Ngày 5-12, Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) cho biết nơi đây vừa phẫu thuật tái tạo lưỡi cho bệnh nhân bị ung thư lưỡi, có hạch di căn dưới hàm phải.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho biết bệnh nhân là ông NVP (64 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đau nhiều, nói khó không rõ tiếng.
Khai thác tiền sử, người nhà bệnh nhân cho hay cách nhập viện 6 tháng, ông P phát hiện có vết loét vùng lưỡi phải, đau nhói. Tuy nhiên, ông P nghĩ là loét do nhiệt miệng nên tự mua thuốc uống, nhưng không đỡ.
Vết loét ngày càng lớn, cứng dần và dễ chảy máu, khiến ông P ăn uống rất khó khăn, chỉ có thể uống nước và sữa.
Cách nhập viện 2 tuần, bệnh nhân đau nhiều nên người nhà đưa đi khám bệnh. Lúc này, khối u ở lưỡi đã to, dính xuống sàn miệng rất đau khiến bệnh nhân nói khó, không rõ tiếng.
Tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, bệnh nhân được sinh thiết khối u, có kết quả Carcinoma tế bào gai sừng hoá, biệt hoá vừa của lưỡi, bác sĩ chỉ định nhập viện.
Qua thăm khám, làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có u ở thân lưỡi phải, kích thước 4x3 cm, nhiễm cứng, lồi lõm không đều, loét, dễ chảy máu, nhiều giả mạc, xâm lấn dính vào sàn miệng.
Lưỡi bị hạn chế vận động, làm bệnh nhân nuốt khó và nói không rõ, rất bất tiện trong sinh hoạt. Thêm nữa, bệnh nhân có hạch di căn dưới hàm phải, kích thước 7 mm, hình tròn, bờ trơn láng, mật độ chắc, không dính da, ấn không đau.
Trước tình trạng trên, các bác sĩ đã chỉ định cắt toàn bộ lưỡi, nạo hạch cổ, tái tạo lưỡi bằng vạt cơ ngực lớn.
Sau mổ, bệnh nhân được rút khai khí đạo, được tập nuốt, tập phát âm. Hiện bệnh nhân đã ăn được sữa, khả năng nói đã phục hồi 50%, vết mổ lành tốt, giảm đau.
Bác sĩ Tiến cho hay phẫu thuật tái tạo lưỡi bằng vạt cơ có cuống mạch, giúp cho bệnh nhân phục hồi khả năng nói và nuốt, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư lưỡi thường khá mờ nhạt và dễ bị bỏ qua, việc phát hiện sớm bệnh có ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị. Do vậy, khi gặp bất cứ triệu chứng bất thường nào ở lưỡi, má, hoặc vị trí nào vùng khoang miệng… người dân cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Những người có nguy cơ cao mắc ung thư lưỡi (trên 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc, uống rượu, người có thói quen quan hệ tình dục không an toàn...) cần thường xuyên tầm soát ung thư nhằm phát hiện sớm bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa 2 LÝ VŨ VĂN, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Trãi