NHỮNG “ÔNG NGHỊ” CỦA DÂN - BÀI 5

Tướng Thước - người “bạo miệng”

Sinh năm 1926, tham gia cách mạng khi mới 19, 20 tuổi, đánh Pháp, đuổi Nhật, chống Mỹ; tới thời bình, ông lại làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chiến đấu không khoan nhượng với thói quan liêu, xa rời dân, kém năng lực và dối trá.

Nói “tiếng của dân”

“Ba khóa, 15 năm, tôi về quê Nghệ An, đi đâu dân người ta cũng đồng tình với tôi. Nhưng tôi biết nhiều lãnh đạo tỉnh không ưng tôi. Có lần có người nhắc tôi phải phát biểu theo nghị quyết, theo Đảng. Tôi bảo thẳng: “Đúng, tôi theo Đảng nhưng tôi là đại biểu của dân thì tôi cũng phải nói lên ý kiến dân chứ. Có những cái Đảng quyết chưa đúng mà dân nói thì tôi phải lên tiếng để dân còn bàn chứ””.

Hỏi ông Thước có bị “gò” bao giờ chưa, ông cười khà khà: “Tôi ở bên quân đội, xét cương vị của tôi thì “các ông ở tỉnh” chưa dám vỗ vai nhắc nhở. Nhưng “dặn dò” tôi thì nhiều lắm.

Cũng trong khóa IX, có lần một lãnh đạo than không điều khiển được cấp dưới. Ngay lập tức ông Thước lên tiếng: “Nếu anh mà không điều khiển nổi cấp dưới thì anh từ chức đi. Như tôi làm tư lệnh Quân khu IV, tôi đã ra lệnh thì người dưới phải chấp hành. Nếu không chấp hành thì hoặc anh ta đúng, tôi sai, tôi phải nghỉ; hoặc anh ta sai, tôi đúng, anh ta phải nghỉ”.

Lần Quốc hội bàn về dự án mở rộng cảng Cái Lân, ông Thước được biết các nhà khoa học đã phản đối việc đánh mìn dưới nước để mở cảng. Tuy nhiên, một vị bộ trưởng lại phản hồi rằng khoa học công nghệ giờ đã tiến bộ, có thể đánh mìn mà không làm ảnh hưởng gì tới môi trường sinh thái. Ông Thước đứng dậy, gay gắt: “Thời chiến, chúng tôi ném có một quả lựu đạn mà cá chết nổi đầy sông, cả trung đội bộ đội ăn không hết. Cá chết một ít thì sau đó cả đàn sẽ không vào vùng nước ấy nữa đâu, con vật nó biết chỗ nào nguy hiểm để nó tránh chứ. Thế mà nay anh lại nói đánh mìn hàng tấn không làm chết cá, không ảnh hưởng môi trường. Anh qua mặt ai chứ không qua mặt tôi được đâu”.

Tướng Thước - người “bạo miệng” ảnh 1

Đấu tranh hoàn vốn cho dân trong điện nông thôn

Câu chuyện đánh mìn mở rộng cảng Cái Lân đó, sau này không được nhắc lại nữa. Mọi chuyện vẫn diễn ra. Cũng không ai tiến hành đo đạc xem cá có chết hay không, chết nhiều hay ít, môi trường bị ảnh hưởng thế nào. Ông Thước có phần cay đắng: “Gần 10 năm qua rồi, Quốc hội khóa ấy cũng xong rồi. Bao nhiêu vụ việc đã trôi qua là xong hết!”.

Ông Thước thừa nhận ông chất vấn nhiều, mạnh mẽ, thẳng thắn nhưng kết quả đạt được không bao nhiêu. Ông chỉ thấy hài lòng với một việc cụ thể, là đấu tranh để Chính phủ hoàn vốn cho những người dân đầu tư vào lưới điện nông thôn.

Hồi đó vấn đề “trả tiền cho người làm điện nông thôn” khá căng thẳng, kéo dài tới hai nhiệm kỳ Quốc hội. Nó xuất phát từ việc thời bao cấp, nhiều người dân đã tự bỏ tiền đầu tư vào điện nông thôn và khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường thì có tình trạng “Tổng Công ty Điện lực kiếm lời mà vốn thì do dân bỏ ra”. Ông Thước đấu tranh đòi hoàn vốn cho người đầu tư, phía điện lực phản bác theo kiểu: “Chúng tôi không có tiền. Bây giờ ai không thích, không ưng thì gỡ hết lưới điện ra, chúng tôi tự làm”. Đại biểu Nguyễn Quốc Thước rất giận dữ: “Nói như vậy thì là thách đố dân à? Gỡ ra để dân không còn điện mà dùng à?”.

Năm 2001, vào phiên họp cuối cùng của khóa IX, ông đã đặt thẳng câu hỏi với Thủ tướng Phan Văn Khải: “Đề nghị đồng chí Thủ tướng trả lời dứt khoát, trả tiền hay không trả tiền? Chúng ta đừng để dân mất lòng tin”. Và câu trả lời của ông Khải là: “Chính phủ dứt khoát sẽ trả, cái gì dân bỏ ra thì phải trả lại cho dân”.

Lập trường của Đảng và lợi ích của dân

Sau khóa X, ông Thước nghỉ hưu ở một ngôi nhà trên đường Bưởi (Hà Nội). Về hưu đã gần 10 năm, ngày ngày chăm sóc người vợ đau ốm, ông vẫn không ngừng theo dõi thời sự, thỉnh thoảng lại bảo cháu in bài vở trên mạng ra cho ông đọc. Và cùng với nhiều tướng lĩnh, cựu chiến binh, ông thường xuyên gửi thư, kiến nghị, đóng góp ý kiến cho Đảng và Nhà nước.

Hỏi ông làm ĐBQH bây giờ khó hơn hay dễ hơn ngày trước, ông bảo dễ hơn nhiều vì dân chủ mở rộng rồi, đại biểu không còn phải chịu đủ loại sức ép, không bị áp đặt như xưa nữa. Trầm ngâm một lát rồi ông giải thích, cũng phải hiểu cho chính quyền địa phương và ĐBQH các khóa trước. Thời bao cấp, cơ chế tập trung, xin-cho rất nặng nề, mọi chương trình ngân sách tỉnh đều do trung ương duyệt. Ông kể, trong tỉnh ủy từng có vị giám đốc sở công nghiệp, trẻ và có năng lực. Khi ông khuyên vị này có ý kiến về một vấn đề mà “ai cũng thấy nhưng không ai dám lên tiếng”, anh ta trần tình: “Bác ơi, bác nói thế thì được chứ em mà mở miệng ra thì ngày mai, “trên” không cho chương trình, dự án, không cấp ngân sách nữa là tỉnh… chết luôn”.

Cái khó ấy bây giờ vẫn tồn tại, dù cơ chế phi tập trung hóa đã cho phép địa phương được tự chủ nhiều hơn. Nhưng theo ông Thước, người ta vẫn phải sợ một cái gì đấy, ít nhất cũng là mối quan hệ tình cảm trên dưới. Từ đây dẫn đến việc “làm gì có ông chủ tịch, ông bí thư kiêm ĐBQH nào chất vấn Chính phủ cho ra trò đâu”. Cho nên phải tăng cường đại biểu chuyên trách là vì thế. Ông Thước cũng cho rằng việc đại biểu không dám phát biểu vì không hiểu biết về một vấn đề nào đó thật ra không đáng lo bằng việc biết nhiều mà im lặng không nói.

Ông tâm sự: “Có nhiều đại biểu hỏi tôi: “Bác ở quân đội mà sao lĩnh vực nào bác cũng biết cả?”. Tôi nói thế này, gần suốt cả đời tôi chỉ có đi đánh giặc, thời bình mới làm đại biểu. Dân người ta thấy tôi có trách nhiệm đối với họ nên có việc gì họ cũng tìm đến tôi, cung cấp thông tin cho tôi để tôi nghiên cứu mà phát biểu. Cho nên làm ĐBQH là phải có bản lĩnh và tính chiến đấu, mà cái quan trọng nhất là phải xuất phát từ lập trường của Đảng, vì lợi ích của dân. Có thế thì mới đứng vững được”.

“Cự” nhau với tướng “hổ lửa”

Một đồng đội của ông kể rằng khi còn ở chiến trường, đã có lần ông “cự” lại tướng Vũ Lăng, một vị tướng tài nhưng tính nóng như lửa. Vào khoảng năm 1963, tại chiến trường Bình Trị Thiên, đơn vị ông được lệnh tiêu diệt một cứ điểm mạnh của địch. Trận đầu, do thiếu thông tin và công tác chuẩn bị chưa chu đáo nên ta thất bại khá nặng nề. Trận sau, để thật chắc chắn, tướng Vũ Lăng cử ông xuống thực địa để trực tiếp xem xét địa hình, tổ chức trận đánh.

Tướng Thước - người “bạo miệng” ảnh 2

Xong việc, ông vừa về chưa kịp báo cáo thì tướng Vũ Lăng xộc đến, mặt đỏ gay đỏ gắt quát: “Tại sao cậu bỏ về? Cậu sợ chết à? Tôi sẽ cách chức cậu”.

Một không khí yên lặng bao trùm lên tất cả những người có mặt. Ông đứng bật dậy, rành rọt từng tiếng: “Tôi đã làm tất cả những việc anh giao và các đơn vị cũng đã sẵn sàng chiến đấu. Nửa giờ nữa, bộ đội sẽ nổ súng. Tôi cần nói thêm rằng anh là tư lệnh, tôi là trưởng ban tác chiến. Nếu anh không dùng, tôi sẽ đi đơn vị khác chiến đấu. Anh nạt ai thì nạt chứ không nạt được tôi đâu”.

Vừa lúc đó, anh em ở dưới đơn vị điện lên xin chỉ thị. Tướng Vũ Lăng cầm điện thoại trao đổi thấy tất cả đều đúng như ông báo cáo. Trận đó quân ta thắng giòn giã. Buổi tối, ông Lăng tìm đến chỗ ông xin lỗi, rồi lôi bình rượu quốc lủi ra, hai anh em cùng uống. Rượu nửa chừng, ông mới nói: “Anh làm thế là xúc phạm tôi. Tôi chưa bao giờ và không bao giờ là thằng lính đầu hàng, bỏ chạy”. Từ đó, tướng Vũ Lăng coi ông thân thiết như anh em.

(Theo Dân Trí)

ĐOAN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm