Vợ chồng phải nói chuyện được với nhau. Vì sau thời gian dài chung sống, cuối đời khi tuổi già ập đến, những ái ân mặn nồng nhạt phai, người ta vẫn níu giữ nhau bằng những buổi trò chuyện tâm đầu ý hợp, chồng tung vợ hứng. Nếu chẳng còn có thể nói chuyện với nhau được nữa, sợi dây tình cảm sẽ dần lỏng lẻo, đứt rời.
Nói với bà ấy, thà tôi nói với cái đầu gối...
Là lời của bác Sáu Lê, 72 tuổi, nhà ở chung cư Giai Việt (Q.8). Ba người con của bác đều là bác sĩ, thuận theo ý cha, mua cho cha mẹ mỗi người một căn hộ đối diện nhau. Dịp hè, lễ tết, con cái đưa cha mẹ đi du lịch cũng phải thuê cho ông, bà mỗi người một phòng khách sạn.
“Tôi muốn chia tay bà ấy từ khi còn trẻ, nhưng mỗi lần đề cập chuyện này, bà ấy lại lên cơn đau tim. Thế rồi cứ lần lữa mãi mà lỡ hết cả đời người. Giờ các con đã lớn, tôi muốn sống cho mình. Chúng ngại có cha mẹ ra tòa ly hôn, ừ thì thôi, tôi chiều các con. Nhưng sống chung thì tôi không thể. Thời gian tôi đâu còn bao nhiêu, tôi không muốn mình phải sống khổ sở với một người mình chẳng còn tình cảm”.
Gia đình ông bà Thuận Viễn cũng có hoàn cảnh tương tự. Nhà có điều kiện về kinh tế, nên ông ở lại căn nhà ở Q.Tân Bình, bà dời về sống ở Q.2. “Chỉ thương con cái, dịp cuối tuần, tết nhứt, phải rồng rắn đi thăm cha mẹ mỗi người một hướng. Nhưng mọi chuyện cứ dồn nén, giờ thấy bà ấy làm gì tôi cũng không ưng nổi. Nhà tắm thì lúc nào cũng lấp xấp nước. Đèn đóm bật khắp trong ngoài. Quần áo thì bỏ giặt liên tục, nhiều khi mới mặc năm phút cũng thay ra bỏ vào máy giặt. Khi tôi họp đại gia đình, thông báo cho các con ý định muốn chia tay, chúng đã khóc. Các con năn nỉ tôi đừng làm lớn chuyện, chúng không còn mặt mũi nào nhìn đồng nghiệp, bà con. Tôi đồng ý. Thôi thì cũng không quan trọng gì một tờ giấy chấp thuận ly hôn của tòa án. Nhưng cuộc đời thật của tôi thì phải có sự phân ly rõ ràng. Tôi không còn thiết tha duy trì một vỏ bọc khi thực tâm chẳng còn tình cảm. Xưa, lấy nhau vì chiều ý ông bà cụ thân sinh. Thời gian dần bào mòn những nỗ lực, cố gắng, nên xế chiều tôi muốn được giải thoát. Cả tôi và bà ấy có thể thanh thản sống theo ý mình, không còn phải chịu đựng lẫn nhau quá mệt mỏi, như sống trong địa ngục!”.
Ông bà Tâm Đa chỉ có một con gái là giáo viên, để con không phải khó xử với gia đình chồng, ông bà tự thu xếp, người sống dưới nhà, người sống trên gác. Không nói động đến nhau, cuộc đời ai nấy sống. “Ban đầu tôi cũng khổ tâm lắm. Nhưng cha mẹ đã quyết, tôi còn biết làm gì…”, chị Thu Loan, con gái ông bà tâm sự.
Chị kể, cha mẹ xưa giờ cũng thường cắn đắng nhau, nhưng chị chỉ nghĩ là chuyện nhỏ, bát đĩa trong sóng còn khua mà... Chị không ngờ những mâu thuẫn, bất mãn, ngày qua ngày cứ in dấu lên cuộc sống của mỗi người, gột mãi không phai. Làm người ở giữa, ai chị cũng thương, biết bênh ai bỏ ai, nên chị đành ngậm ngùi chấp nhận cuộc sống tuổi xế chiều của cha mẹ cô đơn, quạnh quẽ.
Nồi cơm điện nhỏ xíu, mỗi người tự nấu. Cha còn khỏe, nên mỗi tuần nhờ xe ôm chở ra siêu thị gần nhà mua thức ăn. Mẹ yếu hơn, ngày ngày đợi những người bán hàng dạo đẩy chiếc xe đạp bán mớ rau, con cá, quả trứng, miếng thịt… ngang nhà, lụm cụm ra mua một tí rồi đem vào xào xào nấu nấu.
“Tôi không biết cuộc sống hiện tại của cha mẹ có được vui vẻ hơn, hài lòng hơn hay không. Nhưng nhìn cảnh hai cụ, leo lét như ngọn đèn trước gió, thui thủi một mình, trong khi chỉ cần quờ tay sang đã chạm vào nhau, bỗng thấy nhói lòng. Mà nào phải đâu người xa lạ. Dẫu gì cũng đã từng chung chăn gối, mặn nồng một thuở…”, chị Loan cảm thán.
Ảnh minh họa
70 tuổi còn đưa nhau ra tòa ly hôn
Trong buổi họp mặt gia đình, nhiều người ý kiến to nhỏ: đã sống được với nhau từng tuổi này, sao không cố chịu thêm chút nữa. Đẹp đẽ gì mà đưa nhau ra tòa, làm trò cười cho thiên hạ. Bà Linh, 73 tuổi, móm mém quẹt nước mắt: “Bây nói nghe dễ...". Quay qua ông, bà nhỏ nhẹ: "Chính vì ở từng tuổi này, nên tui không còn chút sức lực nào nữa. Tui muốn được giải thoát. Tui muốn có những ngày ít ỏi cuối cùng sống cho ra sống”.
Ông Minh, chồng bà thì ậm ừ: “Tui sao cũng được. Ly thì ly, ở thì ở”. Thật ra, cuộc sống hàng ngày của ông bà cũng như hai người ở trọ chung nhà. Nhưng ông thì giống ông chủ. Về đến nhà có bà phục vụ việc giặt giũ, cơm bưng nước rót. Rồi ông lại đến nhà những cô nhân tình. “30 tết, cúng giao thừa xong, là ổng thay đồ, dắt xe, huýt sáo. Đi miết đến mùng Ba mới lò dò về. Tui không chịu nổi cuộc sống giả tạo này nữa. Ai cười thì cười, miễn tui không phải khóc nữa là được”.
Bà Linh dứt khoát tuyên bố. Con cháu ngẩn ngơ. Bởi ai cũng quen nhìn thấy những điều bà kể từ năm này qua tháng nọ. Dần những điều bất thường cũng hóa bình thường. Họ sửng sốt vì phản ứng quyết liệt của bà cụ. Khuyên can mãi không thông, vậy là con cháu chia nhau - người chở ông, kẻ chở bà ra tòa án Q.Thủ Đức để làm thủ tục ly hôn.
Mẫu số chung của những cặp đôi chia tay nhau tuổi xế chiều là sức chịu đựng đã cạn. Ngày trước, có thể vì ái ân phủ lấp những bất đồng. Bên cạnh đó là bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm: sống vì con. Rồi thì bao hệ lụy - biết ăn nói sao trước miệng đời, họ hàng, đồng nghiệp… Bao phân vân, suy tính khiến các cặp đôi thỏa hiệp một cuộc sống chung tạm bỏ qua tiêu chí hạnh phúc.
Nhưng mỗi người là một tiểu vũ trụ. Sự hòa hợp rất khó khăn, nếu không được đặt trên tiêu chuẩn hàng đầu là tình yêu. Sông còn cạn, đá còn mòn, con người yếu đuối thế kia, sao có thể chịu đựng mãi năm này qua tháng nọ. Nên thời điểm tuổi già – khi con cái đã lớn khôn, yên bề gia thất, nhìn lại bản thân chẳng còn mấy thời gian, nhiều người thường giật mình. Cái giật mình ấy mạnh mẽ đến nỗi đủ sức đưa ra những quyết định mà họ thường chần chừ, lần lữa khi còn trẻ.
Có lẽ chính vì vậy mà tỉ lệ hòa giải thành công dành cho đối tượng trên 60 tuổi thường rất ít. Họ quyết liệt tìm một sự giải thoát, một cuộc sống thanh thản tuổi già.
Người già tựa trẻ con. Muốn gì làm nấy, nghĩ sao nói vậy. Họ dốc hết chút sức lực còn sót lại để mạnh mẽ gạt phăng mặt nạ hôn nhân. Dũng cảm vượt qua ý muốn nương nhờ người khác sớm hôm, lúc trái gió trở trời, nhắc nhau uống viên thuốc, nấu cho nhau chén cháo. Vì họ cảm thấy cái giá phải trả cho mối quan hệ hôn nhân quá đắt.
Dứt khoát phải buông tay. Để sống một ngày cho ra sống…
Theo Khánh Thủy (PNO)