Việc đưa ra thị trường được 48.400 lượng vàng SJC thông qua biện pháp đấu thầu cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nỗ lực tiếp tục can thiệp và ổn định thị trường vàng. Trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, PGS.TS Phạm Công Hiệp, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng hiệu quả của các phiên đấu thầu cần được theo dõi sát sao để đánh giá và điều chỉnh kịp thời các chính sách nếu cần.
Cần cái nhìn dài hạn để đánh giá chính xác
. Ông đánh giá thế nào qua việc dù đã có 9 phiên đấu thầu với 48.400 lượng vàng SJC đưa ra thị trường, NHNN vẫn chưa thể kéo giảm chênh lệch giá vàng?
+ PGS.TS Phạm Công Hiệp: Việc đánh giá hiệu quả của các phiên đấu thầu vàng của NHNN cần được xem xét trong một bối cảnh rộng hơn và không chỉ dựa vào những kết quả tức thời. Chúng ta cần xem xét đến một số yếu tố khách quan.
Đầu tiên là mục tiêu của cuộc đấu thầu này. Mục tiêu của NHNN khi tổ chức các phiên đấu thầu vàng là nhằm ổn định thị trường, giảm chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, những mục tiêu này không thể đạt được ngay lập tức mà cần thời gian để các biện pháp phát huy hiệu quả.
Tiếp theo đó là biến động của thị trường thế giới. Giá vàng thế giới cũng đang trong xu hướng tăng do các yếu tố như lạm phát toàn cầu, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn và tình hình địa chính trị bất ổn. Điều này đã tạo áp lực lên giá vàng trong nước khiến NHNN phải nỗ lực lớn hơn để ổn định thị trường.
Dù các phiên đấu thầu vàng đã giúp tăng cung và phần nào ổn định giá vàng trong nước, nhưng những kết quả này chưa đủ mạnh để giảm chênh lệch giá vàng một cách đáng kể. Sự biến động giá vàng trong thời gian gần đây cho thấy thị trường cần thêm các biện pháp hỗ trợ và điều chỉnh linh hoạt hơn từ NHNN.
Việc đánh giá hiệu quả của các phiên đấu thầu cần có cái nhìn dài hạn. Dù trong ngắn hạn, chênh lệch giá và mức giá cao vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn nhưng trong dài hạn, các biện pháp của NHNN có thể sẽ giúp ổn định thị trường nếu được thực hiện đồng bộ và liên tục.
. Nhưng nhiều người thắc mắc vì sao càng đấu thầu vàng thì giá vàng SJC càng tăng, vậy lý do là gì?
+ Việc NHNN tổ chức các phiên đấu thầu vàng nhằm tăng cung và ổn định giá vàng theo lý thuyết cung cầu là một biện pháp hợp lý. Giá của hàng hóa, trong trường hợp này là vàng, được xác định bởi sự cân bằng giữa cung và cầu. Khi lượng cung tăng, giá vàng có thể giảm nếu các yếu tố khác không đổi.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy giá vàng SJC vẫn tăng cao dù NHNN đã cung ứng thêm 48.400 lượng vàng (tương đương 1,8 tấn vàng) qua 9 phiên đấu thầu. Điều này có thể được giải thích bởi một số nguyên nhân chính.
Thứ nhất, nhu cầu vàng ở Việt Nam vẫn rất cao do người dân và nhà đầu tư coi vàng như một tài sản an toàn trong bối cảnh kinh tế bất ổn và lạm phát gia tăng. Khi nhu cầu cao, việc tăng cung từ NHNN chỉ có tác dụng giảm nhẹ áp lực tăng giá chứ không thể kéo giá giảm mạnh.
Thứ hai, tâm lý tích trữ vàng của người dân càng làm tăng cầu. Khi thấy giá vàng tăng, họ có xu hướng mua nhiều hơn để tránh mất giá trị tiền tệ, tạo ra vòng xoáy tăng giá.
Thứ ba, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn cao do các yếu tố như thuế, chi phí nhập khẩu và các chi phí khác, khiến giá vàng trong nước khó giảm ngay dù có sự can thiệp từ NHNN.
Ngoài ra, hành vi đầu cơ của một số nhà đầu tư lớn có thể gây ra tác động tiêu cực đến giá vàng. Những nhà đầu tư này tham gia đấu thầu để mua số lượng lớn vàng và giữ lại, tạo ra sự khan hiếm giả tạo trên thị trường, từ đó đẩy giá lên cao.
Tóm lại, mặc dù NHNN đã nỗ lực thông qua các phiên đấu thầu để ổn định thị trường vàng nhưng giá vàng SJC vẫn tăng do nhu cầu cao, tâm lý thị trường phức tạp và các yếu tố đầu cơ. Để giải quyết vấn đề này, cần có một chiến lược phối hợp nhiều biện pháp khác nhau như kiểm soát đầu cơ, tăng cường truyền thông và điều chỉnh lãi suất hợp lý để hỗ trợ các biện pháp đấu thầu vàng.
Để kéo giảm giá vàng
. Tỉ giá, lãi suất và lạm phát phải chăng là cú ngáng đường khiến NHNN không dám đưa giá vàng SJC về sát giá vàng thế giới nhằm mục tiêu hạ giá vàng trong nước, kéo chênh lệch khoảng cách?
+ Tỉ giá, lãi suất và lạm phát đều là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc điều chỉnh giá vàng trong nước của NHNN.
Trước hết, tỉ giá đô la Mỹ ảnh hưởng trực tiếp đến giá vàng. Khi tỉ giá đô la Mỹ tăng, giá vàng trong nước cũng có xu hướng tăng do tăng chi phí nhập khẩu. Việc điều chỉnh tỉ giá không chỉ liên quan đến thị trường vàng mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Do đó, NHNN cần cân nhắc kỹ lưỡng khi can thiệp vào tỉ giá để tránh áp lực tăng giá vàng.
Trong thời gian qua, tỉ giá đô la Mỹ liên tục lập đỉnh và đó là một trong những nguyên nhân gây áp lực tăng giá đối với thị trường vàng.
Lãi suất là một yếu tố quan trọng khác. Khi lãi suất cao, chi phí vay mượn tăng lên, làm giảm lượng tiền đầu tư vào các tài sản như vàng, dẫn đến giá vàng có thể giảm. Ngược lại, khi lãi suất giảm, chi phí vay tiền để mua vàng cũng giảm theo. Điều này làm cho vàng trở nên hấp dẫn hơn khi đầu tư, làm tăng nhu cầu và đẩy giá cao hơn.
Trong thời gian qua, chúng ta nhận thấy NHNN đã tiến hành chủ trương giảm lãi suất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Chủ trương này cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giá vàng tăng cao. NHNN phải điều chỉnh lãi suất một cách thận trọng để không làm ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát.
Lạm phát lại có tác động kép đến giá vàng. Khi lạm phát tăng, giá trị tiền tệ giảm, người dân thường tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn, làm tăng cầu và đẩy giá vàng lên cao. Việc kiểm soát lạm phát đòi hỏi NHNN phải có các biện pháp kinh tế vĩ mô mạnh mẽ và đôi khi phải chấp nhận những điều chỉnh không thuận lợi cho thị trường vàng ngắn hạn.
Chính vì các yếu tố phức tạp và liên quan chặt chẽ này, NHNN chưa thể đưa giá vàng SJC về sát giá vàng thế giới mà không gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế. NHNN phải cân nhắc giữa việc ổn định giá vàng và duy trì sự ổn định của toàn bộ nền kinh tế. Do đó, việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn tồn tại là kết quả của nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô phức tạp.
. Theo ông để đấu thầu vàng có hiệu quả cần có thêm giải pháp nào?
+ NHNN có thể cần áp dụng thêm các biện pháp khác như điều chỉnh lãi suất, kiểm soát dòng tiền và tăng cường thanh tra để ngăn chặn tình trạng đầu cơ tích trữ. Đồng thời, tăng cường truyền thông để giúp người dân hiểu rõ hơn về tình hình thị trường và các biện pháp đang được áp dụng.
Đấu thầu cung cấp vàng có cả tác động tích cực và tiềm ẩn rủi ro. Về mặt tích cực, các phiên đấu thầu vàng giúp tăng cung vàng ra thị trường, giảm bớt tình trạng khan hiếm và ổn định giá vàng trong ngắn hạn. Việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thông qua đấu thầu giúp cân bằng cung cầu và hạn chế đầu cơ.
Đồng thời, việc NHNN liên tục can thiệp và điều chỉnh qua các phiên đấu thầu thể hiện sự chủ động trong quản lý thị trường. Từ đó có thể tăng cường niềm tin của nhà đầu tư và người dân vào sự ổn định và minh bạch của thị trường vàng.
Ngược lại, nếu các phiên đấu thầu không được quản lý tốt hoặc nếu thị trường phản ứng thái quá có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ tích trữ, tạo ra các biến động giá không mong muốn, làm cho thị trường trở nên rối ren hơn.
Ngoài ra, các biện pháp can thiệp như đấu thầu vàng có thể không mang lại hiệu quả như mong đợi nếu không đi kèm với các biện pháp hỗ trợ khác như kiểm soát lạm phát và điều chỉnh lãi suất, dẫn đến việc giá vàng tiếp tục biến động mạnh.
Việc đấu giá vàng của NHNN chỉ là giải pháp tạm thời và cần giải pháp dài hạn để quản lý. Đề nghị cần sớm bỏ độc quyền vàng miếng và nhập khẩu vàng của NHNN, đồng thời sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 theo hướng cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của NHNN.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)