh Tuệ bị sốc nhiệt, tử vong” nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Cụ thể, tối 30-5, lãnh đạo Bệnh viện (BV) Trung ương Huế xác nhận, ông LTS (47 tuổi, ở TP.HCM) tử vong. Ông S là người đã đi theo sư Minh Tuệ, khi đến địa phận tỉnh Quảng Trị thì bị kiệt sức do sốc nhiệt, đột quỵ dẫn đến tử vong.

Ông S được chuyển từ BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị đến BV Trung ương Huế vào chiều cùng ngày trong trạng thái hôn mê sâu.

Trước những thông tin trên, PLO nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc về việc làm sao để đi bộ đúng cách, chế độ nghỉ ngơi, ăn uống ra sao?

Để giải đáp rõ hơn, ThS.BS CKII Nguyễn Duy Thạch, Giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, phụ trách Phòng khám Nội, Khu Điều trị Kỹ thuật cao, BV huyện Bình Chánh, TP.HCM, đã có những chia sẻ với PLO.

Những nhu cầu cần thiết giúp duy trì sự sống

BS Nguyễn Duy Thạch cho biết về khía cạnh y học, nhu cầu năng lượng cho cơ thể để đáp ứng hoạt động thể lực trung bình mỗi ngày khoảng 2.000-2.500 Kcal/ngày. Năng lượng này chủ yếu từ thức ăn, trong thức ăn có ba chất cung cấp năng lượng cho cơ thể là protein, lipid và glucid.

“Khẩu phần ăn hằng ngày vừa phải đảm bảo nhu cầu năng lượng vừa phải đủ thành phần các chất protein, lipid, glucid, vitamin, nước và khoáng chất. Cơ thể sử dụng nguồn năng lượng này cho các hoạt động cần thiết hằng ngày như: giúp duy trì hoạt động của tim, mạch máu; hoạt động của phổi, thận; hoạt động điều hòa giúp giữ nhiệt độ cơ thể ổn định, giúp tiêu hóa thức ăn, giúp con người vận động, đi lại…

Đây là những nhu cầu tối thiểu cần thiết giúp duy trì sự sống. Khi nguồn năng lượng này không được đảm bảo sẽ dẫn đến những rối loạn hoạt động của các hệ cơ quan trong cơ thể. Trước hết là hạ đường huyết với biểu hiện hồi hộp, cồn cào, cảm giác bất an, run tay, nặng hơn dẫn đến rối loạn ý thức như lơ mơ, hôn mê...” – BS Thạch nói và cho biết nguyên nhân có thể là do ăn không đủ lượng, không đủ chất, mất cân đối khẩu phần ăn...

Bên cạnh đó, nhiệt độ trung bình của con người là 36.6-37.1 độ C. Khi cơ thể ở trong môi trường quá nóng, ví dụ trên 55 độ C thì thân nhiệt sẽ bị rối loạn, dẫn đến rối loạn hoạt động của tất cả các cơ quan. Khi đó con người sẽ bị choáng váng, xây xẩm, đau đầu, khô miệng, tăng thân nhiệt, hồi hộp, buồn nôn, vọp bẻ. Thời gian kéo dài lâu sẽ dẫn đến lơ mơ, lú lẫn, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.

Sư minh tuệ.jpg
Nhiều người đi theo sư Minh Tuệ. Ảnh: Tổng hợp

Ngủ ngồi sai cách có thể ảnh hưởng đến cột sống

Trao đổi với PV, ThS-BS Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng TP.HCM cho biết về việc ngủ với tư thế nằm là tư thế giảm áp lực cho cột sống tốt nhất. Còn đối với những trường hợp ngồi hoặc đứng ngủ vẫn tạo ra những áp lực và thậm chí ngồi mà sai tư thế sẽ gây áp lực lớn lên cột sống.

“Thứ nhất, đối với những trường hợp ngồi trong tư thế thiền, chúng ta cần phải ngồi đúng tư thế. Còn nếu ngồi sai tư thế kéo dài và ngủ trong tư thế ngồi, thường chất lượng giấc ngủ của chúng ta sẽ không sâu.

Thứ hai, sai tư thế thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến cột sống và việc bị rối loạn giấc ngủ cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều lên huyết áp, đường huyết dẫn đến những rối loạn về tâm thần. Cho nên, đối với những người mà họ tu tập hoặc những người có phương pháp rèn luyện đúng thì trạng thái ngủ ngồi có thể ít ảnh hưởng. Còn đối với những người không biết cách thì thường nó sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi” – BS Hùng nói.

Messenger_creation_d2de2d38-5298-4635-8a50-3b965f35d907.jpeg
Ngồi cũng phải biết cách. Ảnh: MXH

Việc nhiều người dân hiếu kỳ đi theo những nhà sư bộ hành, sẽ khiến họ ít thời gian nghỉ ngơi. Bởi chúng ta biết khi một trạng thái khó chịu là một dạng stress và khi chúng ta stress thì cơ thể sẽ tiết ra những hormone như Cortisol và Adrenaline, gây ra những hiện tượng như viêm loét dạ dày, tăng huyết áp, tăng đường huyết hoặc nó gây ra những tổn thương lên một số cơ quan.

