Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 - Đợt 2: Đề thi thời sự, gần gũi

Hôm qua (9-7), thí sinh (TS) đã hoàn thành ngày thi đầu tiên của đợt 2 với các khối B, C, D và năng khiếu. Nhiều TS có tâm trạng thoải mái vì đề thi tương đối phù hợp. Đề thi đợt 2 được đánh giá có sự phân loại cao, phần lớn TS đều làm bài được nhưng sẽ không có nhiều điểm cao. Nhìn chung đề thi phù hợp trình độ TS, trải đều kiến thức lớp 12, khoảng 30% ở lớp 11.

Kẻ cơ hội và thần tượng vào đề Văn

Kết thúc môn thi Văn, nhiều TS khối D khen đề hay, vừa sức; còn đề Văn khối C được đánh giá là khó hơn nhưng thú vị. Đề thi Văn khối C với câu hỏi nghị luận xã hội “Kẻ cơ hội thì nôn nóng đạt được thành tích, còn người chân chính thì kiên nhẫn đạt được thành tựu” được TS đánh giá cao. Tại Hội đồng thi Trường ĐH GTVT, TS Nguyễn Quốc Lương cho biết: “Câu này không chỉ đòi hỏi kỹ năng tư duy mà còn sự hiểu biết xã hội của TS để phân định được thế nào là cơ hội cũng như sự khác biệt giữa thành tích và thành tựu”.

Thực tế và dễ nhận dạng hơn là đề mở ở môn Văn khối D với yêu cầu gắn với việc ngưỡng mộ, mê muội thần tượng. TS Sơn Nam ở Hội đồng thi Học viện Báo chí- Tuyên truyền bày tỏ: “Giới trẻ ai cũng có thần tượng nên dễ bày tỏ quan điểm của mình. Em thần tượng một ban nhạc nước ngoài nên em lấy đó làm ví dụ bảo vệ quan điểm của mình”.

ThS Triệu Thị Huệ, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), nhận định: “Câu nghị luận xã hội ở hai đề rất thú vị và gần gũi với TS, đặc biệt tạo được “không gian” khá rộng để TS trình bày suy nghĩ của bản thân. Có thể từ hai vấn đề ngưỡng mộ thần tượng - mê muội thần tượng (đề khối D), người nôn nóng - người chân chính (đề khối C) để bàn luận về một hiện tượng xã hội nổi bật hay một vấn đề tư tưởng đạo lý”. Cả hai đề khối C và D đều có hình thức ra đề khá mới, hấp dẫn, không sa vào việc yêu cầu TS tái hiện kiến thức máy móc, nặng nề. Tuy nhiên, cô Huệ nói: “Câu nghị luận văn học (5 điểm) trong đề thi cả hai khối có lẽ không gây bất ngờ vì TS đã làm quen với dạng đề so sánh, tổng hợp mấy năm gần đây”.

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 - Đợt 2: Đề thi thời sự, gần gũi ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Phong (thí sinh 56 tuổi): “Nếu thi đậu, sắp tới tôi sẽ cùng chồng vào TP.HCM sinh sống và tôi sẽ học đại học”. Ảnh: Đ.LAM

Trong khi đó, thầy Hồ Kỳ Thuận, Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Đông Du (TP.HCM), đánh giá: “Câu nghị luận xã hội gần gũi tâm lý TS nhưng ở đề khối D, TS khó đạt điểm tốt vì không thấy được thảm họa như thế nào do khái niệm thảm họa rộng; cũng như đề khối C mang tính trừu tượng và khó. TS sẽ không thấy và phân biệt được thành tích và thành tựu. Đặc biệt, những TS “ngoan” không thể nhận biết được một kẻ cơ hội trong cuộc sống vì không có điều kiện tiếp xúc”.

Môn Sinh, Toán khối B hiếm điểm 10

Cô Nguyễn Thị Kim Quy, giáo viên Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM), đánh giá: “Đề thi môn Sinh năm nay có nhiều câu rất hay và mới so với đề năm 2011. Chính vì vậy, môn Sinh sẽ có nhiều TS dễ đạt điểm trung bình 5-6. Tuy nhiên, điểm trên 8 thì ít TS đạt được”. Theo cô Quy, có đến 50% câu hỏi giáo khoa khá dễ chọn đáp án. Nhưng ở phần bài tập, TS phải chuẩn bị rèn bài tập áp dụng nhiều kiến thức tổng hợp về sinh học cũng như các phương pháp tính toán và thuần thục kỹ thuật tính toán để giải quyết bài thi trong thời gian ngắn nhất mới có thể hoàn tất được toàn bộ bài làm. Cô Quy cho hay: “Để làm được đề thi này, TS phải có một quá trình dài, đã từng giải thử các đề thi năm trước vì một số câu hỏi dạng bài tập có lặp lại khá nhiều”.

Nhận xét đề thi môn Toán khối B, ThS Nguyễn Duy Hiếu, Tổ trưởng tổ Toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), nói: “Môn Toán khối B khó tương đương khối A, một số câu khó hơn khối A, chẳng hạn như câu lượng giác. Năm nay câu 6 được xem là khó nhất và đây là câu nhằm phân loại học sinh giỏi. Với đề thi này, TS học chương trình chuẩn sẽ khó khăn hơn TS học chương trình nâng cao vì không học phần lượng giác. TS trung bình có thể đạt được điểm 5, giỏi sẽ đạt 8 điểm, thật sự giỏi mới có thể đạt điểm 10”.

Theo thầy Hiếu, đề thi môn Toán khối D năm nay tương đương năm trước. Đề thi không có câu nào mang tính đánh đố. TS khá, giỏi có thể đạt điểm 9-10. Phổ điểm trung bình sẽ năm ở mức 5-6. Đề thi phân hóa tốt, phù hợp với TS thi khối D.

Môn Lịch sử: Khó đạt điểm trung bình

ThS Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng tổ Sử - Địa Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM), cho biết: “Thoạt nhìn đề thi có vẻ không khó, không có câu nào thuộc phần kiến thức giảm tải và dễ có điểm trên trung bình nhưng theo tôi, thực sự sẽ gây khó cho TS nếu muốn đạt điểm cao, nhất là điểm 9, 10. TS học tủ hoặc không học hết chương trình, không hiểu kỹ bài sẽ gặp khó khăn trong vận dụng kiến thức và khó đạt điểm trung bình”.

Theo cô Vy, câu 1 khá lạ, TS sẽ gặp khó khăn khi học tủ ở câu này và nếu có học thuộc cũng khó phân tích đủ ý. Cầu 2 TS chỉ đơn thuần học theo bài mà không nắm vững chủ đề, vấn đề theo chương bài sẽ dễ phân đoạn lịch sử vừa dài vừa sai. Câu 3 và 4 hỏi đúng phần trọng tâm nên nhiều TS sẽ làm tốt câu này; riêng câu 4 TS khó kiếm trọn điểm hơn vì TS thường chỉ học một phần mà ít học toàn phần.

Ứng thí ở tuổi 56

Đó là TS Nguyễn Thị Phong (xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An) dự thi vào khoa Ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.

Sáng 9-7, sau khi thi xong môn Văn, bà cho biết mặc dù đi thi thấy mình tụt hậu nhiều so với lớp trẻ nhưng bà làm rất tốt câu 2 viết bài văn ngắn trình bày suy nghĩ về ý kiến “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu” vì có lợi thế hơn các TS khác là có nhiều kinh nghiệm sống.

“Tôi đi thi để thử sức mình. Con trai, con dâu và hai cháu nội đều ủng hộ tôi đi thi ĐH. Trước ngày thi con dâu ở TP.HCM có gửi cho tôi bộ sách đề thi để tôi ôn luyện” - bà Phong nói.

Cách nay hơn 35 năm, bà Phong từng thi đậu vào Trường ĐH Thủy lợi nhưng do nhận được giấy báo trúng tuyển quá muộn nên bà không được nhập học. Năm 1978, bà Phong lập gia đình, sinh được con trai rồi hai vợ chồng ly hôn, bà nuôi con một mình. Hiện con trai của bà là giám đốc đào tạo và phát triển nhân lực của một tập đoàn ở TP.HCM.

Đ.LAM

140 TS vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật (trong đó khiển trách bảy, cảnh cáo hai, đình chỉ thi 124 và bảy TS không được dự thi do đến muộn), hai cán bộ coi thi bị khiển trách, một cán bộ bị đình chỉ.

Tại điểm thi của ĐH Cần Thơ xảy ra trường hợp phòng thi thiếu giấy thi phát cho TS. Có hai TS được phát giấy thi mới nhưng có màu vàng nhạt khác biệt so với các TS trong phòng nên giám thị đã lập biên bản báo cáo sự việc để bài thi hai TS này được chấm riêng.

Q.DŨNG - V.THỊNH - Q.VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm