Luật và đời

Khi thông tin cá nhân thành món hàng mua bán

(PLO)- Việc lộ lọt, mua bán thông tin cá nhân hiện nay như “trăm hoa đua nở” mà như bộ trưởng Bộ Công an thừa nhận là “rất đáng báo động”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một tuần trước khi nhà mạng thông báo về việc đăng ký, xác minh SIM chính chủ, tôi “vinh dự” được nhận hai cuộc gọi đe dọa “2 giờ nữa sẽ bị khóa SIM”.

Với chiêu bài hỗ trợ người dùng, chúng hỏi tôi số CCCD. Tôi cười: “Số CCCD của tôi là ngày sinh tháng đẻ của bạn”. Biết không lừa được, chúng chửi bâng quơ và cúp máy.

Các bị cáo trong vụ án đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông mà TAND TP Hà Nội vừa xét xử. Ảnh: XT

Các bị cáo trong vụ án đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông mà TAND TP Hà Nội vừa xét xử. Ảnh: XT

Ai có điện thoại cũng từng trải qua cảnh đang mơ màng chợp mắt hay đang căng đầu cho công việc, họp hành, chạy xe… thì nhận được cuộc gọi từ số lạ hoắc. Nội dung có khi là thông báo chuyện con cái, người thân bị tai nạn; đang dính líu vào một vụ án hình sự; có biên bản vi phạm giao thông; có gói bưu phẩm đang ở bưu điện; vừa trúng thưởng một chương trình khuyến mãi… Hoặc có khi là giọng oanh vàng mời đầu tư nhà đất, mua bảo hiểm, mở thẻ tín dụng, cho vay và hầm bà lằng nội dung trên trời dưới đất khác.

Chúng ta không tránh khỏi băn khoăn: Vì sao nó có số của mình; vì sao nó biết cả số CMND/CCCD, ngày tháng năm sinh, quê quán và thậm chí cả những người thân của mình?

Đừng nghĩ chỉ mỗi nhà mạng là nơi làm lộ, lọt thông tin, bởi thực tế những vụ án đã được công an khám phá, chỉ ra rằng có hàng tá “nguồn” thông tin cá nhân bị lộ, lọt. Từ ngân hàng, cơ quan bảo hiểm, cơ quan quản lý giáo dục, bệnh viện, hàng không đến những khách sạn, cao ốc - những nơi mà ta phải trình CCCD và để lại số điện thoại mới được bước chân vào.

Chưa hết, với sự không cẩn trọng của người dùng mạng xã hội thì đây cũng là nguồn “ngồn ngộn thông tin cá nhân” cho kẻ xấu, các đơn vị kinh doanh bảo hiểm, cò đất khai thác. Đó là chưa kể các hacker tìm cách tấn công vào các cơ quan, đơn vị để lọc lấy các thông tin mà chúng cần và hàng triệu thông tin cá nhân thành món hàng mua bán, trao đổi trong các nhóm kín… Có thể nói việc lộ, lọt, mua bán thông tin cá nhân hiện nay như “trăm hoa đua nở” mà như bộ trưởng Bộ Công an thừa nhận là “rất đáng báo động”.

Trên diễn đàn Quốc hội đã có nhiều cảnh báo và mới đây nhất, ngày 17-3, khi bàn về việc tích hợp các thông tin BHXH, bảo hiểm y tế, tài khoản ngân hàng, lý lịch tư pháp… vào CCCD, các đại biểu một lần nữa lại nêu sự lo ngại về việc bị lộ, lọt thông tin cá nhân. Lo ngại này là có căn cứ, bởi lẽ khi đã tích hợp thì rất nhiều ngành, cơ quan, người sử dụng các thông tin trong đó nhưng các biện pháp ngăn việc lộ, lọt dù chặt đến đâu cũng khó đảm bảo 100% an toàn.

Nói như vậy không có nghĩa là cơ quan quản lý thả nổi mà đã có hàng loạt biện pháp kỹ thuật, pháp lý để quản lý, ràng buộc, chế tài với hành vi mua bán, sử dụng trái phép thông tin cá nhân, bí mật cá nhân. Nó có đầy đủ trong các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định 14/2022, Bộ luật Hình sự và các quy định khác. Tùy vào mức độ mà người vi phạm phải gánh chịu các chế tài tương ứng. Và hiện nay, Bộ Công an cũng đang xây dựng hành lang pháp lý cho việc bảo vệ dữ liệu cá nhân này.

Đó là mặt pháp lý, còn biện pháp kỹ thuật thì Bộ TT&TT, Cục An ninh mạng, các nhà mạng cũng có nhiều biện pháp kỹ thuật như tiếp nhận thông tin về cuộc gọi rác, tin nhắn rác để có biện pháp xử lý. Mới nhất là Cục Viễn thông, Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng chuẩn hóa thông tin thuê bao (xác định “thuê bao chính chủ”) với biện pháp mạnh là sẽ cắt chiều gọi đi sau ngày 31-3 và sẽ khóa hai chiều theo lộ trình để hạn chế những cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.

Nhưng dù cơ quan quản lý có sử dụng bao nhiêu biện pháp, áp dụng chế tài nghiêm khắc đến đâu đi nữa thì những kẻ xấu, lừa đảo vẫn bằng cách nào đó sẽ có được thông tin mà chúng cần và chúng sẽ thay đổi nhiều thủ đoạn, phương thức để đưa người khác vào tròng. Vì vậy, điều tối quan trọng mà mỗi cá nhân phải tự bảo vệ mình bằng việc trang bị kiến thức nhất định về an toàn trên không gian mạng, không gian số để tránh những cái bẫy lừa đảo mà kẻ xấu đánh vào lòng tham, vào nỗi sợ hãi của mỗi chúng ta.

Khi nhận những cuộc gọi xưng là từ các cơ quan tố tụng, chúng ta cứ thẳng thừng từ chối vì biết chắc rằng cơ quan tố tụng không làm việc với đương sự qua điện thoại. Còn với những cuộc gọi thông báo về việc có một số hàng, số tiền “tự nhiên rơi trúng đầu” thì cứ lịch sự bảo bọn lừa đảo “cứ giữ mà xài”. Chúng ta cũng đừng tin vào chuyện chỉ bấm like, thả tim trên mạng mà mỗi ngày kiếm cả triệu đồng. Bởi nếu có việc “thơm” như thế thì… họ đã giữ hết rồi chứ không đợi tới lượt mình!

Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái số nên việc tích hợp thông tin cá nhân sẽ chứa rất nhiều dữ liệu thuộc bí mật quan trọng của cá nhân (BHXH, bảo hiểm y tế, tài khoản ngân hàng, lý lịch tư pháp, giấy phép lái xe…), đây là “mỏ vàng” mà kẻ xấu, bọn tội phạm thèm khát. Vì vậy, một hành lang pháp lý chặt chẽ, biện pháp kỹ thuật đủ mạnh cũng như tự mỗi người trang bị cho mình kiến thức nhất định để ứng xử thích hợp trong thời đại 4.0 là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm