Theo đó, hội nghị sẽ giới thiệu tổng quan về dự án, một số cơ chế trong quá trình sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư, đánh giá môi trường đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 10-5, tại cuộc kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phải giám sát chặt chẽ, đôn đốc các Ban Quản lý dự án thực hiện đúng kế hoạch.
Hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang được một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Theo Bộ GTVT, đến 20-5 sẽ bàn giao toàn bộ cọc giải phóng mặt bằng 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 1) cho các địa phương. Phấn đấu trong tháng 7 đến tháng 10-2019 sẽ khởi công ba gói thầu đầu tiên của dự án sử dụng vốn đầu tư công là cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Cao Bồ - Mai Sơn và đường dẫn cầu Mỹ Thuận 2. “Riêng gói thầu cầu chính cầu Mỹ Thuận 2 do yêu cầu kỹ thuật phức tạp sẽ khởi công vào đầu năm 2020”, Bộ trưởng Bộ GTVT nói.
Đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, đến nay các Ban quản lý dự án đã phát toàn bộ hồ sơ mời sơ tuyển. Tháng 8-2019 hoàn thành công tác sơ tuyển nhà đầu tư.
Đại diện Vụ Đối tác công tư (PPP), cho biết trong hồ sơ mời sơ tuyển, để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. Trong đó, mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu là 60% tổng số điểm (60 điểm) và điểm đánh giá từng nội dung yêu cầu cơ bản tối thiểu là 50% điểm tối đa của nội dung đó.
Rút kinh nghiệm từ các dự án PPP trước đây, Vụ PPP cho rằng năng lực về tài chính có vai trò quyết định đến sự thành công của dự án. Do vậy, trong hồ sơ mời sơ tuyển, Bộ GTVT xây dựng với các mức điểm như sau:
- Năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm);
- Năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 30% tổng số điểm (30 điểm)
- Phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 10% tổng số điểm (10 điểm).