Trong tờ trình gửi Chính phủ về nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Bộ GTVT đưa ra ba kịch bản phát triển hệ thống đường sắt.
Xây dựng tuyến mới
Theo Bộ GTVT, kịch bản thứ nhất, nâng cấp tối ưu hóa năng lực đường đơn hiện tại (năng lực 50 tàu/ngày đêm, tốc độ khai thác 70 km/giờ). Kịch bản hai, nâng cấp đường đơn hiện tại (khổ 1.000 mm) lên đường đôi - khổ 1.435 mm, khai thác chung tàu khách và tàu hàng (năng lực 170 tàu/ngày đêm, tốc độ tối đa 200 km/giờ). Kịch bản ba, nâng cấp tối ưu hóa năng lực đường đơn hiện tại và kết hợp xây dựng riêng tuyến mới để khai thác riêng tàu khách với định hướng tốc độ thiết kế 350 km/giờ (tốc độ khai thác tối đa 320 km/giờ).
Qua nghiên cứu, phân tích, đánh giá các kịch bản cho thấy việc nâng cấp tối ưu hóa năng lực đường đơn hiện tại chỉ đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn trước mắt (2025-2030). Hơn nữa, nếu nâng cấp thành tuyến có quy mô đường đôi - khổ 1.435 mm để khai thác tốc độ cao sẽ gặp nhiều thách thức do việc cải tạo tuyến cũ với tiêu chuẩn kỹ thuật thấp nên gần như xây mới. Ngoài ra, chi phí giải phóng mặt bằng lớn do tuyến hiện tại hành lang bị xâm chiếm, đi qua nhiều khu vực đô thị, thi công xây dựng với thời gian dài (khoảng 23 năm) và ảnh hưởng đến khai thác đường sắt hiện tại.
Bên cạnh đó, việc tổ chức khai thác chung tàu khách và tàu hàng với sự chênh lệch cao về tốc độ sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hiệu quả không cao và đặc biệt kịch bản này cũng sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu trong tương lai. Đồng thời không phù hợp với xu thế phát triển của các nước trên thế giới.
“Trên cơ sở phân tích các phương án đầu tư và tham khảo kinh nghiệm phát triển đường sắt của các nước trên thế giới, chúng tôi đề xuất lựa chọn kịch bản ba. Cụ thể, nâng cấp tối ưu hóa năng lực đường đơn của tuyến đường sắt hiện hữu để khai thác vận tải hàng hóa và hành khách địa phương, đồng thời xây dựng riêng tuyến mới khai thác tàu khách, tốc độ thiết kế 350 km/giờ…” - Bộ GTVT thông tin.
Bộ GTVT cho rằng dự án sẽ có những tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống xã hội. Ảnh: V.LONG
Hai phương án xây dựng
Trong tờ trình Chính phủ, Bộ GTVT cũng cho biết dự án có mức đầu tư lớn nên việc phân kỳ đầu tư để huy động được các nguồn vốn là hết sức quan trọng. Theo đó, Bộ GTVT đưa ra hai phương án.
Thứ nhất, phân kỳ theo chiều dọc. Tức đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng đường sắt Bắc-Nam theo tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao (350 km/giờ) nhưng chưa điện khí hóa. Sau khi hoàn thành hạ tầng sẽ mua sắm đoàn tàu diesel để khai thác riêng tàu khách trên toàn tuyến với vận tốc khai thác tối đa 150 km/giờ. Giai đoạn 2 (dự kiến 2032-2050), tiến hành điện khí hóa, nâng cấp hệ thống thông tin tín hiệu, mua sắm đoàn tàu tốc độ cao thay thế tàu diesel để khai thác trên toàn tuyến.
Thứ hai, phân kỳ đầu tư theo chiều ngang, đầu tư hoàn chỉnh và khai thác đồng bộ đường sắt tốc độ cao trên từng đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 (2020-2032), nghiên cứu đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM. Giai đoạn 2 (dự kiến 2032-2050) đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang.
“Qua phân tích về khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang, khả năng huy động các nguồn lực đầu tư, hiệu quả đầu tư dự án cũng như sự phù hợp với quy hoạch liên quan, chúng tôi đề xuất phương án phân kỳ đầu tư theo chiều ngang. Nói là phân thành hai giai đoạn nhưng thực chất đây là một quá trình đầu tư liên tục…” - Bộ GTVT lý giải.
Về nguồn vốn, báo cáo nghiên cứu đề xuất Nhà nước đầu tư khoảng 80%, vốn tư nhân khoảng 20% tổng mức đầu tư (trong đó tư nhân sẽ mua sắm đoàn tàu và một số thiết bị; chịu trách nhiệm vận hành khai thác, duy tu, bảo dưỡng và trả phí thuê hạ tầng). Bộ GTVT cho biết theo phân tích của đơn vị tư vấn tỉ lệ này mang lại tính khả thi về hiệu quả tài chính.
Bộ GTVT cũng phân tích nếu trường hợp sử dụng 100% vốn trong nước, giá trị đầu tư hằng năm trong giai đoạn 1 tối đa chiếm 0,7% GDP và giai đoạn 2 tối đa 0,55% GDP. “Còn nếu trường hợp đi vay 100%, với tình hình sử dụng và mức trả nợ công hiện nay của Chính phủ, dự án không làm vượt trần nợ công 65% GDP theo quy định trong suốt cả hai giai đoạn đầu tư…” - Bộ GTVT phân tích thêm.
Bộ GTVT cho rằng dự án sẽ có những tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế đất nước.
“Đặc biệt, giúp tái cấu trúc đô thị và phân bổ lại dân cư, thiết lập hài hòa giữa các phương thức vận tải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như tai nạn giao thông và đặc biệt giảm chi phí logistics, phát triển du lịch dịch vụ...” - Bộ GTVT khẳng định.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có tổng chiều dài dự án khoảng 1.559 km, chạy dọc hành lang Bắc-Nam, đi qua 20 tỉnh với điểm đầu là ga Hà Nội, điểm cuối là ga Thủ Thiêm. Dự kiến tổng mức đầu tư 58,71 tỉ USD (1,3 triệu tỉ đồng). Chính phủ dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp tháng 10-2019. Trường hợp báo cáo tiền khả thi dự án được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT sẽ triển khai chuẩn bị nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng từ năm 2020 đến 2025. Triển khai xây dựng từ năm 2026, dự kiến đưa vào khai thác đoạn ưu tiên từ năm 2032; tiếp tục triển khai xây dựng các đoạn còn lại từ năm 2035, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2050. Dự án do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT-CTCP (TEDI), thành viên đứng đầu liên danh thực hiện. |