Ăn một bữa có đủ sức khỏe để tu tập?

Về việc khi những người đi bộ hành tu tập đột ngột chuyển qua ăn 1 bữa/ngày, tùy vào ngưỡng thích nghi của mỗi người, đối với dinh dưỡng cân bằng và dinh dưỡng y học thì trung bình mỗi ngày chúng ta nên ăn 3 bữa chính và tùy vào mỗi người thì có thể ăn 1 đến 2 bữa phụ.

Việc chuyển qua ăn một bữa, lúc này cơ thể chúng ta sẽ lấy những nguồn năng lượng dự trữ để sử dụng, tùy vào việc chúng ta dự trữ được bao nhiêu. Nếu như nguồn dự trữ này hết sẽ phát sinh ra những dấu hiệu về thiếu vi chất dẫn đến suy dinh dưỡng, suy kiệt, suy mòn.

“Một số người chuyển qua ăn một cử, giai đoạn đầu sẽ thấy cơ thể có khả năng thích nghi rất tốt. Tuy nhiên, về lâu dài, khả năng này sẽ bắt đầu giảm dần và có những người không thích nghi được. Đặc biệt là những người có bệnh lý nền.

Tôi không khuyến khích những người có bệnh lý nền hoặc khả năng điều tiết của họ không tốt, không nên đi theo hướng này” – BS Hùng đưa ra lời khuyên.

Yếu tố thời tiết, tâm lý ảnh hưởng ra sao?

Về yếu tố nắng, mưa khi đi bộ hành, như khi chúng ta đi dưới trời nắng, mồ hôi sẽ đổ ra và khi mất mồ hôi sẽ mất điện giải, gây rối loạn điện giải hoặc đối với nhiệt độ cao thì mạch máu chúng ta sẽ giãn ra. Những trường hợp có túi phình hoặc những người có vấn đề tim mạch có thể dẫn đến biến cố.

Còn đối với trường hợp trời mưa, lúc này cơ thể rất dễ bị nhiễm lạnh, đặc biệt những người đi bộ hành nắng, mưa thay đổi liên tục, đột ngột sẽ gây ra những rối loạn sức khỏe về sau.

Nói về yếu tố tâm lý, BS Hùng cho biết đây là yếu tố đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong những trường hợp khổ luyện hoặc trong những bối cảnh khắc nghiệt. Có nhiều trường hợp một thời gian rất dài, họ không ăn uống nhưng vẫn có thể tồn tại một khoảng thời gian rất lâu, đó là do khả năng tâm lý và sự thích nghi của cơ thể.

“Cho nên, tôi nghĩ việc nhiều người muốn thích nghi giống sư Minh Tuệ là không nhiều. Bởi hiện nay đã có những nghiên cứu cho thấy rằng, nếu chúng ta nhịn ăn, có uống nước thì 4 tuần sau cơ thể sẽ bị suy kiệt. Vì vậy, chúng ta phải hiểu rằng cơ thể chúng ta không phải là vô hạn. Do đó, chúng ta nên nương theo sức khỏe của mình, ví dụ mình cảm thấy bị mỏi mệt, cảm thấy bị viêm loét, trào ngược, chóng mặt…Hoặc những trường hợp cảm thấy cơ thể tới ngưỡng đau khớp, đau cơ, mà cứ tiếp tục thực hành, càng có chiều hướng xấu đi thì chúng ta nên dừng lại”, BS Hùng chia sẻ.

Xử trí những trường hợp say nóng

Cũng theo BS Thạch, việc đầu tiên khi phát hiện những trường hợp có những biểu hiện bất thường nghi ngờ do say nóng là thông báo cho mọi người xung quanh biết và cùng nhau hỗ trợ sơ cứu. Cần tránh tập trung quá đông quanh người bị say nóng để thông thoáng không khí, nhanh chóng gọi 115.

Một số bước sơ cứu tạm thời trong khi đợi nhân viên y tế đến:

  • Cho người bị say nóng nằm ngửa, đầu thấp, nếu có nôn ói thì cho nằm nghiêng sang trái để tránh chất nôn gây hít vào đường thở.
  • Nới lỏng quần áo, thắt lưng, khăn quàng cổ, cà vạt, nếu có nhiều lớp quần áo thì cởi bỏ các quần áo ngoài, để cơ thể thoáng khí với môi trường.
  • Có thể dùng khăn thấm nước mát lau mát ngoài da và quạt mát để làm giảm thân nhiệt tạm thời.
  • Vận chuyển người bị say nóng vào môi trường thoáng mát.
  • Trường hợp nặng nếu thấy không thở hoặc thở ngáp, nghe ngực không có tiếng tim thì cần thực hiện hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực.
  • Đặc biệt, trường hợp có đột quỵ não với biểu hiện rối loạn ý thức như lơ mơ, lú lẫn, hôn mê, méo miệng, yếu liệt tay chân thì cho bệnh nhân nằm chỗ thoáng mát, nằm nghiêng trái. Nếu có biểu hiện ngưng hô hấp tuần hoàn thì cũng thực hiện hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực như trên trong lúc đợi nhân viên y tế đến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm