Từ vụ xe cứu hỏa, cần sửa luật về quyền ưu tiên

Theo Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 (GTĐB), xe cứu hỏa khi làm nhiệm vụ là loại xe được quyền ưu tiên số một. Xe cứu hỏa khi đi làm nhiệm vụ không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông… Tuy nhiên, qua vụ tai nạn trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ (Hà Nội) giữa xe cứu hỏa và xe khách hôm 18-3, nhiều ý kiến cho rằng cần phải sửa luật để quy định hợp lý hơn và cụ thể hơn về quyền ưu tiên của một số loại xe, nhất là trên đường cao tốc, để tránh những tai nạn thảm khốc có thể xảy ra.

Ngược chiều cao tốc: Quá nguy hiểm

Luật sư Nguyễn Thành Công, Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật, cho rằng quyền ưu tiên không có giới hạn và không có hướng dẫn cụ thể chính là bất cập liên quan đến quản lý, vận hành và khai thác đường cao tốc. “Luật GTĐB được soạn thảo và ban hành trong khoảng thời gian 2008, đây là thời điểm Việt Nam chưa có tuyến đường cao tốc nào mà phải đến năm 2010 mới hoàn thành tuyến đường cao tốc đầu tiên. Vì lý do đó, các quy định về vận hành, sử dụng đường cao tốc trong Luật GTĐB chưa tiếp thu được những vấn đề thực tiễn, còn tồn tại, phát sinh nhiều điểm bất cập và đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến vụ việc như trên” - ông phân tích.

Theo luật sư Công, cho dù Luật GTĐB quy định xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều thì việc chạy ngược chiều trên đường cao tốc là quá nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cả xe ưu tiên và các loại phương tiện khác. “Trong thời gian tới, Luật GTĐB trong lĩnh vực quản lý và vận hành đường cao tốc cần phải có những điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn trong hơn tám năm sử dụng và khai thác đường cao tốc nhằm tránh được những sự việc đáng tiếc như trên xảy ra” - ông kiến nghị.

Một số luật sư khác khi phát biểu trên Pháp Luật TP.HCM như luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM), luật sư Nguyễn Thế Tân (Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh) cũng cho rằng không nên cho xe ưu tiên chạy ngược chiều trên cao tốc bởi nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao. “Từ vụ tai nạn trên, tôi cho rằng nên sửa đổi Điều 22 Luật GTĐB 2008 thành: “Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 điều này khi đi làm nhiệm vụ […] được phép đi vào đường ngược chiều trừ đường cao tốc […]”” - luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói.

Xe cứu hỏa trên đường làm nhiệm vụ ở TP.HCM. Ảnh: MINH ANH

Cần nghiên cứu sửa luật

Trả lời về việc có nên điều chỉnh quy định quyền ưu tiên một số loại xe trong Luật GTĐB, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT, cho rằng quyền ưu tiên của một số xe và giao thông trên đường cao tốc đã được quy định trong Luật GTĐB. Còn vụ việc cụ thể vừa diễn ra giữa xe khách và xe cứu hỏa phải đợi cơ quan điều tra xem xét, kết luận.

Đối với các nội dung kiến nghị sửa đổi theo hướng xe ưu tiên đi vào đường cao tốc phải có lực lượng CSGT phân luồng, hoặc loại bỏ quyền đi ngược chiều vào đường cao tốc của các xe ưu tiên…, bà Nga cho rằng những vấn đề này cần được thảo luận và đánh giá tác động cụ thể trong quá trình sửa Luật GTĐB 2008 sắp tới. “Việc sửa đổi các điều khoản của luật đều phải được đưa ra xem xét, thảo luận kỹ và lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên cơ sở đánh giá thực tiễn triển khai các quy định đó” - bà Nga khẳng định.

Liên quan đến vấn đề này, một thành viên ban soạn thảo xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GTĐB, cho biết khi Luật GTĐB ra đời chưa có cao tốc nên nhiều vấn đề không được đặt ra. Vụ việc vừa qua cho thấy cần phải điều chỉnh một số quy định đối với xe ưu tiên nhằm phù hợp với thực tiễn. Hướng sửa, cần phải nghiên cứu quy định các nước trên thế giới, các chuyên gia, từ đó bàn bạc để có quy định phù hợp.

“Chúng ta có thể xem xét hình thành các điểm mở kỹ thuật (chỉ dành cho xe chuyên dụng) trên cao tốc hoặc phải có lực lượng CSGT phân luồng… Còn nếu đi ngược chiều trên cao tốc dù có còi hú, xe dẫn đường… cũng rất nguy hiểm vì các xe đều chạy với tốc độ cao” - vị này cho biết.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần phải rà soát và nghiên cứu việc cho phép chạy ngược chiều trên đường cao tốc sao cho phù hợp. Theo đó, xe ưu tiên không thể chạy trên bất cứ đường nào, phải cân nhắc giữa yếu tố có thể có lợi cho một vụ việc nhưng lại dẫn tới nguy cơ tang thương hơn cho số đông. “Chạy ngược chiều trên đường cao tốc là vô cùng nguy hiểm, bởi các tài xế luôn chạy trong tinh thần khẩn trương, tốc độ cao và tận dụng lợi thế của cao tốc, do đó chỉ cần một tích tắc hoặc yếu tố tác động (mưa gió, khuất tầm nhìn…) thì hậu quả vô cùng tàn khốc” - ông Nhưỡng nhận định.

Lái xe cứu hỏa rất áp lực

Trong quá trình làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, việc vượt đèn đỏ hoặc đi ngược chiều là điều thường xuyên đối với lực lượng cảnh sát PCCC.

Nguy hiểm rình rập ngay từ khi chúng tôi xuất xe khỏi đơn vị. Lái xe cứu hỏa cũng rất căng thẳng và áp lực, phải vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông cũng như chính các cán bộ, chiến sĩ trên xe, vừa làm sao đến nơi nhanh nhất. Chúng tôi luôn mong muốn đến hiện trường càng sớm càng tốt, nếu mất quá nhiều thời gian để đến hiện trường, khi đó sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Để đi ngược chiều, xe cứu hỏa phải sử dụng tất cả thiết bị trên xe như còi hú, loa, đèn ưu tiên nhằm thông báo cho các phương tiện xung quanh. Tuy nhiên, có những trường hợp dù đã bật còi ưu tiên và phát loa báo cho người đi đường nhưng do mật độ xe và ý thức người tham gia giao thông, nhiều người không nhường, thậm chí vượt lên tạt đầu.

Thiếu úy PHÙNG XUÂN TRƯỜNG, chuyên trách lái xe cứu hỏa của Phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC Hà Nội)

Luôn cẩn trọng khi thực hiện quyền ưu tiên

Xe cấp cứu cũng như xe cứu hỏa, chúng tôi đều được sử dụng quyền ưu tiên theo như luật đã quy định. Tuy vậy, cũng luôn phải chú ý, cẩn trọng để đảm bảo an toàn.

Vì được quyền ưu tiên nên trong các trường hợp khẩn cấp, xe cứu hỏa, xe cứu thương hoặc tương tự sẽ chạy với tốc độ cao, do vậy phải đặc biệt chú ý quan sát. Cùng với đó, các phương án thông báo như còi, đèn, loa,… cũng phải được sử dụng đúng quy định nhằm thông báo cho người đi đường.

Trước tiên phải đảm bảo an toàn cho bản thân và người trên xe, nếu đi cứu người mà lại xảy ra tai nạn là điều vô cùng đáng tiếc.

Tài xế xe cấp cứu của một bệnh viện lớn ở Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm