Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Rất nhiều vấn đề được đặt lên diễn đàn này để mổ xẻ. Đặc biệt, tình trạng “tín dụng đen”, ma túy đã được các đại biểu (ĐB) soi đến mọi ngóc ngách và chất vấn căng thẳng.
Ông Hồ Lâm trả lời chất vấn.
Ông Hồ Lâm (Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận) là người trả lời chất vấn đầu tiên về tình trạng san lấp đất nông nghiệp, phân lô bán nền ở TP Phan Thiết và các huyện lân cận; việc hình thành các khu dân cư tự phát không đảm bảo về giao thông, cấp thoát nước, PCCC đã phá vỡ quy hoạch, phát sinh nhiều hệ lụy về kinh tế dân sinh…
Theo ông Hồ Lâm, việc phản ánh của cử tri và báo chí về hiện tượng này là đúng nhưng theo ông, quy định hiện hành thì việc này thuộc quyền quản lý, quyết định của UBND các huyện, thị, thành phố.
Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Toàn Thiện và ĐB Phạm Thị Minh Hiếu không đồng tình giải thích này. Cả hai ĐB này đều cho rằng trách nhiệm của Sở TN&MT rất lớn, bởi là cơ quan ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng rất nhiều diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi sang đất ở rồi sau đó phân lô, bán nền vô tội vạ.
“Tại TP Phan Thiết, đất nông nghiệp được chuyển đổi sang đất ở ồ ạt và đều do Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cấp giấy đỏ. Có hay không đường dây len lỏi trong Sở TN&MT thực hiện việc này?” - ĐB Hiếu đặt câu hỏi.
Trả lời, ông Hồ Lâm cho biết ông chưa có thông tin nào về đường dây hay nhóm lợi ích trong Sở TN&MT về việc chuyển đổi đất nông nghiệp. “Nếu có, chúng tôi sẽ sẵn sàng phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ” - ông Hồ Lâm nói.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiếu.
Ông Hồ Lâm cũng cho biết thêm, cơ quan chức năng phát hiện ở huyện Hàm Thuận Bắc có chín vị trí tự ý phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp. Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm cán bộ công chức có hành vi bao che, tạo điều kiện cho việc phân lô, bán nền tự phát trên đất nông nghiệp kể cả cấp tỉnh và huyện.
Trả lời chất vấn về tình hình trật tự an toàn xã hội có nhiều diễn biến phức tạp; số người chết do tai nạn giao thông không giảm; tình trạng gây rối trật tự công cộng diễn ra ở nhiều địa phương; tội phạm và tệ nạn ma túy gia tăng...
Đại tá Trần Văn Toản trả lời chất vấn.
Đại tá Trần Văn Toản, Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh xảy ra 422 vụ tai nạn giao thông, giảm số vụ nhưng tăng số người chết. Nguyên nhân là do ý thức người tham gia giao thông chạy quá tốc độ, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, chưa xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm…
Riêng tình hình ma túy, đã có 220 vụ mua bán, vận chuyển bị triệt phá trong năm 2018. Và chỉ trong tháng 10-2018 đã triệt phá hai vụ vận chuyển ma túy qua tỉnh Bình Thuận lớn nhất từ trước tới nay.
Liên quan đến vấn đề tín dụng đen, giám đốc công an tỉnh cho hay tình hình này đang diễn ra hết sức phức tạp, không chỉ riêng tỉnh Bình Thuận mà khắp cả nước. Công an tỉnh đã lên danh sách theo dõi hơn 40 nhóm chuyên cho vay nặng lãi.
Ông Toản cũng cho biết liên quan đến các băng nhóm “tín dụng đen” đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, đến nay Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định khởi tố sáu vụ án với 12 bị can liên quan đến các tội bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích. Lực lượng công an cũng đã lập danh sách 41 nhóm trên địa bàn tỉnh, xử phạt vi phạm hành chính 103 người.
Đại biểu Huỳnh Thị Hoa.
Trả lời ĐB Huỳnh Thị Hoa về việc có hay không trường hợp con nợ bị giết hoặc tự tử do liên quan đến tín dụng đen, Đại tá Toản khẳng định hiện chưa có trường hợp bị giết liên quan đến vấn đề này.
Đối với trường hợp ngày 18-9, bà Nguyễn Thị H. (48 tuổi) đã tự tử tại nhà riêng ở thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong và theo phản ảnh là do bị “tín dụng đen” truy bức, theo xác minh của Công an huyện Tuy Phong thì bà H. có vay tiền của nhiều người, hằng ngày có 3-4 người đàn ông thường đến nhà bà H. để thu tiền lãi. Sau khi bà H. chết, những người này không thấy xuất hiện nữa. “Cho đến nay, nguyên nhân bà H. tự tử chết vẫn chưa có thể kết luận được” - Đại tá Toản thông tin.
Về trách nhiệm của ngành công an trước các vấn nạn trên, ông Toản thừa nhận có trách nhiệm của lực lượng công an tỉnh. Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận cho rằng có lúc, có nơi lực lượng công an tỉnh còn chưa phát huy hết trách nhiệm, cá biệt còn có hiện tượng thiếu trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao.
Đại tá Toản cũng thẳng thắn thừa nhận ngành công an chưa sâu sát, chưa thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình, chưa đáp ứng yêu cầu trước những diễn biến phức tạp; chưa thực hiện quyết liệt trong đấu tranh.
Nói thêm về tín dụng đen, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Bình Thuận Bùi Xuân Chỉnh cho biết tình trạng này có ảnh hưởng nhất định đến đời sống người dân cũng như ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Để tránh tình trạng này, ngân hàng đã mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu người dân tiếp cận vốn. Tư vấn, xử lý kịp thời những bất cập về hồ sơ cho vay, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận, tránh vướng vào hoạt động tín dụng đen.
Ông Chỉnh cho biết sẽ nâng mức vay cho các hộ nông dân từ 100 triệu lên 200 triệu đồng không thế chấp. Ngoài ra, ngân hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục vay; chỉ đạo 25 quỹ tín dụng trong tỉnh tăng cường tiếp cận và giao dịch với nông dân, lập các tổ tiết kiệm, tổ liên doanh vay vốn để người dân tránh xa tín dụng đen.
Về câu hỏi: Tòa án có tiếp tay, hợp thức hóa cho hành vi cho vay nặng lãi hay không? Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận Biện Văn Hoan khẳng định tòa chưa xét xử vụ án nào về cho vay nặng lãi. Song đã xét xử ba vụ án hình sự liên quan đến hoạt động cho vay lãi cao và xét xử năm vụ tranh chấp hợp đồng vay vốn tài sản.
Ông Biện Văn Hoan trả lời chất vấn.
“Người dân khi vay phải nghiên cứu cho kỹ luật tín dụng trước khi muốn vay. Nếu giữa cá nhân với nhau có vay lãi suất cao hơn mức trần theo luật quy định, đề nghị khởi kiện tòa án để giải quyết. Tòa án sẽ xét xử nghiêm minh các vụ cho vay nặng lãi theo quy định của pháp luật” - ông Hoan khẳng định.
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các vụ việc gây rối ở Tuy Phong, Bắc Bình, TP Phan Thiết vào các ngày 10 và 11-6 là rất nghiêm trọng. Trách nhiệm thuộc về các cấp ủy, chính quyền và các ngành, trong đó có ngành công an.
Từ trái qua phải: Ông Biện Văn Hoan, ông Bùi Xuân Chỉnh và Đại tá Trần Văn Toản lần lượt trả lời về nạn tín dụng đen.
“Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng như thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sẽ tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Sau kiểm điểm sẽ có thông báo cụ thể cho các ĐB HĐND biết” - ông Hùng thông tin.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng các vụ việc cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê đang gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ông Hùng cũng đưa ra nhiều nhóm giải pháp và khẳng định là trách nhiệm của cấp ủy Đảng các cấp.
Tại kỳ họp, các ĐB cũng đặt vấn đề đến việc xử lý các hành vi dán quảng cáo, phát tờ rơi liên quan đến nạn tín dụng đen. “Đối với các số điện thoại đăng công khai, sao không dùng biện pháp nghiệp vụ gọi đến các số máy này để xác định và sau đó khóa cả hai chiều, vô hiệu hóa hoạt động cho vay nặng lãi của chủ thuê bao” - ĐB Nguyễn Toàn Thiện hiến kế. |