Ngày 16-10, Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế cho biết vừa có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với toàn bộ lao động hợp đồng không xác định thời hạn vì lý do tài chính gặp nhiều khó khăn.
Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế. Ảnh: N.DO
Theo đó, trường sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 23 người (2 người tự nguyện xin nghỉ), trong đó có 7 giảng viên thạc sĩ và 16 nhân viên hành chính, tạp vụ, bảo vệ. Tuy nhiên, trường sẽ tái ký hợp đồng lao động đối với một số người là bảo vệ, tạp vụ...
Điều này khiến nhiều giảng viên bức xúc vì thời gian cống hiến tại đây đã lâu, đã bỏ nhiều thời gian cũng như tiền bạc để đi học nâng cao bằng cấp, mong muốn làm việc lâu dài.
Nhiều năm qua Trường ĐH Nghệ thuật tuyển sinh không đủ chỉ tiêu đầu vào khiến nguồn thu gặp nhiều khó khăn. Năm học 2019 trường chỉ tuyển được 47 sinh viên trong hai đợt. Đến thời điểm này, khoa Hội họa chỉ có 9 sinh viên với 13 giảng viên; khoa Điêu khắc có 3 sinh viên với 5 giảng viên; khoa Sư phạm mỹ thuật có 16 sinh viên với 13 giảng viên. Chỉ khoa Mỹ thuật ứng dụng tuyển được 218 sinh viên với 20 giảng viên.
Ông Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật, cho biết số cán bộ, công nhân viên của trường hiện có 101 người. Riêng khoản tiền trả lương mỗi năm đã hơn 8 tỉ đồng, 23 nhân viên hợp đồng dài hạn mỗi năm phải chi trả hơn 1,2 tỉ đồng. Tuy vậy, nguồn thu từ học phí mỗi năm chỉ đạt 2,4 tỉ đồng, cộng với 6,5 tỉ đồng nguồn tiền từ ngân sách thì không đủ chi.
"Trước những khó khăn trên, trường đã tổ chức họp để nghe ý kiến của cán bộ, công nhân viên, sau đó có văn bản gửi ĐH Huế với nội dung mượn quỹ lương của biên chế để tạm chi trả cho người hợp đồng lao động nhưng ĐH Huế trả lời rằng không thể rút tiền biên chế chi cho giáo viên hợp đồng được. Cuối cùng chúng tôi thống nhất việc cắt giảm này theo lộ trình thời gian cụ thể, vì giáo viên nhiều hơn sinh viên nên việc chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp này cũng không ảnh hưởng đến chất lượng của nhà trường" - ông Phú nói.
Ông Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật. Ảnh: N.DO
Theo ông Phú, đây là điều không ai mong muốn. Thời gian tới, nếu trường tuyển được sinh viên và có nhu cầu tuyển dụng giảng viên, trường sẽ mời những người này làm việc trở lại.
Khó khăn về tài chính của trường diễn ra nhiều năm nay vì thí sinh ngày càng giảm. Những năm trước ban giám hiệu phải tự cầm giấy quyền sử dụng đất cá nhân để vay ngân hàng nhằm giải quyết việc này. Bên cạnh đó, ĐH Huế cũng có chủ trương gộp một số trường, khoa trực thuộc ĐH Huế lại với nhau. Nhưng theo ông Phú, ĐH Nghệ thuật mang tính đặc thù riêng nên việc sáp nhập này rất khó khăn, chưa kể nếu sáp nhập ĐH Nghệ thuật dễ là gánh nặng cho các khoa khác.
“Thời gian tới nhà trường sẽ tăng cường tuyển sinh. Theo quy định, khi không có nguồn tuyển sinh thì trường sẽ giải thể” - ông Phú nói.