Tuyển sinh đầu cấp có bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp khu phố, ấp?

(PLO)- Để đảm bảo sự ổn định, nhiều quận huyện không thay đổi phân tuyến tuyển sinh đầu cấp dù sắp xếp khu phố, ấp. 

Để đảm bảo sự ổn định, nhiều quận huyện không thay đổi phân tuyến tuyển sinh đầu cấp dù sắp xếp khu phố, ấp. Đây là thông tin được lãnh đạo các phòng GD&ĐT quận, huyện chia sẻ tại cuộc họp giao ban trưởng phòng GD&ĐT với Sở GD&ĐT diễn ra vào sáng 23-4.

Không thay đổi, tránh xáo trộn

Thời điểm này, TP.HCM đang trong quá trình sắp xếp lại khu phố, ấp đồng thời rà soát, lập danh sách học sinh phục vụ cho công tác tuyển sinh đầu cấp đặc biệt các khối mầm non, lớp 1, lớp 6.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh cho biết thực hiện đề án 06 về dữ liệu dân cư quốc gia, Bình Chánh triển khai khá thuận lợi vì được sự hỗ trợ của công an. Hiện tại huyện còn một số trường hợp học sinh có quốc tịch nước ngoài gặp khó trong việc xác thực mã định danh.

Bà Châu cho biết thêm huyện đang trong quá trình sắp xếp lại khu phố, ấp.

"Ban đầu, phòng GD&ĐT dự định sẽ phân tuyến trong tuyển sinh đầu cấp theo việc sắp xếp lại các ấp mới để đảm bảo tính đồng bộ. Tuy nhiên, việc thực hiện không kịp theo tiến độ của công tác tuyển sinh" - bà Châu nói.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bà Châu dẫn chứng xã Bình Chánh trước đây chỉ có bốn ấp, sau khi sắp xếp lên 16 ấp.

"Do đó, để tránh sự xáo trộn trong tuyển sinh đầu cấp, phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện phân tuyến theo ấp cũ. Trong thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu, quan và đồng thuận để triển khai trong tuyển sinh đầu cấp vào năm tới" - bà Châu nói thêm.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cũng cho biết đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của phụ huynh trong thời gian qua. Nhiều phụ huynh băn khoăn liệu việc phân tuyến tuyển sinh đầu cấp sẽ thực hiện ra sao khi TP đang sắp xếp khu phố, ấp.

"Hiện nay mới ra quyết định, việc thực hiện, thay đổi giấy tờ cho người dân sẽ được triển khai trong thời gian tới. Do đó chúng tôi tham mưu UBND quận phân tuyến tuyển sinh đầu cấp theo địa chỉ cũ, nếu triển khai theo địa chỉ mới sẽ không đồng bộ" - ông Thanh nói thêm.

Đưa vào sử dụng nhiều ngôi trường mới

Tại cuộc họp, vấn đề xây dựng trường lớp để chuẩn bị cho năm học mới cũng được nhiều quận, huyện đề cập.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân cho hay năm học 2024-2025, quận sẽ có bảy trường mới đi vào hoạt động, trong đó có năm trường tiểu học, một trường mầm non, một trường THCS với tổng số phòng học là 204.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân phát biểu. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

"Sau 10 năm, đây là năm học quận xây mới được nhiều phòng học nhất. Trong năm tới, quận tiếp tục đưa vào sử dụng thêm 9 trường học nữa" - ông Tuyên nói.

Tổng số học sinh toàn quận Bình Tân dự kiến trong năm học tới là 124.237 em, tăng 3.455 học sinh.

Với nỗ lực xây dựng trường lớp, năm học tới tỉ lệ học sinh học 02 buổi/ngày trên địa bàn quận sẽ tăng. Dự kiến năm học 2024-2025, bậc tiểu học, giảm sĩ số học sinh/lớp, dưới 40 học sinh, khoảng 37, 38 học sinh/lớp. Còn cấp THCS khoảng 45 học sinh/lớp.

Khó trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia

Cũng theo ông Tuyên, khó khăn Bình Tân gặp phải là việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Hiện, đối với hệ thống các trường công lập, bậc mầm non có 13/24 trường đạt chuẩn, tiểu học chỉ có 1/24 trường đạt chuẩn, THCS cũng chỉ có 01 trường.

"Đây là cái khó của các quận, huyện ngoại thành, chịu áp lực về việc tăng dân số cơ học" - ông Tuyên nói thêm.

Bà Lê Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nhà Bè phát biểu tại cuộc họp sáng nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nhà Bè cho biết địa bàn cũng gặp khó về vấn đề trên.

Thị trấn Nhà Bè phải thực hiện đô thị thông minh trong đó tiêu chí đề ra 60% các trường phải đạt chuẩn quốc gia. Hiện thị trấn có 07 trường nhưng mới chỉ có một trường đạt chuẩn quốc gia. Do đó, trong năm học tới phải xây dựng thêm 03 trường nữa. Trong khi học sinh ngày càng tăng, trường lớp hạn chế. Do đó, đây là bài toán nan giải đối với địa phương.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh việc đi học của học sinh phải được ưu tiên hàng đầu.

"Chúng ta có thể hy sinh xây dựng trường chuẩn để có đủ chỗ học cho học sinh. Địa phương phải ưu tiên xây dựng đầu tư trường lớp. Lãnh đạo các quận, huyện phải dự báo trước tình hình tăng học sinh mỗi năm để tham mưu các cơ quan có kế hoạch xây dựng trường lớp phù hợp" - ông Hiếu nhấn mạnh.

Liên quan đến sự việc tại Trường Mầm non Vàng Anh, quận 5 đang nhận được sự quan tâm của phụ huynh, ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng GD&ĐT quận 5 cho biết đây là đơn vị được UBND quận chọn xây dựng mô hình trường tự chủ tài chính đầu tiên trên địa bàn quận.

Trường nằm trong cụm phường 2,3 của quận 5, nơi địa phương đang xây dựng lộ trình mô hình trường học tự chủ cho một số trường học. Việc này bám sát Nghị quyết 19 của Trung Ương, Nghị định 60 của Chính phủ.

Trường Mầm non Vàng Anh xuất thân là trường bán công, sau đó là trường công lập, trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến hội nhập và đang hướng đến trường tự chủ. Trường được đánh giá có chất lượng tốt, nên quận muốn tiến đến mô hình chất lượng tốt hơn nữa. Vừa qua chỉ là một bước khảo sát, lãnh đạo quận sẽ nghiên cứu để có định hướng tiếp theo.

Hiện trên địa bàn quận 5 cũng có nhiều mô hình trường mầm non khác, có trường vừa xây mới, trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến hội nhập. Phụ huynh có nhiều trường để lựa chọn cho con theo học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới