Tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình chờ giải cứu

(PLO)- Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỉ đồng đã thi công đạt đến hơn 70% nhưng hiện phải “đắp chiếu”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau gần sáu năm thi công, qua hai lần hoãn thời gian về đích, đến nay dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình do liên danh nhà đầu tư Tổng Công ty xây dựng số 1 - CTCP và Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Bùi Vũ triển khai mới chỉ đạt hơn 70% tiến độ. Hiện nhà đầu tư đã đề nghị tạm dừng dự án để chờ điều chỉnh lãi suất vay trong hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Vì sao phải tạm dừng dự án

Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình được UBND TP Hải Phòng phê duyệt năm 2016 theo hình thức đối tác công tư (PPP) và BOT, chính thức khởi công xây dựng từ tháng 5-2017, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2021. Ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.460 tỉ đồng, sau đó được điều chỉnh và bổ sung vốn nhà nước vào năm 2018, nâng tổng vốn đầu tư lên trên 3.768 tỉ đồng. Vốn từ ngân sách nhà nước là 720 tỉ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng tại TP Hải Phòng, 900 tỉ đồng từ vốn chủ sở hữu và hơn 2.100 tỉ đồng từ nguồn vốn vay.

Ban đầu, dự án do liên danh bốn doanh nghiệp (DN) đầu tư, tuy nhiên vào thời điểm 2018-2019, do gặp khó khăn về vốn hai DN rút lui, chỉ còn hai thành viên. Liên danh đã thành lập DN dự án là Công ty cổ phần Đầu tư đường ven biển Hải Phòng để thực hiện dự án này. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng giữ vai trò quản lý dự án.

Cầu Văn Úc trên tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình
Cầu Văn Úc trên tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình đã được hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng do toàn tuyến chưa thông. Ảnh: ĐỨC NGHĨA

Ghi nhận đến thời điểm này, đoạn đầu tuyến qua địa bàn phường Minh Đức, quận Đồ Sơn, mặt đường cơ bản được hoàn thành. Đoạn qua địa bàn huyện Kiến Thụy, mặt đường thi công dở dang đang tạm dừng. Đoạn qua huyện Tiên Lãng dài gần chục kilomet, nhà thầu mới đổ được lớp cát đen làm cốt nền. Hai cây cầu lớn trên tuyến đường này thì cầu Văn Úc đã hoàn thành, trong khi đó cầu Thái Bình vẫn đang dở dang.

Ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hải Phòng, cho biết từ tháng 5-2022 đến nay, dự án gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vật liệu đắp nền đường, giá các nguyên vật liệu biến động tăng cao. Cùng với đó, trong thời gian qua chính sách tín dụng bị siết chặt nên dự án gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, huy động vốn vay thực hiện đầu tư, dẫn đến kéo dài thời gian xây dựng.

“Dự án còn gặp vướng mắc rất lớn về mức lãi suất vốn vay thực tế mà nhà đầu tư phải trả so với lãi suất tính theo hợp đồng BOT (5%-6%). Việc này vượt khả năng cân đối tài chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng rất lớn đến quyết định tiếp tục đầu tư dự án của nhà đầu tư. Mặc dù UBND TP Hải Phòng đã cùng nhà đầu tư từng bước tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án nhưng vẫn còn một số khó khăn mà thẩm quyền của UBND TP Hải Phòng không đủ cơ sở pháp lý thực hiện, cần phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - ông Tuấn Anh cho biết.

Hiện nhà đầu tư đã đề nghị tạm dừng dự án để chờ điều chỉnh lãi suất vay trong hợp đồng BOT.

Tăng lãi suất hợp đồng BOT

Theo tìm hiểu của PV, lãi suất vốn vay trong thời gian xây dựng xác định theo quy định tại hợp đồng BOT từ tháng 3-2023 là 5,625%. Trong khi đó, theo báo cáo của nhà đầu tư, mức lãi suất vốn vay thực tế DN phải chi trả từ tháng 7-2023 là 12,9%/năm.

Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án, điều chỉnh lãi suất vốn vay và cho phép xác định mức lãi suất vốn vay theo quy định. Văn phòng Chính phủ sau đó đã có phiếu chuyển gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GTVT, Bộ Tài chính, đồng thời tham vấn ý kiến chuyên gia của Kiểm toán Nhà nước, đối chiếu quy định pháp luật, các quy định trong hợp đồng dự án và tình huống của dự án, UBND TP Hải Phòng cho rằng việc điều chỉnh dự án là có cơ sở và UBND TP Hải Phòng có thẩm quyền thực hiện điều chỉnh dự án. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lãi suất vốn vay và nguyên tắc xác định lãi suất vốn vay thì chưa có đủ cơ sở pháp lý.

Để có cơ sở tiếp tục xem xét về đề xuất điều chỉnh mức lãi suất vốn vay, nguyên tắc xác định lãi suất vốn vay điều chỉnh của hợp đồng BOT, đoàn công tác của TP Hải Phòng đã hai lần làm việc với Bộ Tài chính, mà gần nhất là đầu tháng 11 vừa qua. Qua hướng dẫn của bộ, TP Hải Phòng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh lãi suất vốn vay.

Cụ thể, mức lãi suất vốn vay được xác định theo lãi suất thực tế trong hợp đồng tín dụng của nhà đầu tư với bên cho vay và đảm bảo không vượt quá mức lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của ba ngân hàng thương mại là BIDV, Vietcombank, VietinBank.

Hiện đến thời điểm này, TP Hải Phòng vẫn đang chờ Chính phủ, các bộ, ngành xem xét giải quyết vướng mắc trên. Nếu được thông qua, dự án sẽ tiếp tục được hoàn thành để đưa vào sử dụng.•

Tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình dài 29,7 km

Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình dài 29,7 km, điểm đầu giao với Đường tỉnh 353, thuộc phường Minh Đức, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, điểm cuối tại Km29+706,89 giao với Quốc lộ 37, thuộc xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy (Thái Bình).

Dự án có gần 20,8 km đi qua TP Hải Phòng và gần 9 km đi qua địa bàn tỉnh Thái Bình. Đây là dự án nằm trong tuyến đường bộ ven biển Việt Nam kéo dài từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, được Thủ tướng phê duyệt năm 2010.

Theo thiết kế, mặt đường rộng 12 m với hai làn xe cơ giới; vận tốc xe chạy 80 km/giờ. TP Hải Phòng đã cân đối ngân sách, đầu tư mở rộng thêm hai làn xe cơ giới cho đoạn qua địa bàn TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm