Trong các kỳ họp HĐND ở các tỉnh/thành vừa qua, hầu hết lãnh đạo công an các địa phương đều truyền đi thông điệp “tuyên chiến với tín dụng đen (TDĐ)”.
Trước đó khoảng một tháng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã khẳng định với các đại biểu Quốc hội là đã chỉ đạo lực lượng tấn công mạnh vào các băng nhóm TDĐ, vì đằng sau nó là hoạt động của tổ chức tội phạm.
Biến tướng từ nông thôn đến thành thị
Theo Thượng tá Lại Quang Huấn (Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an - ảnh), hoạt động TDĐ đang trở thành vấn nạn của xã hội, len lỏi từ vùng nông thôn đến thành thị, gây ra nhiều hệ quả xấu cho xã hội...
Sau các đợt cao điểm, tấn công của công an, các băng nhóm hoạt động kín đáo hơn, núp bóng các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các công ty cho vay tài chính hoặc chuyển sang câu kết, hoạt động ở nhiều địa bàn, tỉnh/thành khác để đối phó với công an.
Nạn nhân của TDĐ thường là những người có kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết hoặc những con bạc và các tổ chức TDĐ tính lãi suất lập lờ khiến con nợ rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền lãi thậm chí gấp hàng trăm lần tiền vay gốc.
Khi người vay tiền không có khả năng trả nợ hoặc trả nợ không đúng hạn do phải chịu lãi suất “cắt cổ”, các “đầu gấu, xăm trổ” xuất hiện đổ chất bẩn, chất thải vào nhà dân, gia đình của người vay nợ để đe dọa. Có trường hợp đối tượng mang quan tài, vòng hoa, dán cáo phó… để gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay.
Từ trái qua: Nguyễn Bá Phi Công, Lương Hoàng Anh và Nguyễn Trung Tín bị Công an quận Bình Tân, TP.HCM bắt giữ ngày 22-12 để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi. Ảnh: NT
Xử lý không dễ
Thượng tá Huấn cho biết: Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự ràng buộc cơ quan tố tụng phải chứng minh “lãi suất gấp năm lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng…”. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản hướng dẫn, dẫn đến chưa thống nhất giữa các cơ quan tư pháp nên khó phân định rõ ràng giữa vi phạm hình sự với vi phạm hành chính, vụ việc dân sự…
Chưa hết, để có kết luận về mức lãi suất thì CQĐT phải trưng cầu Ngân hàng Nhà nước nhưng thời gian nhận kết quả thường rất lâu, kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Trong khi tội cho vay nặng lãi thuộc nhóm ít nghiêm trọng, thời hạn điều tra ngắn nên khó áp dụng biện pháp tạm giam để điều tra mở rộng.
Cạnh đó, các hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản... mà các băng nhóm TDĐ áp dụng cho con nợ cũng không dễ xác minh vì những người này nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường sau khi thực hiện hành vi. Chế tài với các hành vi đòi nợ thuê, ném chất bẩn, chất thải, chửi bới, bôi nhọ uy tín, danh dự… chưa có sức răn đe.
Chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng khác có liên quan trong việc cấp phép, kiểm tra dịch vụ đòi nợ thuê, tuyên truyền còn mờ nhạt…
7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen từ năm 2015 đến 2018. Trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản. Bộ Công an đang đấu tranh 124 băng nhóm với gần 1.000 người hoạt động có tổ chức liên quan đến cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê. |
Báo cáo Chính phủ
Theo Thượng tá Huấn, trước những bất cập, vướng mắc nói trên, Bộ Công an đã tổng hợp để báo cáo Thủ tướng, đề xuất những giải pháp khắc phục, đặc biệt là những vấn đề nằm ngoài phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành công an.
Bộ Công an cũng đã giao nhiệm vụ cho công an các tỉnh/thành chủ động tham mưu với UBND các địa phương để chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phối hợp xác minh, thu hồi, tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với những số thuê bao quảng cáo không đúng quy định; xử phạt, tổ chức dọn dẹp, tháo dỡ biển hiệu, băng rôn, tờ rơi… quảng cáo cho vay TDĐ.
Bộ Công an và các địa phương tập trung tổng rà soát các tiệm cầm đồ, công ty cho vay tài chính (có phép và không phép) để quản lý, đấu tranh, phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương, các sở, ngành có liên quan xử lý, thu hồi giấy phép hoạt động các cơ sở vi phạm…
“Để xử lý TDĐ triệt để cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung những quy định của các văn bản pháp luật một cách chặt chẽ, có tính dự báo, phòng ngừa lâu dài. Khi chưa hoàn thiện các quy định pháp luật, lực lượng công an và các ban, ngành có liên quan cần phải có sự phối hợp chung để phòng ngừa, góp phần giải quyết trước mắt những vấn đề nổi cộm do TDĐ gây ra” - ông Huấn nói.
Bộ trưởng Tô Lâm nêu giải pháp Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về giao dịch, sử dụng vốn an toàn; tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan TDĐ, đòi nợ thuê. Bộ Công an sẽ làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, quản lý chặt chẽ nhân viên kinh doanh tài chính, cầm đồ tạm trú trên địa bàn. Ngoài ra, công an sẽ quản lý những người có nghi vấn về kinh tế liên quan đến hoạt động TDĐ, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, nhất là đường dây nóng, đơn thư tố giác về tội phạm liên quan đến TDĐ. Bộ Công an sẽ mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá tổ chức, các băng nhóm, các đường dây hoạt động TDĐ, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, vi phạm pháp luật. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp lý về hoạt động TDĐ, cho vay nặng lãi, từ đó đề xuất Chính phủ hoàn thiện sửa đổi. Bộ trưởng TÔ LÂM báo cáo tại kỳ họp Quốc hội ngày 30-10 |