Tự ý lấy thông tin cá nhân của dân tạo tài khoản ngân hàng bị xử lý ra sao?

(PLO)- Theo luật sư, trường hợp tự ý lấy thông tin cá nhân của người khác để tạo tài khoản ngân hàng là vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân và sẽ bị xử phạt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã đưa tin, hôm qua (9-8) hàng trăm người dân tại Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị đã đến trụ sở Đội quản lý Điện Lao Bảo (thị trấn Lao Bảo) để phản ánh việc bị nhân viên bưu điện có mặt tại trụ sở Đội quản lý Điện tự ý lấy thông tin mở tài khoản ngân hàng.

Điều này đặt ra vấn đề pháp lý về trách nhiệm của những người liên quan trong việc tự ý lấy thông tin của người dân.

Người dân tập trung tại Đội quản lý Điện Lao Bảo để phản ánh sự việc. Ảnh: BT

Người dân tập trung tại Đội quản lý Điện Lao Bảo để phản ánh sự việc. Ảnh: BT

Về vấn đề này, theo Luật sư Trần Thị Thanh Thảo (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc nhân viên bưu điện tự ý sử dụng thông tin của người dân để làm tài khoản ngân hàng đã vi phạm quy định về sự tự nguyện khi tham gia giao dịch dân sự của khách hàng.

Điều 117 BLDS quy định giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Trong trường hợp này, nhân viên bưu điện tự ý lấy thông tin của người dân khi chưa được sự đồng ý nên giao dịch để xác lập nên tài khoản ngân hàng sẽ vô hiệu theo Điều 122 BLDS.

Do đó, về nguyên tắc thì các tài khoản ngân hàng đã đăng ký sẽ bị hủy bỏ theo quy định tại Điều 131 BLDS về giải quyết hậu quả pháp lý của một giao dịch dân sự vô hiệu.

Nói thêm về trách nhiệm của bên sử dụng thông tin cá nhân khi chưa được phép, LS Trần Minh Hùng (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do cá nhân, quyền nhân thân của mọi công dân.

Việc sử dụng thông tin cá nhân của người khác phải được người đó đồng ý, nếu sử dụng trái phép thông tin mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác mà không được người có thông tin hình ảnh đồng ý thì phải gỡ bỏ; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bị khởi kiện.

Cụ thể, Điều 84 Nghị định 15/2020 (sửa đổi bổ sung bởi Khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022) quy định hành vi thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó; cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp là vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân.

Người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Ngoài ra, phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối hành vi sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân...

Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với tổ chức có hành vi vi phạm, cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Theo LS Hùng, trong vụ việc này, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định việc các nhân viên lấy thông tin của người dân là chủ ý cá nhân hay làm việc theo chỉ đạo của tổ chức để quyết định xử phạt cá nhân hay tổ chức theo các mức phạt tương ứng nêu trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm