Theo RT, đài truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin một tàu chở hàng mang cờ Thổ Nhĩ Kỳ được đặt tên ACT đã bị các tàu tuần duyên Hy Lạp nã súng ở biển Aegean hôm 3-7. Khi đó tàu ACT đang trên đường chở hàng hóa được chất lên từ cảng Iskenderun (Thổ Nhĩ Kỳ) đến vịnh Izmit trên biển Marmara.
Trong thời điểm ở trên biển Aegean, tàu của lực lượng tuần duyên Hy Lạp đã tiếp cận ACT và yêu cầu tàu hàng này cập cảng trên đảo Rhodes (Hy Lạp) để tiến hành kiểm tra. Nhưng thuyền trưởng ACT dường như đã phớt lờ yêu cầu này do vậy lực lượng tuần duyên Hy Lạp quyết định nổ súng.
Tàu của lực lượng tuần duyên Hy Lạp trở về sau cuộc tuần tra đảo Kos hồi năm 2015. Ảnh: AFP
Thủy thủ tàu ACT cho biết họ phát hiện 16 lỗ đạn trên thân tàu sau vụ việc. Không có báo cáo về thương vong và tàu ACT tiếp tục hải trình của mình. Sau đó hai tàu của lực lượng tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ đã đến hiện trường vụ việc trên.
Thuyền trưởng tàu ACT Sami Kalkavan xác nhận đã không làm theo yêu cầu của lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp. Ông này cũng không tiết lộ loại hàng hóa mà tàu ACT vận chuyển là gì và tại sao ông không để cho tàu được kiểm tra.
Trong khi đó, lực lượng tuần duyên Hy Lạp trong một thông báo khẳng định chỉ bắn súng cảnh cáo khi tàu chở hàng ACT từ chối hợp tác trước khi quay trở lại lãnh hải Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau vụ việc, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3-7 lên án kịch liệt hành động của phía Athens và nói: “Không có lý lẽ nào để biện minh việc bắn vào một tàu thương mại không có vũ khí đang chở hàng đi và đến hai cảng của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều an ủi duy nhất là không ai thiệt mạng hay bị thương trong vụ việc”.
Tuyên bố còn nêu rõ Ankara lên án hành động kể trên của lực lượng tuần duyên Hy Lạp, thực hiện mà không đếm xỉa tới tính mạng con người - vốn là quyền cơ bản nhất. Bộ này còn khẳng định việc báo cáo cộng đồng quốc tế về hành động của Hy Lạp là cần thiết để đảm bảo rằng sự việc tương tự sẽ không xảy ra.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp vốn căng thẳng nhiều thập niên qua khi hai nước láng giềng này từng đụng độ vì Cyprus năm 1974. Athens và Ankara cũng đã trên bờ vực một cuộc xung đột khác liên quan tới một hòn đảo hoang trên biển Aegean năm 1996.
Hy Lạp nói rằng họ đã ghi nhận hàng ngàn vụ xâm phạm không phận của chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ hằng năm, cũng như hàng loạt các vụ xâm phạm của tàu nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh hải Hy Lạp.
Athens cũng từ chối trao trả tám sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc tham gia âm mưu đảo chính tại Ankara hồi năm ngoái. Cuộc trưng cầu dân ý gần đây để mở rộng quyền lực cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng được cho là thêm dầu vào lửa. Quân đội Hy Lạp tuyên bố rằng họ sẵn sàng đáp trả bất cứ sự gây hấn nào bởi đó là cách họ bảo vệ hòa bình.