Chê người khác mập có vi phạm pháp luật không?

(PLO)- Chê người khác béo (mập), xấu có thể sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tôi có quen biết một người tên T nhưng không thân thiết, lần nào anh ta gặp tôi cũng sẽ chê tôi béo, xấu. Thậm chí, anh ta còn dùng những lời lẽ xúc phạm ngoại hình của tôi, tôi rất buồn và tự ti về điều anh ta nói.

Xin hỏi, việc chê người khác béo, xấu có vi phạm pháp luật hay không?

Bạn đọc TV (TP.HCM)

Chê người khác béo.jpeg

Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Liên quan đến vấn đề mà bạn đọc nêu, Điểm a khoản 3, điểm b, điểm c khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021 có quy định, phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác (tổ chức phạt gấp đôi), trừ trường hợp theo quy định.

Đồng thời, buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm; buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm, trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu.

Trong khi đó, dưới góc độ hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức thành tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS thì người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, trên thực tế thì để xử phạt hành chính hay hình sự đều không dễ. Bởi không phải tất cả các trường hợp chê bai đều được xác định là xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Để xác định nói béo, gầy là đẹp hay xấu còn tùy nhận thức, quan điểm của mỗi người. Có người thấy bình thường, có người cảm thấy bị xúc phạm.

Như vậy, chỉ khi nào người nói hành động có chủ đích, chê béo gắn liền với sự miệt thị, chê bai làm tổn thương người khác trước đám đông, gây hậu quả xấu thì mới có cơ sở để xử phạt.

Tương tự, như thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng (đến mức cấu thành tội phạm) thì không hề đơn giản.

Về nguyên tắc, người miệt thị ngoại hình người khác có thể phải bồi thường thiệt hại cho người bị xúc phạm, bôi nhọ, chế giễu.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, mức bồi thường gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác gây ra (do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm