Từ vụ vướng lao lý vì lấy vợ dưới 16 tuổi: Ai cũng phải biết luật

(PLO)- Không có bất kỳ quy định trực tiếp nào thể hiện rằng “Ai cũng phải biết luật”, thế nhưng để tránh rủi ro thì nắm luật là điều cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngoài những yếu tố xã hội và các mối quan hệ gia đình thì Nguyễn Tuấn Khanh ở Sóc Trăng trước khi sống đời vợ chồng với cô T cần tìm hiểu kỹ đối tác bằng việc xem xét mức độ trưởng thành, khả năng hiểu biết, sau đó là giấy tờ chứng minh năng lực hành vi dân sự của cô thì sẽ tránh được việc mất vợ và hậu quả đáng tiếc khác.

Vừa qua, vụ án Nguyễn Tuấn Khanh ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) vướng lao lý vì cưới nhầm vợ trẻ, chưa đủ 16 tuổi khiến dân tình bùng lên những luồng ý kiến trái ngược nhau. Khanh do không tìm hiểu kỹ tuổi của vợ, sau đó làm đám cưới, sống chung và kết quả là lãnh án tù giam vì tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Trong đắc nhân tâm, người ta thường nói với nhau rằng “Biết mình, biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nhưng trong một số trường hợp của cuộc sống, chỉ cần biết rõ “người” để đừng bị thua đau. “Người” ở đây là luật.

Mặc dù được hai gia đình đứng ra tổ chức đám cưới nhưng vì không biết cô dâu chưa đủ 16 tuổi nên sau đó chú rể Nguyễn Tuấn Khanh ở Sóc Trăng bị tù tội, Ảnh: NVCC

Mặc dù được hai gia đình đứng ra tổ chức đám cưới nhưng vì không biết cô dâu chưa đủ 16 tuổi nên sau đó chú rể Nguyễn Tuấn Khanh ở Sóc Trăng bị tù tội, Ảnh: NVCC

Tại nhiều phiên tòa, khi được hỏi về hành vi phạm tội, một số bị cáo đã khai rằng họ không biết hành vi của mình bị pháp luật nghiêm cấm, họ không biết hành vi đó phải chịu hình phạt nặng nề. Những lời khai này không quá xa lạ từ hoạt động tố tụng lẫn trong thực tế cuộc sống.

Không có bất kỳ quy định trực tiếp nào thể hiện rằng “Ai cũng phải biết luật” hoặc chữ nghĩa tương tự như thế. Tuy nhiên, Điều 46 Hiến pháp năm 2013 đã quy định công dân phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Khi một người sống, tham gia các mối quan hệ xã hội thì phải tuân thủ quy định pháp luật. Để đảm bảo tự do sinh sống và hoạt động theo pháp luật, công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm.

Thực tế cuộc sống, thỉnh thoảng chúng ta nghe những câu bàng quan kiểu như “Người không biết thì không có tội”. Thoạt nghe có vẻ đúng, người không biết như người vô can; không phải ai cũng biết các quy định pháp luật; khi biết rồi không chắc có thể hiểu hết được các quy định pháp luật đó. Thậm chí những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật có lúc cũng bối rối trước những quy định bất ngờ, tréo ngoe. Với những người không có nhiều cơ hội tìm hiểu và áp dụng thì việc tiếp cận, hiểu được luật lại càng khó khăn.

Chúng ta thừa nhận những bất cập này và cảm thông cho những hành vi của những người vô tình vướng vào pháp luật. Thừa nhận bất cập và cảm thông trước những thiệt thòi, oái oăm chính là trắc ẩn và rất đời.

Còn pháp luật thì công bằng với tất cả. Bởi vì pháp luật có tính quy phạm phổ biến, tính bắt buộc chung và tính rõ ràng, chặt chẽ về hình thức ban hành. Theo đó, khi một người đạt đến độ tuổi được pháp luật quy định, có đầy đủ năng lực nhận thức về pháp luật thì mặc nhiên được suy đoán đọc hiểu luật đã được ban hành phổ biến trước đó.

Thời gian qua, tại nhiều phiên tòa, nhiều lời khai của các bị cáo hồn nhiên đến mức khiến dân tình dậy sóng như: “Tôi không biết nhận quà là vi phạm pháp luật”; “Tôi không biết lên mạng chì chiết người khác là vi phạm pháp luật”…

Vậy làm thế nào để biết rõ hành vi nào là hợp lệ, hành vi nào là vi phạm? Hãy tìm hiểu kỹ để nắm vững những quy định, quy tắc và pháp luật liên quan đến lĩnh vực mà chúng ta hoạt động. Nếu không tự mình hiểu được thì cần có sự trợ giúp pháp lý của các đơn vị, tổ chức hoặc các chuyên gia về luật.

Thực tế cho thấy không ai không hiểu về vấn đề mình đang làm mà có thể làm đúng và hiệu quả. Thế nên, khi làm việc chung cần phải tìm hiểu đối tác. Trong hợp tác, buôn bán kinh doanh, hiểu đối tác để tránh mất tiền, mất bạn và mất cơ hội làm ăn. Trong quan hệ tình cảm, hôn nhân gia đình, cần tìm hiểu đối tác trước khi tiến tới mối quan hệ sâu sắc hơn, kết hôn và thực hiện các chức năng của một gia đình.

Chẳng hạn, ngoài những yếu tố xã hội và các mối quan hệ gia đình thì Nguyễn Tuấn Khanh ở Sóc Trăng trước khi sống đời vợ chồng với cô T cần phải biết rõ độ tuổi của cô, bắt đầu bằng việc xem xét mức độ trưởng thành, khả năng hiểu biết của cô, sau đó là giấy tờ chứng minh năng lực hành vi dân sự của cô thì sẽ tránh được việc mất vợ và mất cả một phần đời đáng tiếc của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm