Mới đây, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) trả lời báo chí về vấn đề giá vàng bên lề kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khoá XV.
Theo đó, ông An cho rằng, nếu cần thiết hoàn toàn cấm kinh doanh vàng miếng. Vì không thể để vàng miếng là công cụ tích trữ, mà sẽ ảnh hưởng đến tỉ giá, điều hành vĩ mô.
Theo các chuyên gia, thời gian vừa qua, giá vàng SJC tăng mạnh đã có tác động đến tỉ giá. Các cơ quan chức năng phải vào cuộc để bình ổn thị trường vàng.
Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tục đấu thầu vàng SJC nhằm tăng nguồn cung vàng SJC ra thị trường, qua đó dập tắt sự đầu cơ vàng.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận, giá vàng SJC còn bị tác động bởi tâm lý người dân, ảnh hưởng giá vàng thế giới.
Vấn đề tỉ giá sẽ phụ thuộc vào nội lực nền kinh tế, cũng như chịu các tác động đến từ bên ngoài như chính sách lãi suất của Mỹ, căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, nếu đổ hết cho vàng gây tác động đến tỉ giá là hoàn toàn không chính xác.
Nếu cho rằng vàng gây tác động đến tỉ giá, điều hành kinh tế vĩ mô để đưa ra đề xuất cấm kinh doanh vàng miếng thì cần nghiên cứu cẩn trọng.
Vàng vốn là tài sản tích trữ giá trị rất lâu đời không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới.
Nếu biện pháp này diễn ra, ngay lập tức, giá trị vàng miếng SJC mà người dân sở hữu hợp pháp mất thanh khoản, đồng nghĩa mất hết giá trị.
Ai sẽ đền bù cho người dân vấn đề này trong khi trước đây họ mua vàng miếng SJC do chính Ngân hàng Nhà nước là đơn vị độc quyền nắm quyền quản lý, sản xuất và kinh doanh.
Điều này sẽ gây ảnh hưởng niềm tin của người dân. Điểm tiếp theo sẽ kích hoạt một thị trường giao dịch ngầm, vốn càng khó kiểm soát, gây nhiều thiệt hại cho người sở hữu vàng.
Chưa kể cấm vàng miếng còn khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm một tài sản có đủ khả năng bảo vệ tài sản của họ trước các biến động rủi ro. Vì vàng được xem là kênh trú ẩn an toàn trước các biến động kinh tế.
Một tác động không mong muốn khác là khi cấm kinh doanh vàng miếng thì Ngân hàng Nhà nước cũng mất luôn tính chính danh trên thương hiệu vàng miếng SJC có được từ Nghị định 24/2012.
Một chuyên gia cho rằng, việc cấm kinh doanh vàng miếng cũng đem lại những tác động tích cực như cơ quan chức năng không phải vất vả chạy theo bình ổn thị trường vàng, kiểm soát tốt hơn nguồn ngoại tệ khi hạn chế hoạt động giao dịch vàng miếng cũng như khuyến khích người dân đầu tư vào các kênh chính thống như chứng khoán, bất động sản, và góp phần phát triển thị trường tài chính.
Mặc dù có các lợi ích như kể trên nhưng vẫn cần đánh giá rất kỹ lưỡng các tác động của vấn đề cấm kinh doanh vàng miếng
Thực tế, ý kiến cấm kinh doanh vàng miếng đã xuất hiện từ năm 2011, thời điểm thị trường vàng có nhiều biến động lớn.
Thời điểm đó, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cũng đã nêu quan điểm, cấm kinh doanh vàng miếng sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý, gây tốn kém chi phí xã hội, không kiểm soát được chất lượng vàng và gây thiệt thòi cho người dân. Ngoài ra, cấm kinh doanh vàng miếng chưa chắc đã khiến người dân bán vàng cho Nhà nước.