Công an tỉnh Thanh Hóa đang điều tra làm rõ những thông tin lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến Phó Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng, đồng thời truy tìm người tung tin, vu khống lãnh đạo để xử lý nghiêm theo pháp luật.
Nội dung vụ việc như sau: Chiều tối 19-3, tài khoản mạng xã hội Facebook có tên “Son Thai” đã tung thông tin, hình ảnh và tin nhắn với nội dung cho rằng ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, có “bồ nhí”. Các hình ảnh, số điện thoại được cho là của ông Đỗ Trọng Hưng kèm những tin nhắn qua lại với một “hot girl”. Các tin nhắn có nhắc đến những dữ kiện xảy ra có liên quan đến nội bộ của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua, tên một số lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và những chuyện riêng tư giữa “hot girl” với ông Hưng.
Tuy nhiên, sau đó cô gái bị nhắc đến trong tin nhắn cũng đã làm đơn đề nghị cơ quan công an điều tra đối tượng tung tin đồn mà cô khẳng định là dựng chuyện, vu khống trắng trợn.
Chiều 21-3, tại cuộc họp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Hưng cho rằng tin đồn trên là hoàn toàn bịa đặt, vu khống. Ông đề nghị cơ quan công an khẩn trương điều tra, làm rõ. Nếu cần, cơ quan công an có thể trích xuất toàn bộ tin nhắn (đi và đến) từ số điện thoại của ông từ năm 2014 đến nay (thời điểm mà tin đồn ngầm nhắc đến) để điều tra, đối chứng, làm rõ việc ông có “bồ nhí” và có vi phạm nguyên tắc làm việc hay không.
Cô gái bị gán là “bồ nhí” ông Đỗ Trọng Hưng đã đề nghị công an vào cuộc.
Pháp luật đã đầy đủ để chế tài
Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định theo thông tin trên mạng thì việc đưa lên mạng dùng hình ảnh cá nhân, người có chức vụ, quyền hạn với lời lẽ như vậy là xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của họ. Nếu qua điều tra xác định các thông tin là bịa đặt, ngụy tạo thì với yêu cầu khởi tố vụ án của bị hại, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, theo thông tin lan truyền trên mạng, hành vi của người thông tin sai sự thật còn liên quan đến việc vu khống mua, chạy chức quyền nên hành vi này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 BLHS 2015.
Nếu chưa tới mức xử lý hình sự thì có thể xử lý hành chính đối với người có hành vi cung cấp nội dung sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân...
Cần phải xử lý nghiêm
Theo luật sư Nghĩa, quy định về xử lý đối với hành vi này đã tương đối đầy đủ, cả pháp luật hành chính và hình sự, kể cả việc bồi thường thiệt hại cũng đã được quy định tại Điều 584, 585 BLDS 2015. “Dĩ nhiên, để xác định, thu thập các chứng cứ trên Internet, Facebook... rồi xác định đối tượng tung tin để tố cáo, hoặc chứng minh yêu cầu bồi thường thiệt hại là rất khó và phải cần có sự hỗ trợ của cơ quan điều tra công nghệ cao” - luật sư Nghĩa nói.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hồng, Đoàn Luật sư TP.HCM, đối tượng tung tin đồn quan chức có “bồ” lên mạng xã hội rõ ràng có dụng ý không chỉ nhằm vào nhân phẩm, danh dự, uy tín mà còn là hạnh phúc, sự nghiệp của người này. “Theo thống kê, hiện đã có 64 triệu tài khoản mạng xã hội Facebook tại Việt Nam. Nếu không có những xử lý thật nghiêm khắc, kịp thời thì sẽ có nhiều người có nguy cơ bị xâm hại đến danh dự, nhân phẩm như trường hợp này. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, xử lý kịp thời để tránh những phiền phức và rắc rối kéo dài cho người bị thiệt hại nói riêng và cho xã hội nói chung” - luật sư Hồng đề nghị.
Phải chờ công an điều tra • Vụ việc này công an chưa có kết luận chính thức. Những thông tin xuất hiện trên mạng xem như một nguồn tin tố giác tội phạm. Khi xác định được thông tin do ai đăng, tính chất, mức độ nguy hiểm ra sao thì mới xác định được hành vi có thể xử lý hình sự hay hành chính, dân sự. Theo đó, muốn xử lý hình sự thì phải tuân thủ đầy đủ các dấu hiệu trong yếu tố cấu thành tội phạm. Việc đầu tiên là phải truy ra người tung tin đồn. Tiếp đó, cơ quan chức năng phải xét đến động cơ, mục đích người tung tin đồn cũng như mức độ nghiêm trọng, hậu quả của hành vi người đó gây ra. Cũng cần lưu ý, theo Điều 8 BLHS 2015 thì có những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác. Một thẩm phán TAND TP.HCM • Nếu xác định được chính xác người tung tin sai sự thật và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 156 BLHS năm 2015, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Hành vi ở đây là bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác… • Người phạm tội sẽ bị phạt tù từ một năm đến ba năm nếu sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội... Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm… Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn LS TPHCM |